Đến khi nào công nhân mới mua được nhà ở xã hội?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 26/04/2022 15:20 PM (GMT+7)
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri giữa HĐND TP.HCM với nữ công nhân, viên chức, người lao động, nhiều cử tri công nhân trăn trở hơn 2 năm qua, lương không tăng nhưng vật giá tăng liên tục, với đồng lương ít ỏi khó mua được căn nhà để ở tại TP.HCM.
Bình luận 0
Đến khi nào công nhân mới mua được nhà ở xã hội? - Ảnh 1.

Trong tình hình hiện nay, công nhân không mua được nhà ở xã hội. Ảnh: P.V

Công nhân không thể mua được nhà

Cử tri Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đặt vấn đề, TP.HCM có chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn: "Vậy TPHCM có giải pháp cụ thể gì để triển khai, đạt chỉ tiêu trên? Thời gian nào người lao động có thể tiếp cận mua nhà theo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM?"

Cùng quan tâm nhà ở xã hội, cử tri Đặng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an TP.HCM phân tích, TP.HCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động; hơn 80% công nhân đến từ các tỉnh hầu hết phải thuê phòng trọ, nhà trọ. Trong khi đó, giá nhà đất đang quá cao, người lao động không thể mua được nhà ở.

Đại diện công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin, cử tri Hà Thị Trang trăn trở, 2 năm qua, lương không tăng nhưng vật giá tăng liên tục từ 10-20%, rất khó để mua được nhà ở với đồng lương ít ỏi của công nhân. TP.HCM cần có chính sách giúp công nhân được mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê giá rẻ để công nhân giảm bớt gánh nặng, áp lực về nhà ở. 

Ngoài ra, cử tri đề nghị có giải pháp giữ trẻ ngoài giờ hành chính tại các trường mầm non công lập, xây dựng thêm nhiều nhà trẻ cho con công nhân.

Trong khi đó, cử tri Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, hiện có 2 loại nhà ở xã hội: Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội hình thành trên cơ sở 20% diện tích sàn xây dựng của các dự án nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, 2 nguồn này vẫn không đáp ứng được nhu cầu và đa số thu nhập của NLĐ cũng không với tới được chuyện mua nhà ở xã hội. Vì thế, đề nghị TP.HCM tập trung phân khúc cho thuê nhà ở xã hội hơn là bán nhà ở xã hội. Đồng thời, trong việc giải bài toán nhà ở xã hội, TP.HCM cần kết nối, tăng trách nhiệm của các doanh nghiệp có đông người lao động trong xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ, như vậy sẽ giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp.

Giá nhà ở xã hội tăng cao

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết thông tin, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 tuy nhiên hiện nay giá căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2 đến dưới 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng. Do đó, giá bán hiện nay không phải giá tự do mà giá bán đúng giá trị thật của căn hộ được kiểm toán, cộng với lãi định mức.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 19 dự án với quy mô gần 15.000 căn (tổng diện tích 19 dự án này là hơn 24,6ha). Trong số này chỉ có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, các dự án còn lại sử dụng vốn doanh nghiệp. Về nguồn gốc đất, chỉ có 3 dự án có nguồn gốc đất từ đất quốc phòng an ninh và đất nhà nước.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, vấn đề là chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM phê duyệt kế hoạch nhà ở giai đoạn này, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở đó là 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các quận 7, quận 2, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức. Riêng các quận trong nội thành chỉ có 2 dự án.

Ngoài ra, TP.HCM khuyến khích các quận huyện ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, cụ thể có 8 dự án. Tổng cộng các dự án này đáp ứng trên 35.000 căn hộ.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết thêm, hiện nay rà soát trên địa bàn TP.HCM có 33 dự án (tổng diện tích trên 105ha, khoảng 70.000 căn hộ) có diện tích đất trên 10ha, bắt buộc phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Đến khi nào công nhân mới mua được nhà ở xã hội? - Ảnh 3.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, hiện nay về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.

Sở Xây dựng đang trình UBND TP các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội này xuống dưới 6 tháng để các chủ đầu tư triển khai thực hiện (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm). Hiện nay, TP.HCM đã có quỹ đất và có thể thực hiện ngay 14 dự án với quy mô khoảng 15.000 căn hộ. Tuy nhiên việc này cần phải có ý kiến của các sở ngành và các cơ quan Trung ương đồng ý.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ); nhanh chóng giải quyết các thủ tục, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025 đã được HĐND TP.HCM thông qua.

Cùng với đó, phải tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.

Đến khi nào công nhân mới mua được nhà ở xã hội? - Ảnh 4.

TP.HCM đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội. Ảnh: P.V

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động đã có 16 dự án nhà ở, nhà lưu trú công nhân với quy mô 21.000 chỗ ở. Tuy nhiên với quy mô chỗ ở chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, chỉ chiếm khoảng 10%.

Qua khảo sát lần gần nhất của Hepza cho thấy, có khoảng 74% là công nhân từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM làm việc, trong số này có 70% có nhu cầu về nhà ở. Từ đó, Hepza đề nghị các cơ quan có liên quan cần quan tâm đến cách thức tổ chức thực hiện, để các thủ tục hành chính, điều kiện tiếp nhận dự án từ chủ đầu tư phải được đơn giản.

Ngoài ra, đất trong khu công nghiệp không phải là đất ở, do đó cần xem dự án nhà ở, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân là một dự án dịch vụ thương mại, hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Từ đó mới triển khai nhanh các dự án nhà ở dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem