Đẹp mê hồn bản địa lan giữa chốn đại ngàn Lai Châu

Thuần Việt - Ảnh CBT: Travel Chủ nhật, ngày 10/03/2019 19:30 PM (GMT+7)
Bản Sin Súi Hồ, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển. Nhiều năm qua, bà con người Mông nơi đây đã biến bản của mình thành nơi trồng lan và làm du lịch.
Bình luận 0

Những bản người Mông ở đất Tây Bắc nằm vắt vẻo trên núi cao. Tuy lợi thế về đất đai rộng mênh mông, bà con người Mông tần tảo sớm hôm trên nương, trên rẫy nhưng cũng chỉ mong kiếm đủ 3 bữa no. Lần này có dịp lên bản Sin Súi Hồ - nằm độ cao 2.000m so với mặt nước biển, tôi bất ngờ trước lối suy nghĩ và cách làm của bà con người Mông nơi đây. Cây địa lan đã làm thay đổi bộ mặt của bản dù bản nằm tít trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

img

Đến bất cứ một ngôi nhà nào ở bản Sin Súi Hồ, du khách cũng dễ dàng bắt gặp những chậu địa lan đẹp tuyệt vời. Cây lan đã gắn bó với người Mông nơi đây như là một mối lương duyên giữa rừng và người.

Bản Sin Suối Hồ nhiều năm trước là một trong những bản còn khó khăn của xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Tình trạng đói nghèo của bản có nhiều nguyên nhân tác động nhưng một trong số đó là không có tư liệu sản xuất và không có phương thức sản xuất, giống loài canh tác phù hợp. Sau cả chục năm vật lộn với công cuộc xóa đói nghèo, cuộc sống nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

img

Bản Sin Súi Hồ nằm tít trên núi cao, giữa bốn bề mây núi. 

Thay vì ngồi đàm tiếu vui bên mâm rượu như nếp sống cũ, giờ đây những chàng trai Mông hễ cứ có dịp tụm lại bên nhau là bàn về cách trồng phong lan và địa lan. Theo ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Súi Hồ, cây địa lan đã có ở đất này từ ngàn đời nay. Trước đây bà con khai thác ở rừng, mang về nhà chơi. Cuối năm, bà con mang làm quà biếu người thân, bạn bè ở miền xuôi. Ngày ấy, lan có nhiều nhưng cũng chưa thành hàng hóa.

Dọc con đường nhỏ dẫn vào sân nhà của anh Hạng A Sà – “vua” lan của bản Sin Súi Hồ, bầy rất nhiều loại lan khác nhau. Ngoài địa lan, anh còn trồng thêm lan tím và phong lan. Chậu địa lan nào cũng xanh mướt. Sau mấy năm dày công vun trồng đến giờ anh Sà có trên 500 chậu địa lan, hàng trăm giỏ phong lan và 3 giàn phong lan tím. Tất cả địa lan và phong lan đèu được anh Sà chăm sóc cẩn thận. Ước tính vườn lan của anh Sà trị giá cả mấy tỉ đồng.

img

Những chậu địa lan giữa rừng trong vườn nhà anh Sà đều có giá tiền triệu cho đến mấy chục triệu/chậu. 

Lần đầu gặp anh Sà, ai cũng nghĩ anh là cán bộ huyện lên bản chơi, chứ không nghĩ là công dân của cái bản nằm tít trên núi cao này. Sơ vin, áo trắng cổ cồn, đi xe máy đời mới, tác phong nhanh nhẹn là những gì tôi cảm nhận được về anh. “Có lẽ do chơi cây cảnh nên tôi trẻ lâu”, anh Sà hóm hỉnh khi mời người khách vào nhà.

img

Lối mòn vào nhà anh Sà trở nên thơ mộng nhờ hàng trăm chậu lan bày dọc hai bên. 

Nhà anh Sà đông con nhưng anh cũng sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Tất cả những thứ đó đều nhờ vườn lan mà ra. Anh Sà kể: Trước đây, vợ chồng tôi chỉ làm nương. Ngày nào cũng đi nương từ sáng sớm đến khi mặt trời khuất núi, vậy mà vẫn lo thiếu cái ăn, cái mặc. Cách đây 5 năm, khi phong trào khai thác phong lan, địa lan bán cho miền xuôi lên cao trào; lan trong rừng Sin Súi Hồ trở nên cạn kiệt; khách đặt mua cũng không có mà bán.

img

Suối nguồn tuôn chảy. 

 Ý thức được việc đó, anh đã kì công lấy củ lan mang về nhà trồng. Khí hậu nơi này quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên rất phù hợp cho các loài hoa lan. Sau mỗi năm, những chậu lan của anh Sà lại đẻ nhiều nhánh hơn. Anh Sà tách lan ra các chậu nhỏ để nhân giống.

img

Vọng cảnh nơi lưng chừng núi. 

Chỉ vài năm, vườn lan của anh Sà đã phủ kín khu vườn rộng hơn 1ha. “Giống lan nơi đây phát triển tốt lắm. Hoa nở bao giờ cũng to và sặc sỡ hơn so miền xuôi. Nhờ đó mà mỗi chậu lan 3 năm tuổi bán được 4-5 triệu đồng. Nhà cần tiền cho con đi học hay mua sắm thứ gì, bán vài chậu lan là đủ”, anh Sà khoe.

img

Đường vào bản Sin Súi Hồ được dân bản quét dọn sạch sẽ mỗi ngày.

Không dừng lại ở việc trồng địa lan, anh Sà còn mạnh dạn đưa phong lan và giống lan tím về trồng. Với niềm đam mê của mình, anh đã làm cho loài lan khó tính nhất đâm chồi, nở hoa. Giá trị của loài lan tím còn cao hơn cả địa lan. Dự kiến 2 năm nữa, mấy giàn lan tím của anh Sà cho thu. Mỗi kg lan tím bán được cả triệu đồng. “Giống lan ở nơi đây có sẵn nên việc đầu tư không hết nhiều vốn lắm. Duy chỉ có điều, chơi lan nó kén người. Mình cũng chịu khó thì mới thành công” - anh Sà tâm sự.

img

Các chàng trai Mông ở bản luôn sẵn sàng tham gia làm tiếp viên du lịch bản. 

 Cũng giống như anh Sà, nhà anh Vàng A Lai trong bản Sin Súi Hồ cũng tham gia trồng lan từ nhiều năm nay. Vườn lan của anh được chăm sóc, cắt tỉa kĩ càng nên chậu nào cũng xanh mướt, rủ bóng rất đẹp.

 Anh Lai bảo rằng: Hiện tôi có hơn trăm chậu lan 4 năm tuổi. Năm ngoái lái buôn ở dưới xuôi lên trả 2-3 triệu/chậu, tôi không muốn bán bởi mỗi chậu lan là một tác phẩm chứa đầy công phu của người trồng. 

img

Bản Sin Súi Hồ đẹp tựa chốn bồng lai. 

Giờ đây đến bản Sin Súi Hồ không có chuyện rượu rót tràn cung mây và khói thuốc phiện bay vất vưởng trong mỗi gia đình nữa. Các chàng trai người Mông nơi đây đã đoạn tuyệt với quá khứ buồn đau của đói nghèo, nghiện hút chất ma túy, thất học.... Thay vào đó, họ cùng giúp nhau trồng lan và nhân rộng vườn lan để làm giàu, hướng dẫn nhau làm du lịch bản. 

img

Chiều về trên bản du lịch Sin Súi Hồ. 

                                                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem