Nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không có ngân hàng nào thứ 1
"Nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không có ngân hàng nào thứ 1"
Nguyễn Ngân
Thứ sáu, ngày 23/04/2021 10:29 AM (GMT+7)
Tại ĐHĐCĐ TPBank diễn ra sáng nay (23/4), ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, cho hay chúng tôi không so sánh với ngân hàng ở Việt Nam mà chúng tôi so sánh với tầm thế giới. Ở Việt Nam, nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không có ngân hàng số nào thứ nhất cả.
Tại đại hội, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho hay trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của TPBank tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 216 nghìn tỷ đồng. Huy động trên thị trường 1 đạt hơn 144 nghìn tỷ đồng, tăng 36,06%. Tốc độ tăng trưởng nhanh về tổng tài sản và huy động đã củng cố thêm nền tảng vốn cho ngân hàng và tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh mở rộng.
Tính đến 31/3/2021, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt hơn 138 nghìn tỷ, tăng 24,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt xấp xỉ 2.800 tỷ đồng, tăng 15,17% so với quý I/2020. Trong quý I, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.422 tỷ đồng, tăng 40,87% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả kinh doanh trên, TPBank thuộc nhóm ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất hệ thống: ROA đạt 2,16%, ROE đạt 26,24%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 39,69% cuối năm 2020 xuống còn 35,2%.
Thu nhập thuần từ dịch vụ trong thời gian qua cũng là một trong những điểm sáng lớn cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng đang phát huy hiệu quả cao. Thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank trong 3 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 80% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1 của TPBank đã gửi đi một tín hiệu tích cực cho các cổ đông về triển vọng của ngân hàng trong năm nay.
Theo ông Hưng, TPBank đã trở thành ngân hàng trung bình lớn trong vòng 8 năm, từ một ngân hàng gần bé nhất hệ thống. Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm. Tuy nhiên, với số lượng khách hàng hiện nay, hơn 4 triệu khách hàng, đa số là khách hàng cá nhân, so với toàn ngành vẫn còn khá thấp. Do đó, TPBank vẫn phải nỗ lực để làm sao mở rộng thị phần.
Năm 2020 kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn vì dịch Covid-19 hoành hoành, nhưng do TPBank đã triển khai mạnh mẽ ngân hàng số nên nguồn thu từ dịch vụ tăng lên, giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần hoàn thiện và nâng cao hơn nữa những sản phẩm ngân hàng số để thu hút hơn nữa khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, sử dụng đa dạng dịch vụ ngân hàng để gia tăng thêm nguồn thu.
"Một trong những trọng tâm quan trọng nữa của TPBank trong năm nay cũng mong cổ đông thông qua là tiếp tục xác định chuyển đổi số là mục tiêu phát triển lâu dài của ngân hàng", ông Hưng cho hay.
Đi theo định hướng ngân hàng số đã giúp chúng ta khắc phục hạn chế chi nhánh, do chúng ta sinh sau đẻ muộn nên chi nhánh không nhiều. Vì vậy, việc mở rộng LiveBank là phù hợp. Thủ tục mở chi nhánh hiện nay cũng rất phức tạp và lâu nên không thể trông chờ mở chi nhánh truyền thống để tăng khách hàng.
"Chúng ta là ngân hàng duy nhất cho phép khách hàng mở thẻ, mở tài khoản trong vài phút tại LiveBank. Khi dịch vụ tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn thì chúng ta sẽ thu hút thêm khách hàng, mở rộng thị phần", ông Hưng cho hay.
Trong tài liệu gửi đến các cổ đông trước Đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh năm 2021 TPBank sẽ đẩy mạnh giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số là "Sáng tạo số". Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng, các ứng dụng cần thiết và chuyên biệt nhằm thích ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng.
Diễn biến của nền kinh tế và dịch bệnh trong năm 2020 có thể được coi là tấm gương phản chiếu rõ nhất những lợi ích của một chiến lược số toàn diện mà TPBank theo đuổi trong nhiều năm qua, đặc biệt là hệ thống LiveBank với lượng khách hàng mở mới tài khoản và thẻ tăng gấp 4 lần, số dư CASA tăng gấp 5 lần và thời gian phục vụ khách hàng giảm từ 40-60%.
Việc đẩy mạnh giai đoạn "Sáng tạo số" trong thời gian tới sẽ giúp TPBank duy trì được vị thế đi trước thị trường về công nghệ, nắm bắt và đáp ứng nhanh sự thay đổi của thị trường, nhu cầu khách hàng cũng như tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, cho hay chúng tôi không so sánh với ngân hàng ở Việt Nam mà chúng tôi so sánh với tầm thế giới. Ở Việt Nam, nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không có ngân hàng số nào thứ nhất cả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.