Liên quan đến “cuộc di dân lịch sử” ở Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và UBND TP.Huế về tiến độ đầu tư các khu tái định cư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời dân cư.
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc Hương Sơ (khu vực 1 và 2) phục vụ việc di dời dân cư đợt 1 khu vực I Di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư.
Những ngôi nhà "vá chằng vá đụp" của người dân sống tại di tích Kinh thành Huế.
Hiện, các gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đã đạt trên 92% và đến cuối tháng 10 này, các nhà thầu sẽ hoàn tất việc phân lô đất và bàn giao đưa vào sử dụng. Ban quản lý dự án cũng đang triển khai việc thiết kế mẫu nhà để người dân tham khảo.
Các phường có người dân di dời để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (khu vực Thượng thành) đã hoàn thành xác nhận 250/250 hồ sơ về sử dụng đất ở và đất có nhà ở, thẩm định điều kiện bồi thường về đất cho 187/250 hồ sơ. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ được thực hiện theo hình thức từng đợt, cuốn chiếu.
Để chủ động cho việc thực hiện dự án trong năm 2020 và các năm tiếp theo, UBND TP.Huế đề nghị UBND tỉnh và HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đối với dự án giải tỏa khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào và Tuyến phòng lộ cùng các dự án xây dựng hạ tầng khu vực 3,4,5 tại khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, di dân khu vực Kinh thành Huế là dự án di dân lịch sử, không chỉ để ổn định cuộc sống vốn rất khó khăn của người dân, mà còn để thực hiện công tác chỉnh trang, bảo tồn di sản phục vụ cho phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung.
Khu vực tái định cư cho người dân "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế đang được gấp rút xây dựng.
Ông Thọ yêu cầu việc đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân phải đảm bảo chất lượng. Khu tái định cư phải là kiểu mẫu để người dân nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng để an cư lạc nghiệp.
Theo ông Thọ, đến cuối năm 2019, phải thực hiện xong việc giao đất ở tại khu tái định cư mới và thực hiện công tác di dời cho các hộ khu vực Thượng Thành với gần 500 hộ. Cùng với đó, TP.Huế phải phối hợp ngay với các sở, ngành liên quan triển khai việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư phía bắc Hương Sơ giai đoạn 2, để đến cuối năm 2020, có từ 2.200 - 2.500 lô đất tái định cư phục vụ cho công tác di dời những hộ dân còn lại nằm trong dự án.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ cho đợt di dân khỏi Kinh thành Huế.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong giai đoạn 1 của đề án, kinh phí chi trả cho dân là 1.880 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư và xây dựng thiết chế xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng 1.000 tỷ đồng tỉnh chịu trách nhiệm vay, nhưng tiền chi trả cho dân thì tỉnh không kham nổi, vì quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Trong khi đó, hiện, Chính phủ mới bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương 100/1.880 tỷ đồng trong 3 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.