Di tích cách mạng - di sản văn hóa và bài học bảo tồn

Thứ bảy, ngày 11/04/2015 13:00 PM (GMT+7)
Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến cũng chính là những di sản văn hóa để lại cho hậu thế. Tại Hà Nội có nhiều di tích đã được công nhận và được bảo tồn, tôn tạo nhiều năm qua.
Bình luận 0
img

Di tích 5 D Hàm Long (Hà Nội) 

Chuyện không đơn giản 

Nhiều người đã biết di tích số 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Trước đó nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, đây là một trong số 8 di tích được thành phố đầu tư tôn tạo, nâng cấp. Vì lẽ đó mà lần này trở lại, chúng tôi nhận thấy di tích 5D Hàm Long trông khang trang và đẹp đẽ hơn. Các cán bộ của BQL di tích danh thắng Hà Nội và hướng dẫn viên tại di tích 5D Hàm Long cho biết, sau một thời gian trùng tu, bổ sung thêm hiện vật trưng bày, di tích mới mở cửa trở lại vào dịp 3-2-2015. 

Nhưng một vấn đề mà không ít người quan tâm, đó là tính nguyên gốc của các hiện vật trưng bày trong các di tích lịch sử cách mạng tại Hà Nội hiện nay ra sao? Trên thực tế nhiều hiện vật được khôi phục theo nguyên mẫu để phục vụ cho công tác trưng bày, phục vụ cho việc phát huy giá trị của di tích. Đơn cử như tại di tích nhà 5D Hàm Long, bộ bàn ghế, rèm tre và chiếc giường cùng một số vật dụng ở khu vực sân sau… đều  được khôi phục theo nguyên mẫu chứ không còn hiện vật gốc. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thất lạc hiện vật gốc, mà theo các cán bộ quản lý di tích thì chủ yếu là do hoàn cảnh lịch sử, do chiến tranh nên thời điểm ấy không có điều kiện giữ gìn, bảo quản… Nhưng đó cũng chỉ là nguyên nhân khách quan. Chỗ này chúng tôi không dám lạm bàn đến những nguyên nhân khác. 

Song lại có một câu chuyện khác, đó là với di tích còn gìn giữ được hiện vật gốc thì việc bảo quản ra sao? Đơn cử như ở di tích cách mạng 48 Hàng Ngang- nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. So với các di tích cách mạng khác, ngôi nhà 48 Hàng Ngang vẫn giữ nguyên được không gian tầng 2 với chiếc bàn lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Các hiện vật như: Giường bạt Bác nằm nghỉ, phòng tiếp khách, phòng họp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương đã làm việc từ ngày 25-8 đến 2-9-1945. Theo cán bộ quản lý tại đây, di tích này trước đây thuộc Bảo tàng Hà Nội, từ tháng 4 – 2014 di tích được bàn giao cho BQL danh thắng Hà Nội. Hàng năm di tích đều có nguồn kinh phí tu bổ, bảo quản hiện vật. Việc bảo quản hiện vật trưng bày tại di tích hiện nay vẫn chủ yếu bằng 2 phương pháp là cơ học và bảo quản trị liệu. Công tác  bảo quản được phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, việc giữ gìn bảo quản các hiện vật ấy cũng không đơn giản bởi khí hậu Việt Nam nóng ẩm, môi trường ẩm quá thì dễ dẫn đến ẩm mốc… Nhất là hiện vật là đồ gỗ, đồ vải, thuộc da dễ bị tác động bởi môi trường ẩm. Chính vì vậy mà những hiện vật tại đây cũng đang chịu tác động ít nhiều. 

img

Di tích 48 Hàng Ngang (Hà Nội) 

Di tích trong lòng dân

Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được gắn biển, trong đó có những di tích chính là nhà dân, hoặc chốn đình chùa. Đơn cử như trong số 9 địa  điểm, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được gắn biển di tích trong năm 2013, có ngôi nhà số 8-  ngõ 120 phố Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).

Ông Dương Việt Tiến - chủ nhân ngôi nhà này rất hồ hởi khi giới thiệu với chúng tôi về tấm bia đá được dựng trang trọng trước cửa nhà. Có lẽ nếu không phải là người tìm hiểu về lịch sử Thủ đô hay sinh sống trên phường Vĩnh Tuy thì ít ai biết rằng trong giai đoạn 1945 - 1946, ngôi nhà này là cơ sở liên lạc, hoạt động của nhóm văn hóa cứu quốc, gồm các đồng chí: Trần Quốc Hương, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Đình Thi, Thôi Hữu, Hoàng Đạo Thúy… Đây là một trong những điểm chuyển giao, cất giữ vũ khí, lương thực của quân đội ta chuyển từ ngoại thành vào nội thành…

Trải qua thăng trầm của cuộc sống, hiện diện mạo ngôi nhà không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng với tấm bia được đặt trang trọng trước cửa, thì di tích này không chỉ là vinh dự cho gia đình tôi, mà đó còn là niềm tự hào của cả người dân trong khu phố - ông Dương Việt Tiến chia sẻ. Theo bác Tiến, dù thế nào đi nữa  gia đình cũng sẽ nỗ lực hết sức để chung tay gìn giữ một dấu tích cách mạng.

Và còn nữa là hành trình vinh danh của đình Hương Thể (phường Thanh Lương- quận Hai Bà Trưng) trong năm 2013 cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Chức, trưởng BQL đình Hương Thể cho hay, hầu hết những dấu tích của giai đoạn kháng chiến không còn nhiều nên không dễ chứng minh rằng nơi đây từng là căn cứ cách mạng. Theo tài liệu ghi lại: Trước cách mạng tháng 8, đình Hương Thể được sử dụng làm nơi dạy học, truyền bá chữ quốc ngữ. Đây là nơi tổ công nhân cứu quốc Hương Thể (thuộc Chi hội Công nhân Cứu quốc Hoàng Văn Thụ, khu 12 Lò Đúc) họp bàn chuẩn bị cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp Rùa đêm 1-7-1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, từ ngày 19-12-1946 đến 17-2-1947, đình là trạm cứu thương, trung chuyển thương binh và cán bộ kháng chiến, nơi cất giấu khí giới của đội tự vệ Thủ đô và huấn luyện bắn súng cho các đội tự vệ cứu quốc khu Lò Đúc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1969), đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng máy bay B52, đình Hương Thể là nơi đóng quân của một đơn vị thông tin vô tuyến của Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, phòng khi cơ quan Bộ Tư lệnh đóng quân ở Đồn Thủy bị bắn hạ…

Nhưng cũng rất may là ông Chức đã tìm được các cụ Nguyễn Văn Triệu, Vũ Văn Cận, Nguyễn Sơn Cang… nay ngoài 90 tuổi là những nhân chứng sống trong giai đoạn đó. Có tài liệu và những căn cứ trong tay, năm 2011 bà con nhân dân phường Thanh Lương đã làm hồ sơ đề nghị TP công nhận đình Hương Thể là di tích cách mạng kháng chiến. Và từ năm 2013, người dân cả phường thực sự hân hoan khi tấm bia di tích lịch sử kháng chiến đã được dựng lên tại đây.

Như vậy, ngoài những di tích lịch sử có BQL trông coi, hiện còn có cả di tích đang được bảo quản chính bởi cộng đồng, bởi lòng dân. Đòi hỏi bảo tồn nguyên vẹn những hiện vật gốc tại những di tích kháng chiến rõ ràng không phải chuyện đơn giản. Nhưng theo các chuyên gia văn hóa, để không bỏ sót di tích cách mạng, kháng chiến rất nên tổ chức mô hình xã hội hóa việc xây dựng và tu bổ những di tích này. 

Điều quan trọng là các hình thức tôn tạo cần xứng tầm với từng địa chỉ với những quy mô thích hợp, chứ không phải nơi nào cũng gắn biển là xong. Cần phải có những thiết kế tạo dựng được một hình ảnh có sức tác động mạnh tới tình cảm của mỗi người dân khi đến đây.

Chẳng hạn như việc khắc bia đá, phù điêu, làm sa bàn… là những hình loại thích hợp cho những địa chỉ đỏ mà không còn giữ được dấu ấn nguyên bản. Đáng lưu tâm hơn thế, những địa chỉ đỏ ấy cần được tôn thờ đúng với ý nghĩa của nó trong tâm linh con người.

(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem