Đến Jakarta dự SEA Games, ấm tình đồng bào

Thứ hai, ngày 07/11/2011 16:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người Việt ở Jakarta thậm ít, luật lệ ở Jakarta thậm nhiều, cũng may nhờ có tình đồng bào nồng đượm dân tộc ta nên các phóng viên, CĐV Việt Nam tham dự SEA Games 26 cũng đỡ bị cảm giác bỡ ngỡ…
Bình luận 0

Có ai là người Việt không?

Jakarta thật lạ, cái gì dễ thì quá dễ, xe chạy như điên khiến những người Việt vốn quan niệm “xưa nay chỉ thấy xe tránh người – nào ai thấy người tránh xe đâu?” khiếp lắm. Ăn uống, cử chỉ thì lại quá chặt chẽ, có CĐV mới sang, nghe anh em giảng giải về những điều kiêng kị trong ăn uống, trong cử chỉ tại đây đã cẩn thận chọn phương án an toàn: Nằm tại khách sạn xem ti vi.

img
Hải Hoàng (giữa) giúp các phóng viên Việt Nam tác nghiệp. Ảnh: Đàm Duy

Còn tiếng Anh của họ thì… thôi rồi. Có khi PV của ta với tình nguyện viên của họ nói chuyện với nhau tiếng Anh và cả hai đều tự cảm thấy mình quá giỏi môn ngoại ngữ này nhưng chốt lại, cả hai đều ngơ ngác nhìn nhau và tự nhủ: “Mình nói chuẩn thế, sao họ không hiểu nhỉ?”.

Lớp phóng viên thế hệ 8X, còn thấy bỡ ngỡ ở cái “trường quốc tế” này thì những anh em nhà báo già (lứa 7X trong báo chí đã được coi là lớp người cũ) sao tránh khỏi khó khăn khi tác nghiệp. Mấy anh em thơ thẩn ngoài sân bóng thì gặp một cu cậu chạy lon ton, cứ thấy đám đông nào đi với nhau lại sà vào hỏi: “Có ai là người Việt Nam không?”. Thì mình là người Việt Nam đây chứ đâu? “May quá. Các anh có cần gì cứ bảo em”, cu cậu hổn hển.

Công tác đổi tiền, mua sắm các thiết bị làm việc cùng các loại thức ăn sẵn hợp khẩu vị người Việt… mà chúng tôi đang bối rối được cu cậu giải quyết chóng vánh trong vòng tiếng đồng hồ… Xong việc, anh chàng đẹp trai này cười hớn hở: “Cho em địa chỉ khách sạn của các anh. Bây giờ em phải về trường cho kịp buổi, em đang làm luận án chuẩn bị tốt nghiệp”.

Đến và đi như gió, chả kịp hỏi han gì nhưng tôi cứ ấn tượng mãi với cái câu: “Có ai là người Việt Nam không?”.

Tinh thần tự giác dân tộc

Buổi tối, lại thấy anh chàng ấy dẫn theo mấy ông bạn nữa mò đến khách sạn Onyx, nơi đặt đại bản doanh của hầu hết các PV Việt Nam. Anh chàng nhanh nhảu này tên là Đoàn Hải Hoàng nhà ở Hạ Long, Quảng Ninh hiện đang học tại Đại học President, khoa Marketing. Vừa gặp, Hoàng cười chỉ tay vào mấy ông bạn: “Em bàn giao mấy thằng này cho anh, có việc gì các anh cứ bảo chúng nó. Đây là Diệu, đây là Tùng, đây là Trung…”. Do bận vì đang làm luận án nên Hoàng đã về trường huy động bạn lên.

Thì ra kế hoạch đón tiếp PV, CĐV một cách “tự phát” này đã được Hoàng và các bạn lên kế hoạch từ trước. Có việc này bởi khi mới sang đây, mấy cậu du học sinh này đã vô cùng khổ sở vì những khác biệt của vùng đất này. “Chúng em sang đến cả năm mà nhiều khi còn thấy bỡ ngỡ. Không như ở mình, nếu lỡ vi phạm những điều kiêng kị thì cũng chỉ là lỗi, cùng lắm là bị rầy mắng nhưng bên này lơ mơ là bị phạt ngay”.

Các thầy giáo của Trường Đại học President mỗi khi có đội U23 Việt Nam thi đấu đều cho đội CĐV kiêm tình nguyện viên này một chuyến xe đến sân vận động.

Thực ra, những tình nguyện viên “made in Việt Nam” này tại SEA Games 26 không có nhiều, cả thảy chỉ có khoảng 100 du học sinh của ta tại Jakarta, một nửa trong số ấy là con gái, không thể lông bông đi khắp nơi mà hỏi: “Có ai là người Việt Nam không?”. Chỉ còn khoảng dăm chục người. Đây cũng chính là lượng CĐV chính của U23 Việt Nam trong hai trận đầu vắng người cổ vũ.

Cũng vui vì trước sự nhiệt tình đầy tính trách nhiệm ấy nên đội tình nguyện viên cũng nhận được nhiều sự ưu ái. Về tiền vé thì mấy cô cậu khoe: Trận gặp Myanmar, bác Hoàn “hấp” cho tiền mua vé. “Hoàn hấp” là CĐV Hải Phòng nổi tiếng của Việt Nam, trận ấy lại có thêm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho thêm 26 vé nữa. Mấy cô cậu phấn khởi: “Số tiền 42 chiếc vé định mua ngày hôm nay, bọn em để dành để xem trận bán kết”.

Từ Jakarta 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem