Đào tạo gắn với việc làm - kinh nghiệm từ ASEAN

P.V Chủ nhật, ngày 20/12/2020 15:59 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ GDĐT đã tổ chức phiên họp nhóm chuyên gia với chủ đề "Xây dựng Chương trình học tập ứng dụng trên cơ sở việc làm nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội". Phiên họp được tổ chức trực tuyến với đại diện giáo dục của 10 quốc gia trong khối ASEAN.
Bình luận 0

Nhiều công việc sẽ biến mất trong tương lai

Cuộc cách mạng cộng nghệ thông tin 4.0 đã làm thay đổi diện mạo thế giới, kèm theo đó là khả năng có thể "biến mất" một số công việc trong tương lai. Theo dự báo, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế một số ngành nghề như: Nghề lái taxi, nhân viên phục vụ, công nhân lắp ráp dây truyền, phiên dịch viên…

Theo ông Andeas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng, Cố vấn đặc biệt về Chính sách giáo dục cho Tổng thư ký tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), theo một đo lường kỹ năng của người lớn, kết quả cứ 10 người thì có khoảng 1 người có thể thành công về công nghệ mới ngày nay. Trong khi đó, nhiều công việc thường ngày đang dần biến mất, do quá dễ dàng để số hoá.

Đào tạo gắn với việc làm - kinh nghiệm từ ASEAN - Ảnh 1.

Học viên tại một trường nghề. I.T

Ông Andeas Schleicher chỉ ra rằng, trong tương lai những học sinh được đào tạo nghề đầy đủ sẽ có cơ hội kiếm việc làm tốt. Đây cũng chính là cơ sở để khích lệ học sinh theo con đường học nghề nhiều hơn, bởi con đường học thuật không phải là duy nhất.

Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, nguồn nhân lực dồi dào nếu không đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường lao động và công việc cũng sẽ trở thành trở ngại lớn. Vì vậy, những kinh nghiệm chia sẻ của các nước ASEAN sẽ hướng tới việc trang bị cho người học những kỹ năng để có thể chuyển giao trong tương lai gần.

"Chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và thành viên ASEAN tại hội thảo sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình học tập ứng dụng trên cơ sở việc làm, chủ yếu tập trung vào các ngành Khoa học và Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Kế toán và Du lịch, nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực ASEAN", ông Phúc nhấn mạnh.

Cam kết chia sẻ tài nguyên, gắn kết giáo dục

 Chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn trong việc tiếp cận chương trình học tập gắn với ứng dụng, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, người lao động Việt Nam có truyền thống hiếu học, tuy nhiên, giữa học tập thực tế và học tập lý thuyết có sự khác nhau. TS Phương đề xuất cần có sự kết nối giữa bên đào tạo với nhà tuyển dụng trong xây dựng chương trình giáo dục; chú trọng chia sẻ tài nguyên giáo dục đào tạo để chọn lựa tài liệu tốt nhất để giáo dục đạt giá trị cao;…

Đào tạo gắn với việc làm - kinh nghiệm từ ASEAN - Ảnh 2.

Quang Cảnh Phiên Họp

 Đại diện Philippines cho biết, tại quốc gia này, các môn ứng dụng cốt lõi có trong chương trình giáo dục từ cấp mầm non đến lớp 12. Ví dụ, học sinh cấp 3 được học các môn về công nghệ, quảng trị, thiết kế, nghệ thuật… sau khi tốt nghiệp, học sin có thể học đại học nếu có nhu cầu hoặc đi làm và tiếp tục cải thiện các kỹ năng ở cấp độ tiếp theo để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp. Cũng theo đại diện nước này, học sinh sẽ có giai đoạn hoà nhập, học tập dựa trên người tuyển dụng. Việc học tập sẽ diễn ra ở nơi làm việc hoặc giả lập môi trường làm việc, với các môn được thiết kế riêng để thực hành chuyên môn, thể hiện kỹ năng.

 Trong khi đó, đại diện Brunei cho biết nước này đã thành lập hội đồng lên kế hoạch gắn kết nguồn nhân lực với lĩnh vực việc làm, giải quyết vấn đề việc làm hiệu quả, minh bạch và thiết thực nhất, tập trung 3 lĩnh vực: Nguồn cung, nhu cầu, những động lực để có thể thực hiện.

 Tại Thailand, đại diện nước này cho biết thời gian tới sẽ thúc đẩy sáng kiến mô hình ưu việt, dành cho giáo viên, sinh viên và các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lại lao động. Theo đó, các trường cao đẳng trung tâm dạy nghề sẽ định hướng trở thành chuyên gia hàng đầu chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Đồng thời, điều chỉnh chương trình, quy định, đánh giá, nhằm nâng cao chuẩn nghề nghiệp và chuẩn đầu ra, cũng như đưa ra chương trình đồng cấp chứng chỉ giữa một số nước, đơn vị liên kết, mở cơ hội rộng lớn hơn cho dịch chuyển lao động trong khu vực và thế giới...

Các chuyên gia trong khu vực đều nhất trí về tầm quan trọng của việc học tập dựa trên công việc và cho rằng: Tuy bối cảnh các nước khác nhau nhưng có thể học tập lẫn nhau để tìm ra cách thức hiệu quả nhất. Đồng thời, đưa ra cam kết mạnh mẽ, chia sẻ tài nguyên, tài liệu với nhau nhằm đảm bảo tương lai tốt nhất cho học sinh và cho sự phát triển chung của khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem