“Dị nhân” trùng tu hang đá

Thứ sáu, ngày 09/08/2013 07:22 AM (GMT+7)
Đã hơn 1 tháng nay, người dân xã Lâm Hoá (Tuyên Hóa,?Quảng Bình) vẫn chưa hết xầm xì trước việc ông Nguyễn Xuân Thơ tự dưng dọn đến ăn ở trong một cái hang đá có từ thời chiến tranh chống Mỹ. Và hàng ngày, một mình ông tự tay “trùng tu” cái hang vì nó đã sắp sập...
Bình luận 0
Mới nghe câu chuyện của ông Thơ, tôi cứ hình dung chắc đây là một người không bình thường. Gặp ông rồi, tôi lại nghĩ khác: Ông Thơ là cựu thanh niên xung phong (TNXP), một người nặng lòng với quá khứ, với đồng đội và mảnh đất đã bao bọc, cưu mang mình trong những năm tháng chiến tranh.

Sửa xe, dành tiền “trùng tu” hang

Cái hang đó nằm sát đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Lâm Hoá. Khi tôi đến, ông Thơ đang đánh vật với bay bê, hồ vữa và gạch đá để xây nốt cái cửa hang. Nhìn người đàn ông đã lớn tuổi, tóc bạc, tay run, cẩn thận đặt từng viên đá, trát từng mạch vữa, tôi không khỏi chạnh lòng. Ông Thơ bảo, ông đã già rồi, không sống được bao lâu nữa nên phải cố gắng làm cho xong việc trùng tu cái hang này. Với bản thân ông, cái hang này như một ngôi nhà đã che chở, cưu mang ông và hàng trăm đồng đội của ông trong những năm tháng ác liệt, hào hùng nhất cuộc đời trai trẻ.
Ông Thơ trước hang đá của mình.  phan phương
Ông Thơ trước hang đá của mình. phan phương

Ông Thơ sinh năm 1945, tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch. 17 tuổi ông vào lực lượng TNXP, chiến đấu và làm nhiệm vụ ở cung đường Cà Tang – Khe Ve. Cung đường ngày ấy được coi như "túi bom" mà máy bay Mỹ ngày đêm giội xuống. Bởi trọng điểm này là "yết hầu" của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược từ Bắc vào Nam theo Quốc lộ 15A và sang nước bạn Lào theo Quốc lộ 12A. Còn cái hang đá nơi ông Thơ đang “trùng tu” ngày đó được gọi là hang trực chiến. Hang sâu khoảng 7m, rộng chưa đầy 20m2, nhưng thời điểm 1968 – 1972, lúc nào trong hang cũng có hàng chục người ẩn nấp lúc máy bay Mỹ trút bom và cứu chữa thương binh sau mỗi trận đánh phá. Rồi bộ đội trên đường hành quân, ông Thơ nói, ngoài những người đồng đội cùng chiến đấu với ông tại đây, ông không thể nhớ nổi bao nhiêu người lính đã ở trong cái hang này trước khi hành quân vào chiến trường.

Năm 2000, khi trở lại thăm nơi này, lòng ông quặn đau khi thấy cửa hang bị sập, hang bị vùi lấp do các đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh không chú ý đã vô tình gây nên. Suốt một buổi chiều thơ thẩn bên cửa hang, ông Thơ đã suy nghĩ rất nhiều: “Mình phải làm gì đó, không để cho cái hang này sập được, nó là nơi mình đã ở, là nơi đã che chở mình trong mưa bom bão đạn, mình không thể vô tình với nó được…”. Nhưng để sửa lại cái hang, không cho nó sập thì cũng phải có tiền mà bản thân ông, một cựu TNXP hưởng trợ cấp thì lấy đâu ra tiền?

Sau chuyến trở lại thăm hang đá, nhiều đêm liền ông Thơ thức trắng, gác tay lên trán suy nghĩ. Một đêm ông Thơ vùng dậy lay vợ. Vợ ông tưởng ông đòi… chuyện ấy, bèn mắng: “Ông yên để cho tui ngủ”. “Nhưng tui không ngủ được, bà phải nói chuyện ni cái đã. Bà cho tui đi xa một thời gian…”. Nghe ông trình bày việc xin lên ở lại một mình trên xã Lâm Hoá mở quán sửa xe, bà Lợi (vợ ông) đã cố ngăn vì ông đã già, sức đã yếu thì làm sao mà ở một mình nơi rừng thiêng nước độc ấy được? Nhưng ông cứ cố thuyết phục, một đêm không được, đêm sau ông lại lay bà dậy. Cuối cùng thì bà Lợi cũng đồng ý.

Thương ông nhưng với cái hang đá ấy với bà cũng có những kỷ niệm không thể nào quên. Cũng chính ở hang đá này bà (cũng là một TNXP) đã gặp ông, và sau này họ nên vợ nên chồng. Vốn sau khi xuất ngũ, ông Thơ có đi học nghề cơ khí nên công việc sửa xe (xe máy, xe ôtô) đối với ông khá đơn giản. Nhưng những năm đó, đường Hồ Chí Minh đang thi công, người dân ở đây cũng nghèo, làm gì có xe máy để sửa nên ông Thơ cũng không kiếm được bao nhiêu tiền từ cái quán sửa xe của mình. Dành dụm mãi, đến năm 2007 ông Thơ mới bắt đầu lặng lẽ khởi công “dự án” trùng tu hang đá. Giai đoạn một của “dự án”, ông Thơ chỉ gắn được 2 tấm đá hoa cương ghi lại lịch sử của cái hang thì ông hết tiền. Thấy một mình ông sức khoẻ đã yếu, sống một mình nơi rừng thiêng nước độc, vợ con ông đã lên động viên ông về lại Ba Đồn với gia đình. Không còn cách nào khác, ông Thơ phải nghe lời vợ con nhưng trong lòng ông vẫn nuôi ý định sẽ có ngày trở lại để hoàn thành việc “trùng tu” cái hang này.

Sống với hoài niệm

Bẵng đi một thời gian dài, đầu tháng 7.2013, người dân Lâm Hoá lại thấy ông Thơ xuất hiện ở cái hang này. Lần này ông Thơ cũng chỉ lên đây một mình nhưng lại chở theo một xe ôtô vật liệu, xi măng, sắt thép. Chiếc xe ôtô đổ vật liệu xuống rồi mất hút, còn một mình ông ở lại với hang đá. Thế rồi sáng sáng, người dân Lâm Hoá lại thấy ông Thơ một mình trộn hồ, sắp đá sửa hang. Đến buổi trưa, ông dừng công việc của một thợ xây, tự mình nấu lấy cơm để ăn. Buổi chiều công việc lại tiếp tục như thế, đến tối thì ông vào hang nằm ngủ. Một tháng trời lầm lũi, cần mẫn như con ong thợ, cái hang cũng đã được “trùng tu” xong với 2 cửa hang được xây kiên cố, nền hang được lát xi măng sạch sẽ. Để tránh những người thiếu ý thức vào hang phóng uế, ông Thơ còn làm 2 cái cửa bằng thép B40, khoá lại rất cẩn thận…

Người dân Lâm Hoá lúc đầu thấy ông Thơ lầm lũi làm một công việc không giống ai thì xì xầm, lời ra tiếng vào, nhiều người còn bảo ông là “dị nhân”, là “lão khùng”. Dần dần qua trò chuyện, họ thấy ông hiền lành, hiểu biết, nhất là những câu chuyện trong năm tháng chiến tranh trên cung đường máu lửa này, đã làm họ hiểu và kính trọng ông hơn. Đêm đêm họ còn đem cà phê vào hang đá uống với ông, để được nghe ông kể chuyện. Câu chuyện về chiến tranh ác liệt, về lòng dũng cảm của TNXP chiến đấu trên mảnh đất quê hương họ được ông Thơ kể với cảm xúc dâng tràn như không bao giờ kết thúc. Bản thân ông Thơ thì bảo rằng, không hiểu tại sao những ngày sống trong hang đá này, tuy làm việc mệt nhọc nhưng ông thấy người khoẻ ra. Đêm nào ông cũng ngủ rất ngon, một giấc tới sáng mà không có sự trằn trọc mất ngủ của tuổi già.
"Nhiều người ở xã Lâm Hoá cũng cảm thấy khó hiểu và cho rằng ông Thơ không bình thường mới bỏ công, bỏ tiền một mình sửa cái hang đá như vậy. Nhưng dần dần mọi người đã hiểu và cảm phục ông ấy. Chính quyền xã chúng tôi biết chuyện ông ấy làm nhưng cũng không hỗ trợ được gì ngoài những lời động viên...”.
Ông Đinh Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa

Trở lại việc “trùng tu” hang, ông Thơ bảo, ông làm công việc này không vì mục đích gì cả, càng không phải để nổi tiếng. Thế nên, tôi hỏi ông làm hết bao nhiêu tiền, ông cũng chỉ cười mà không trả lời. Ông chỉ nói rằng, ông sửa lại cái hang vì không muốn cái nơi mình đã ở, đã che bom, đỡ đạn cho mình và nhiều đồng đội khác của mình bị sập. “Cháu thử nghĩ mà coi, những người lính như chú nếu trở lại nơi này mà không tìm thấy cái hang này nữa thì buồn lắm, như mất mát một cái gì đó lớn lao lắm” – ông Thơ chia sẻ.

Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem