Dệt may Bangladesh gặp khó, "cơ hội vàng" của dệt may Việt Nam đang đến?

An Linh - Khánh Ly Thứ sáu, ngày 09/08/2024 06:30 AM (GMT+7)
Những biến động chính trị cộng với khó khăn nội tại của Bangladesh đã khiến hàng loạt doanh nghiệp dệt may nước này phải đóng cửa, dấy lên nguy cơ ngành công nghiệp được cho là "ánh sáng" của đất nước Nam Á này có thể bị nhiều quốc gia khác vượt qua, trong đó có Việt Nam.
Bình luận 0

Ngành dệt may Việt Nam đang phục hồi

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp Việt Nam 7 tháng qua ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may là 1 trong 5 ngành xuất khẩu có giá trị cao của xuất khẩu Việt Nam kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đứng sau điện tử, máy móc, điện thoại và linh kiện phụ tùng.

Dệt may Bangladesh gặp khó, "cơ hội vàng" của dệt may Việt Nam đang đến?- Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trừng khác tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo của Nghiên cứu Ngành xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 của Công ty Chứng khoán Dầu khí cho thấy, đơn hàng dệt may đang gia tăng, đơn hàng 6 tháng khả quan và chi tiêu của người tiêu dùng ở các thị trường lớn nhưu EU, Hoa Kỳ đang dần phục hồi do chỉ số lạm phát thấp.

Theo báo cáo, sự tăng trưởng này nhờ các hãng bán lẻ đã tái nhập hàng dệt may trở lại nhằm phục vụ cho vụ thu đông 2024; giá sợi Trung Quốc tăng trở lại do giá dầu hồi phục.

"Trong nửa đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xơ, sợi và vải các loại tăng lần lượt 20,7% và 11,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy tình hình các đơn hàng dệt,may xuất khẩu vẫn đang khá tích cực và nhiều triển vọng cho nửa sau của năm 2024", Báo cáo của PSI cho hay.

Theo PSI, mức tồn kho quần áo tại Mỹ trong nửa đầu năm 2024 đạt 2.172 tỷ USD, giảm nhẹ 2,4% cùng kỳ năm trước và kỳ vọng thị trường bán lẻ quần áo tại Mỹ duy trì xu hướng hồi phục trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt là vào mùa mua sắm cuối năm, qua đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu mới.

"PSI kỳ vọng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV/2024 khi đây cũng là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè năm 2025", báo cáo của PSI cho hay.

Dệt may Bangladesh gặp khó, "cơ hội vàng" của dệt may Việt Nam đang đến?- Ảnh 2.

Lợi nhuận của 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn Việt Nam trong quý II/2024 (Biểu đồ: Khánh Ly)

Cũng theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may Việt Nam của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, 6 tháng cuối năm ngành dệt may được kỳ vọng tăng giá trị xuất khẩu. Bởi giá trị nhập khẩu của hàng vải trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,2 tỷ USD tăng 12,7%, giá trị xuất khẩu tháng 6 của loại hàng này cũng đạt 1,2 tỷ USD tăng 15% và giá bán của các loại sợi đã tăng trưởng so với cùng kỳ.

Từ phía doanh nghiệp, giải trình cho kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024, lãnh đạo Tập đoàn Vinatex cho biết, trong quý II/2024 ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi, hiệu quả ngành may tương đối tốt do lượng đơn hàng nhiều.

Không dừng lại ở đó, chỉ số quản trị mua hàng tháng 7/2024 tiếp tục có cao đột biến ở tháng thứ 2 liên tiếp, đạt 54,7 điểm cũng báo hiệu cho hoạt động sản xuất lạc quan trong nửa cuối năm 2024.

Hơn nữa, Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam tháng 7 do tổ chức nghiên cứu S&P Global công bố cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 7, và tốc độ tăng chỉ chậm hơn một chút so với mức gần kỷ lục của tháng 6. Ở những nơi có số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân là do nhu cầu thị trường mạnh hơn và số lượng khách hàng tăng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng. Đây được xem là những thông tin tích cực đối với triển vọng ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Dệt may Bangladesh gặp khó - Cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam vượt lên?

Theo thông tin từ Nikkei Asia, các sự vụ xảy ra ngày 4/8/2024 tại Bangladesh đã khiến cho ít nhất 6 nhà máy may mặc, dệt may và nhựa đã bị châm lửa. Hiệp hội Nhà máy Dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày, theo quyết định của chính phủ về ba ngày nghỉ chung.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Đặc biệt ngành dệt may của Bangladesh có lực lượng lao động rất lớn, với mức lương rẻ.

Năm 2020, Bangladesh chỉ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Việt Nam và Trung Quốc với kim ngạch đạt 29,8 tỷ USD. Tuy nhiên quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới kể từ năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 49 tỷ USD tăng tới 64% so với năm 2020.

Năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may, tăng gần 70% so với năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng từ 35,3 tỷ USD trong năm 2020 lên 44,6 tỷ USD trong năm 2022 và giảm hơn 10% trong năm 2023 về mức 39,6 tỷ USD (tương đương mức tăng 12% so với năm 2020).

Dệt may Bangladesh gặp khó, "cơ hội vàng" của dệt may Việt Nam đang đến?- Ảnh 3.

Doanh nghiệp dệt may Việt đang đánh giá những tác động từ của dệt may Bangladesh để có điều chỉnh quy mô, xuất khẩu phù hợp (Anh minh họa).

Hiện tại, theo Báo Business Standard của Bangladesh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 - 40%. Việc suy giảm đơn hàng của doanh nghiệp dệt may, khó khăn của ngành dệt may do nhiều yếu tố, tác động từ lạm phát, thắt chặt chi tiêu của các thị trường EU, Bắc Mỹ; giá năng lượng và khí đốt tăng cao và đặc biệt là những cuộc đụng độ xảy ra tại Bangladesh như sự vụ ngày 4/08/2024 .

Theo chuyên gia từ Hiệp hội dệt may Việt Nam, khó khăn của ngành dệt may Bangladesh cũng là khó khăn chung của ngành dệt may các nước là cầu giảm, cạnh tranh về chi phí ngày càng tăng và đứt gãy chuỗi giá trị xuất khẩu.

Khó khăn riêng của Bangladesh là biến động chính trị xã hội và việc trợ cấp năng lượng, khí đốt - vốn ngốn chi phí lớn của doanh nghiệp. Nếu các khó khăn riêng, nội tại của Bangladesh không được khắc phục sớm, ngành sản xuất được coi là "ánh sáng" của nước này có thể bị ảnh hưởng và chúng tôi sẽ theo dõi kỹ vấn đề này.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn:

Tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa Hot, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên, các đơn hàng năm 2024 ổn định, việc đối thủ cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam như Bangladesh gặp biến động khó khăn, vị doanh nghiệp này cho hay: Các tác động sẽ được đánh giá kỹ càng.

"Việc Bangladesh gặp bất ổn, đơn hàng có chảy sang các nước khác hay không còn phụ thuộc vào tính chất của đơn hàng và đối tác nữa. Đơn cử sản xuất dệt may có hai loại sản xuất dưới giá trị thương hiệu gốc (OBM) hay còn được gọi là may gia công, nhận đơn hàng gia công và hai là sản xuất thiết kế gốc (ODM) - tự chủ từ thiết kế, sản xuất, may đo và xuất khẩu. Hai quá trình này, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều tham gia sâu vào chuỗi, có những doanh nghiệp còn tham gia gia công cho trong nước, nước ngoài, có doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn", vị doanh nghiệp cho hay.

Thực tế, những khó khăn của ngành dệt may của Bangladesh là khó khăn chung do đơn hàng sụt giảm, chi tiêu dùng thấp ở các nước nhập khẩu. Về tổng thể, Bangladesh vẫn có lợi thế về chi phí sản xuất khi có giá nhân công rẻ, được Nhà nước trợ cấp khí, năng lượng để gia tăng xuất khẩu.

So sánh lợi thế ngành và lợi thế so sánh dệt may Việt Nam với Bangladesh, công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, Việt Nam có lợi thế ở các mặt hàng có giá bán cao tập trung ở HS Code 62 (quần áo không dệt kim hoặc móc) trong khi mất dần lợi thế ở mặt hàng giá trị thấp tập trung ở HS Code 61 (quần áo dệt kim hoặc móc). Các mặt hàng có giá cao như như cà vạt bằng vật liệu dệt, dây đai và bộ đồ thể thao thì Việt Nam đang có giá trị xuất khẩu và tỷ trọng xuất khẩu cao hơn Bangladesh.

"Việt Nam sẽ có lợi thế ở mặt hàng có giá trị cao như đồ thể thao, Áo ngực, Áo khoác ngoài và phức tạp như Găng tay, quần áo nỉ, đồ thể thao đan len hoặc móc, trong khi mất dần lợi thế ở mặt hàng áo khoác, áo len, áo phông. Và mặt hàng giá trị cao thì thường sản lượng sẽ thấp, thời gian vận chuyển nhanh và đòi hỏi tay nghề cao", VDSC nhấn mạnh.

Quý II: Nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi đậm hàng trăm tỷ đồng

Thống kê kết quả kinh doanh của 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết cho thấy, trong quý II/2024 có 5 doanh nghiệp tăng trưởng, 3 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp còn lại báo lỗ là GMC do "trắng" đơn hàng và doanh nghiệp sản xuất chăn ga gối nệm EVE.

Dữ liệu cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của 10 doanh nghiệp dệt may đạt 583 tỷ đồng, tăng 78% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 (327 tỷ đồng).

Đứng đầu bảng là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; UPCoM: VGT) với mức lãi trước thuế 181,5 tỷ đồng, tăng 632% so với cùng kỳ năm trước.

Vinatex cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận tăng vọt là do ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi; hiệu quả ngành may tương đối tốt do lượng đơn hàng nhiều. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn như: đơn giá thấp, nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Đa số, các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng đều có tín hiệu tích cực về mặt đơn hàng. Đơn cử May Sông Hồng (HoSE: MSH), dù lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn so với trung bình ngành nhưng doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân do kế hoạch xuất hàng vào đầu tháng 7 nên chưa ghi nhận doanh thu vào quý II.

Còn Dệt may Thành Công (HoSE: TCM), cho biết, hiện, doanh nghiệp này đã nhận khoảng 90% kế hoạch đơn hàng quý III/2024 và 86% kế hoạch đơn hàng quý IV/2024.

Bên cạnh đó, Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng chia sẻ, lợi nhuận quý II tăng 58% lên 107 tỷ đồng nhờ doanh nghiệp tập trung khai thác dòng hàng khó, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đánh giá, đơn hàng xuất khẩu thị trường mới đóng góp đáng kể vào doanh thu của doanh nghiệp này.

Cùng hưởng sóng phục hồi ngành dệt, Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP (HoSE: TVT) hồi cuối tháng 7/2024 đã thông báo tuyển dụng bổ sung 45 lao động cho nhà máy sợi, dệt. Số liệu từ BCTC hợp nhất tính đến đến thời điểm cuối quý II, Việt Thắng có 1.487 người, giảm khoảng 4% so với cuối năm 2023.

Khánh Ly

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem