Di sản Việt Nam trong năm ASEAN 2020

M.H Thứ ba, ngày 22/12/2020 13:17 PM (GMT+7)
Việt Nam đã thành công xuất sắc trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và để lại nhiều di sản cho những năm sau. Để đạt được điều đó, Việt Nam đã linh hoạt vượt qua nhiều khó khăn của năm qua và đề xuất nhiều biện pháp để chủ động thích ứng.
Bình luận 0

Linh hoạt ứng phó

Việt Nam đã chuẩn bị cho ASEAN từ cuối năm 2018 và cả năm 2019, nhưng không ai tính được tình hình thế giới năm 2020 phức tạp như vậy - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết. Những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sóng gió trong tình hình thế giới và cạnh tranh chiến lược phức tạp. Với ASEAN, đây là thời điểm nhạy cảm vì đang giữa chừng kế hoạch xây dựng cộng đồng giai đoạn 2015 - 2025. Cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam đã đề ra chủ đề gắn kết và chủ động thích ứng, và chủ đề này hóa ra cực kỳ thích hợp cho năm 2020, khi cạnh tranh chiến lược nước lớn lên tới mức đỉnh điểm và dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát.

Di sản Việt Nam trong năm ASEAN 2020 - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam và các nhà ngoại giao tại Hà Nội dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN 37. I.T

Diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19 đã khiến Việt Nam phải quyết định hoãn tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, dự định vào ngày 6-9/4. Đó lẽ ra là HNCC đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Trước đó là những ngày rất hồi hộp theo dõi của báo giới sau khi bất ngờ xuất hiện ca bệnh Covid-19 số 17 ở Hà Nội. 3 hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Kinh tế đã được tổ chức trực tiếp vào đầu tháng Ba tại Đà Nẵng, Nhà Trang.

Song đến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế vào 10 - 11/3 đã vắng mặt một số Bộ trưởng ASEAN không sang Việt Nam – ông Nguyễn Đồng Trung, Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao tiết lộ khi tổng kết lại năm Chủ tịch. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Tài chính ASEAN dự định diễn ra ngày 17/3 tại Hạ Long được hoãn vào phút chót. Rồi ngày 17/3 Việt Nam thông báo cách ly bắt buộc với tất cả các du khách đến từ Mỹ, Châu Âu và các nước ASEAN; tạm dừng cấp thị thực mới cho tất cả công dân nước ngoài. Đến lúc đó, Covid-19 đã làm chết gần 9.000 người trên thế giới, lây nhiễm 76 người ở Việt Nam, nên việc hoãn Cấp cao ASEAN 36 là việc không thể khác.

Thay vào đó, Việt Nam đã kịp thời đề xuất Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra ngày 14/4 với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 thành viên ASEAN, cùng các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới. Những biện pháp phòng chống dịch, biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế được các nhà lãnh đạo thảo luận từ rất sớm, qua đó càng làm gia tăng uy tín của Việt Nam, lòng tin vào khả năng dẫn dắt của Việt Nam.

Không còn là "talk shop"

ASEAN hay bị cho là "talk shop", "NATO" (No action, talk only) – tức là họp hành nhiều, nói nhiều, hành động ít. Nhưng ngay trong năm khó khăn này ASEAN lại đưa ra nhiều sáng kiến rất cụ thể. Chẳng hạn trong lĩnh vực phòng chống Covid-19, 3/4 sáng kiến đưa ra và sau này được thông qua là của Việt Nam.

"Nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN" - đó là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự năng động của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN.

Sáng kiến Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 ược công bố thành lập tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tháng 11/2020 đã nhận được cam kết hơn 10 triệu USD, trong đó 3 thành viên Việt Nam, Thái Lan, Singapore đóng góp đầu tiên, mỗi nước 100.000 USD; số tiền còn lại do các đối tác cam kết. Mới đây, ngày 15/12, Đức cam kết đóng góp thêm 5 triệu euro cho Quỹ này.

Với sáng kiến Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực ASEAN, Việt Nam cam kết đóng góp 5 triệu USD bằng vật tư trang thiết bị y tế. Khác với kho vật tư phòng chống thiên tai của ASEAN là một "kho thực", thì kho dự phòng vật tư y tế là "kho ảo" - các nước tự nguyện đóng góp và tự bảo quản số lươngj vật tư y tế đã cam kết, khi có tình huống khẩn cấp sẽ chuyển vật tư y tế đã cam kết tới nước cần sử dụng. Sáng kiến này được các nước thành viên ASEAN và đối tác đánh giá cao và ủng hộ tích cực.

Di sản Việt Nam trong năm ASEAN 2020 - Ảnh 3.

Ký kết Hiệp định RCEP theo hình thức trực tuyến. I.T

Ngoài các vấn đề thông thường của ASEAN, năm nay phát sinh nhiều vấn đề lớn, trong đó có dịch Covid-19, do vậy năm nay Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan thống nhất được trên 80 văn kiện, số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay.

Ngoài Covid-19, Việt Nam còn đề ra nhiều sáng kiến khác để thực hiện tinh thần 'không ai bị bỏ lại phía sau', chẳng hạn thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, các vùng miền xa xội như Mekong hội nhập chung với dòng chảy ASEAN. Mekong chưa từng được coi là cơ chế chính thức, trong ASEAN các hoạt động về Mekong chỉ là bên lề, nhưng năm nay Việt Nam đã thúc đẩy đưa vấn đề Mekong vào chương trình nghị sự. Ban đầu nhiều nước phản đối do không muốn san sẻ nguồn lực hoặc không liên quan trực tiếp vấn đề Mekong, e ngại bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh chiến lược. Vấn đề Biển Đông đã đủ phức tạp cho ASEAN và các đối tác. "Song Việt Nam đã khôn khéo đi từng bước" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.  Từ hội thảo ASEAN đã tổ chức được đối thoại cấp bộ trưởng, trong đó các bộ trưởng đã thống nhất và báo cáo lên cấp cao ghi nhận. "Đó là cố gắng của VN và rất thành công khi đưa cơ chế Mekong vào hoạt động ASEAN" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.

"Nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN" - đó là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự năng động của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN.

Năng lực dẫn dắt ASEAN

Trong năm 2020, tiếng nói và vai trò của ASEAN đối với các vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng hòa bình an ninh khu vực và quốc tế tiếp tục được khẳng định, từ Mekong tới Biển Đông.

Các nước đề cao và nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, các quyền chính đáng của các quốc gia trong luật pháp quốc tế. Lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định hướng tới xây dựng khu vực biển Đông hòa bình ổn định hữu nghị hợp tác, tự do hàng hải và tự do hàng không được bảo đảm. Đó là sự thống nhất hiếm có nhờ sự dẫn dắt khéo léo của Việt Nam.

Ngoài ra, theo như ông Nguyễn Đồng Trung: Tất cả các sứ quán đối tác, đặc biệt các nước ASEAN đã đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN  giải quyết được hết khúc mắc của các bạn. Những yêu cầu của họ đưa ra ta đưa ra phương án hài hòa. Chẳng hạn Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đã cảm ơn Việt Nam khéo léo cân bằng sự quan tâm của các nước đến vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Ở nước ngoài, mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước, đại sứ phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, tại Geneva, tại ASEAN hay các đối tác song phương đều phản ánh về nhà rằng họ khen ngợi Việt Nam trong vai trò chủ tịch. Việt Nam đã linh hoạt khôn khéo xử lý hài hòa mọi việc, dẫn dắt được A - ông Nguyễn Đồng Trung cho biết.

Chỉ thị 25 của Ban Bí thư yêu cầu phải phát huy vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các cơ chế đa phương. Lúc đầu chúng tôi thấy khó khăn nhưng Việt Nam đã dẫn dắt được và dẫn dắt thành công trong nhiều vấn đề - ông Trung nói.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem