Đếm năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi ở Hà Nội được thu gom, tái sử dụng?
Đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi được thu gom, tái sử dụng
PV
Chủ nhật, ngày 15/10/2023 12:18 PM (GMT+7)
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4968 về việc ban hành Kế hoạch tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025.
Quyết định nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bản TP Hà Nội, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đưa vùng nông thôn của Thủ đô trở thành nơi đáng sống.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tài chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn.
100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định, ít nhất 15% số hộ nông thông có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả.
100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được thu gom và xử lý theo quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm …
Các nội dung chính được triển khai để thực hiện các mục tiêu đề ra gồm: Chất thải và phụ phẩm công nghiệp; Bao gói thuốc bảo vệ thực vật; Chất thải rắn sinh hoạt; Nước thải sinh hoạt; Bảo vệ môi trường làng nghề; Cảnh quan nông thôn; An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Cấp nước sạch nông thôn.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện gồm: Cơ chế chính sách; Tuyên truyền, tập huấn; Khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
UBND Thành phố yêu cầu việc triển khai thực hiện kế hoạch phải bám sát nội dung chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Các nhiệm vụ triển khai phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.