Đi dọc biên thùy, mở đường ấm no

Thứ hai, ngày 28/03/2011 17:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đoàn cán bộ huyện Tây Giang, Quảng Nam vừa có chuyến công tác dọc biên giới nhằm tìm kiếm một con đường ngắn nhất để mở một cửa khẩu và vạch một hướng hợp tác phát triển mới với huyện Kà Lừm của tỉnh Sê Kông (Lào).
Bình luận 0

Bốn giờ sáng, Tây Giang lạnh buốt nhưng cán bộ, chiến sĩ của huyện đội Tây Giang đã chuẩn bị xong hành trang cho chuyến công tác. Ông Blinh Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, điểm danh lần cuối rồi phát lệnh xuất hành.

img
Anh chàng Lanchanping bên đàn con.

Đi giữa mù sương

Xe lăn bánh trong màn sương. Đại ngàn Trường Sơn xanh ngút ngàn. Đồng hồ chỉ 8 giờ sáng mà xe vẫn phải bật đèn. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc, không có lấy một tia nắng xuyên đất.

Vượt gần 100km trên tuyến đường Hồ Chí Minh, sau 3 tiếng đồng hồ, đoàn dừng chân tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt (Thừa Thiên - Huế) đón đoàn, hoàn tất thủ tục qua nước bạn Lào chỉ sau vài phút.

Cách đó không xa, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tà Vàng (Lào), ông Viêng Xây, vui mừng đón tiếp đoàn. Theo lời ông Viêng Xây thì đây là đoàn Việt Nam đầu tiên qua xông đất tỉnh Sê Kông đầu xuân năm mới. Mọi công văn thủ tục được các chiến sĩ nước bạn giúp đỡ, tạo điều kiện.

Tôi đang cố nhoi ra khe cửa tìm khoảng không chụp vài kiểu ảnh đầu tiên trên nước bạn thì chiếc UAZ bỗng dưng nhảy dựng, lắc qua lắc lại. Anh tài xế đầy kinh nghiệm, nói: Con đường này là thế, tôi qua 4 lần là 4 lần ớn lạnh. Nắng thì bụi, trời mưa xe phải đi "oằn xéo" theo kiểu con giun mới có ma sát để lên dốc.

Có những điểm xe đứng bánh, chúng tôi phải xúm lại đẩy từng xe qua ải ì ạch, bánh nhích từng phân. Trời lạnh cóng vậy mà quần áo người nào cũng đẫm mồ hôi, khiến ai cũng đánh trần như giữa hè nóng nực.

Những bản Lào sõi tiếng Việt

12 giờ trưa, đoàn dừng chân bên con suối cạnh thôn Ka Lô, huyện Kà Lừm. Tranh thủ giờ nghỉ, tôi vác máy ảnh đi thẳng vào thôn. Một hình ảnh chưa từng thấy là cả thôn, từ già tới trẻ, cả trai lẫn gái, ai ai cũng hút thuốc lào.

img
Phụ nữ thôn Ka Lô hút thuốc lào.

Thấy người lạ, họ xúm lại nhìn như người ngoài hành tinh. Đang loay hoay không biết bắt chuyện thế nào thì một thanh niên ăn mặc như "cái bang" tiến lại gần tôi và hỏi bằng tiếng Việt: Đi đâu vậy?

Thật lạ, đồng bào nơi đây rất sành tiếng Việt. Lan Chan Ping, chàng trai trạc 35 tuổi bảo rằng, cả thôn mình nói được tiếng Việt hết mà, nhờ Bộ đội Biên phòng Việt Nam dạy cho cả đó.

img Tuy đường qua nước bạn khó khăn, nhọc nhằn nhưng thấy bà con nói được tiếng Việt chúng tôi rất vui. Vả lại, mình lại học được chữ của bà con nơi đây. img

Thấy trẻ con của thôn rất nhiều, tôi bắt chuyện một cô bé ngay bên cạnh đang cõng đứa bé cỡ 10 tháng. Em cho biết tên Hoai, 15 tuổi, có 2 chồng và 3 đứa con.

Tôi đang bất ngờ vì em còn quá nhỏ thì anh chàng Lan Chan Ping kêu 6 đứa trẻ san sát tuổi nhau lại gần tôi và bảo: "Con mình hết đó, có gì cho nó không?". Đang ngạc nhiên và không biết trả lời sao thì các anh trong đoàn mang bánh kẹo và một số thức ăn tặng cho bà con trong thôn. Thôn Ka Lô vui như ngày hội.

Trưởng bản Ka Lô, Seo Chăn, buồn bã: "Ở huyện này, bản của chúng tôi và bản hàng xóm A Roóc là nghèo nhất, sinh đẻ nhanh nhất và hút thuốc lào nhiều nhất. Bà con dân bản khó khăn chồng chất, nhà cửa dột nát, bệnh tật, thiếu đói hàng ngày. Đất rừng cằn cỗi, nên mùa màng thất bát".

Chúng tôi ghé nhà một người dân trong bản, anh Brung. Trong nhà không có một vật dụng quý giá ngoài vài chiếc xoong, nồi, bát ăn cũ mèm. Bữa trưa của gia đình 10 người chỉ là niêu cháo lá sắn. Anh Brung bảo rằng, năm vừa rồi thời tiết khắc nghiệt, lúa rẫy mất trắng, gia đình chỉ còn biết kiếm lá, củ rừng về nấu ăn qua bữa.

Nghèo đói là vậy nhưng bản này vô địch về dân số. Ka Lô có 60 hộ dân, nhưng có tới 500 nhân khẩu. Người dân ở đây rất khổ, nhiều nhà khó đến nỗi mái nhà che mưa nắng hư hỏng dăm bảy năm rồi không sửa nổi, ngồi bên trong nhìn lên hàng chục chỗ thấy cả nắng mặt trời.

Rời thôn Ka Lô, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, dù đã được nghỉ ngơi và nạp thêm năng lượng nhưng chỉ đi được hơn 10km, vừa ngồi xe và đẩy xe, cả đoàn phải xuống đi bộ. Toàn bộ con đường trước mắt đều là dốc đứng và bùn lầy giống như ruộng chuẩn bị mùa cấy. Không thể tiếp tục vừa đi vừa đẩy như thế này nữa, đoàn cán bộ huyện Tây Giang đã chia tay chúng tôi tại đây để quay ngược trở về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem