Một tiền gà, ba tiền thóc
GS-TS Hoàng Đạo Kính- thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chua chát tâm sự: “Bây giờ cứ nghe thấy chuyện tỉnh nọ tỉnh kia làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu di sản, đổ tiền ra để hoàn thành các khảo sát, thủ tục là tôi sợ. Mỗi khi nghe thấy công bố về hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho tôn tạo di tích này nọ là tôi lại lo.
Nghe thấy địa phương A hay B tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích rềnh rang tốn kém là tôi thấy buồn, bởi lẽ có khi nghi lễ tiêu tốn nhiều tiền hơn cả số tiền mà di tích ấy cần cho việc trùng tu. Lo hơn là chúng ta đang đi vào chủ nghĩa hình thức ngay trong việc giữ gìn vốn liếng mong manh của cha ông”.
Tâm sự của vị giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di sản chắc chắn sẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ. Quả là trong thời gian 2 thập kỷ gần đây, phong trào đua nhau “lên đời” cho di sản đang phát triển khá rầm rộ theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Tỉnh A thấy láng giềng có mấy di sản mà mình không có thì chạnh lòng, thế là cũng phải vào cuộc chạy đua với mục đích dùng di sản phát triển du lịch và từ đó nâng cao vị thế kinh tế, chính trị, văn hóa của địa phương.
Các con số thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Riêng Hà Nội đã có 5.100 di tích các cấp. Nếu di tích nào cũng được phong tặng danh hiệu di tích, di sản, để từ đó lập hồ sơ xin kinh phí trùng tu (trung bình khoảng 10 tỷ đồng cho một di tích) thì ngân sách sẽ phải chi một con số khổng lồ, có lẽ không có cơ chế tài chính nào chịu nổi.
GS-TS Hoàng Đạo Kính cho biết trong hơn 3.000 di tích quốc gia thì phải có 1/3 trong số đó, sau khi được xếp hạng thì ngay cả địa phương cũng không biết ứng xử thế nào dẫn đến tình trạng nhiều đình, chùa bị xuống cấp, người quản lý cơ sở thờ tự đã tự ý trùng tu dẫn đến sai lệch...
“Đó hoàn toàn là hậu quả của việc có quá nhiều di tích được xếp hạng nên không đủ sức quản lý. Di tích phải sống đời sống của nó cùng cộng đồng dân cư, không thể cứ bắt nó bất động, dột nát cũng không được sửa chữa, trong khi chờ để các dự án trùng tu được phê duyệt thì phải mất rất nhiều thời gian”- GS Kính cho biết.
PGS-TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ VHTTDL) cho biết: “Di sản hóa” là một xu hướng thịnh hành ở Việt Nam gần đây. Lý thuyết này được một học giả người Anh đặt ra trong những năm 1970, chỉ ra việc nhà nước can thiệp rất nặng vào di sản của cộng đồng. Xu hướng này dẫn đến nhiều hệ quả: Một mặt là sự khát khao danh hiệu, chạy theo và kiếm tìm sự tôn vinh danh hiệu; mặt khác, di sản cũng đang được sử dụng như một thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch.
Được chưa hẳn đã mừng
Với một đất nước có bề dày lịch sử hàng nghìn năm như Việt Nam thì cho đến nay, 21 di sản được UNESCO công nhận cũng chưa phải là nhiều, chỉ cần nhìn ngay các quốc gia châu Á như Trung Quốc đã có tới 43 di sản, Ấn Độ 29... thì con số 21 của chúng ta vẫn còn khiêm tốn. Song, danh hiệu nếu không được đặt đúng chỗ thì cũng chỉ là hư danh. Và quan trọng hơn là làm sao giải được bài toán mâu thuẫn giữa một bên là bảo tồn và một bên là phát triển.
Khi một di sản được UNESCO công nhận hoặc được nhận bằng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, di sản hay di tích đó nghiễm nhiên phải tuân thủ chặt chẽ Luật Di sản, bất cứ sự động chạm, sửa chữa, tác động nào vào di tích đều phải có sự thỏa thuận và đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý cao nhất là Bộ VHTTDL.
Thế nhưng các địa phương lại có tâm lý “chúng tôi đã mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức để làm thành công hồ sơ xin phong danh hiệu cho di sản của địa phương, không có lý gì lại không được đem ra khai thác, chả nhẽ cứ sơn son để thờ”.
Từ đó bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, một bên các nhà chuyên môn, quản lý văn hóa thì yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt, một bên địa phương lại muốn đưa di sản vào khai thác để thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế. Có không ít những bài học “đắng lòng” đã xảy ra do tình trạng nôn nóng và thiếu kiến thức chuyên môn về bảo tồn của các địa phương.
Còn nhớ năm 2008 và 2009, UNESCO đã có cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại vịnh Hạ Long, rồi cố đô Huế, phố cổ Hội An cũng đã bị nhận những cảnh báo do tham vọng khai thác với một tầm nhìn ngắn hạn… Cuối năm 2010, Ngân hàng Phát triển Đức KFW đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình hoàn trả số tiền 200.000 euro trên tổng số 360.000 euro mà KFW đã tài trợ cho dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Lý do là địa phương quản lý chưa tốt, việc cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra, nguồn nước của động ngày càng ô nhiễm và có rác thải du lịch.
Bên cạnh đó, việc cùng lúc ồ ạt có quá nhiều di tích, di sản được phong tặng danh hiệu nhưng đội ngũ chuyên gia làm công tác bảo tồn hay quản lý, phát huy giá trị di sản phi thì chưa phát triển kịp sẽ làm nảy sinh tình trạng biến dạng, sai lệch di sản.
GS Hoàng Đạo Kính khẳng định: “Khi số lượng quá lớn thì sự thẩm định về giá trị bị hạ thấp. Trước đây, khái niệm báu vật quốc gia hoặc di tích cấp quốc gia cực ít thì nó mới quý. Nhưng "lên đời” xong rồi không biết làm gì nữa. Nếu cứ tiếp tục đuổi theo số lượng như thế càng làm công cuộc bảo tồn trở thành bất khả thi”.
GS- TS Hoàng Đạo Kính:Bảo tồn đã khó, nói gì phát huy
Với nhiều di tích, di sản khác sau khi được vinh danh hiện rất bỡ ngỡ. Lúc biện luận để được công nhận thì làm rất hay, nhưng sau khi có danh hiệu thì không tìm ra việc tiếp theo là gì. Như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, hát xoan, cồng chiêng Tây Nguyên, thậm chí cả ca trù... được tôn vinh rồi, bảo tồn được rồi nhưng sau đó thì làm gì để di sản sống trong đời sống hôm nay với đúng tầm danh hiệu đã được trao thì là cả một vấn đề. Với Châu bản triều Nguyễn chúng ta có thể yên tâm vì hiện đang nằm trong lưu trữ quốc gia, được giữ gìn bảo quản trong điều kiện tốt nhất, nhưng những trường hợp khác thì ngay cả bảo tồn hiện nay cũng đã là một vấn đề không đơn giản, chứ đừng nói đến phát huy giá trị.
Bà Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá:
Làm không tốt sẽ bị tước danh hiệu
Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia lưu giữ di sản của nhân loại phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận không còn và chương trình hành động không còn đi theo hướng đã cam kết ban đầu, Uỷ ban giám sát đã đưa ra lời cảnh báo, nếu lời cảnh báo được gửi đi mà không được hồi đáp theo hướng tích cực, UNESCO có thể đưa ra quyết dịnh tước đi danh hiệu đó, quyết định có thể có thời hạn cũng có thể là vĩnh viễn.
PGS- TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật:Chúng ta đang quá say sưa với danh hiệu
Chúng ta đang quá say sưa với danh hiệu, tất cả đang say sưa và tôi không biết cơn say sưa này tới bao giờ mới kết thúc. Bởi vì “di sản hóa” hiện nay vẫn phát huy tác dụng của nó. Vấn đề bây giờ là phải cảnh tỉnh, cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của trào lưu “di sản hóa” này. Quá trình này sẽ làm biến dạng di sản, góp phần khiến di sản ngày càng trở nên xa rời cộng đồng.
Ông Bùi Trọng Hiền - Nhà nghiên cứu văn hóa: Mỗi nơi làm một phách
Bấy lâu nay di sản được ứng xử theo một đường hướng bảo tồn/phát huy, kế thừa/phát triển khá mông lung, thậm chí mơ hồ, không hoàn toàn theo công ước quốc tế mà UNESCO đã đề ra. Mỗi nơi một phách, thi nhau “hoành tráng hóa”, sân khấu hóa, lễ hội nhà nước hóa các hệ giá trị. Bên cạnh việc làm di sản tiếp tục duy trì nguy cơ mai một, không thể không nói những cách làm đó đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước mà chẳng giúp ích được bao nhiêu cho sự sống còn thật sự của di sản. Điều này nói ra đau lòng lắm, không chỉ tôi mà rất nhiều nhà chuyên môn khác cũng nhìn thấy rõ khi đi điền dã. Có những di sản sau khi được công nhận vẫn bị bỏ mặc lay lắt, thậm chí nội hàm giá trị còn bị bóp méo dần theo cách làm sai của địa phương.
Minh Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.