Đến nay, trong 5 di tích quốc gia ở Đồng Văn, đã có 3 di tích bị làm biến dạng, 2 di tích xuống cấp nghiêm trọng và đang có nguy cơ sụp đổ.
|
Hòn đá kê chân cột bị vứt xó. |
“Được phê duyệt bằng... miệng”
Về xã Đồng Văn, chúng tôi được tận mục sở thị quang cảnh hạ giải và làm mới đình Hùng Vỹ - một Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Theo quan sát của chúng tôi, đại bái của ngôi đình này đã được hạ giải hoàn toàn và đang dựng mới. Tất cả các cột gỗ cũ được dỡ bỏ vứt ngổn ngang phía sau đình. Những khối đá kê chân cột cũng được vứt mỗi nơi một chiếc. Các cột mới đã được dựng lên và kê chân tạm bằng vài viên gạch đỏ. Phía sau hậu cung là một loạt hòn kê chân cột bằng bê tông đã được đúc khuôn nằm la liệt.
Ông Nguyễn Văn Nhặt - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: "Đình Hùng Vỹ mới được cất nóc. Để xây dựng và trùng tu lại ngôi đình này, nhân dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng. UBND xã cũng đã trình kế hoạch lên các cơ quan chức năng xin hỗ trợ được 300 triệu đồng nhưng đến nay chưa rút được tiền vì chưa hoàn thành các thủ tục".
Trao đổi kỹ hơn với ông chủ tịch, chúng tôi được biết, sở dĩ Ban quản lý di tích của Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc không chấp nhận hợp đồng giải ngân của đơn vị thi công trình lên là vì họ không đồng ý với bản thiết kế đã bị bê tông hóa một phần.
Chỉ riêng các hòn đá kê chân cột, Ban quản lý di tích yêu cầu phải đưa vào đúng các vị trí cũ, không được thay bằng bê tông hay đá mới. Hơn nữa, khi tiến hành hạ giải và xây dựng lại ngôi đình này UBND xã Đồng Văn chưa hề nhận được văn bản phê duyệt kế hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi của các cấp có thẩm quyền.
Về những điều này, ông Nguyễn Xuân Tin - Trưởng ban Văn hóa xã Đồng Văn - khẳng định: "Các hòn đá kê chân cột cũ chỉ là do các cụ ngày xưa khi xây đình... tiện tay đưa vào chứ chẳng có giá trị lịch sử, văn hóa gì cả. Có những cột kê cả bằng cối đá.
Giờ sửa chữa lại chúng tôi không dùng các hòn đá cũ nữa mà quyết định sang Ninh Bình mua 32 chân tảng bằng đá mới được chạm khắc hoa văn với tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Các chân tảng bê tông mà các anh nhìn thấy chỉ là... phương án dự phòng.
Các cột gỗ trong đình cũng được chúng tôi mua gỗ quý hiếm như đinh, lim về dựng. Thợ làm là những người có tay nghề cao với công 170.000 đồng/người/ngày".
Về việc chưa được cấp phép đã tiến hành giải hạ và xây dựng, ông Nhặt và ông Tin giải thích: "Vì di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ nên chúng tôi phải tiến hành "chữa cháy" ngay. Tuy nhiên chúng tôi đã được Sở VH- TT&DL đồng ý... bằng miệng cho làm”.
|
Đình Hùng Vỹ đang được xây dựng lại. |
Sai phạm nghiêm trọng
Đình Hùng Vỹ thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, theo tương truyền có công đánh giặc Nguyên - Mông thời Trần thế kỷ XIII. Đình gồm đại đình 5 gian xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII và hậu cung 3 gian làm thời Nguyễn. Đình Hùng Vỹ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 21 - 1 - 1992.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Diện - Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc - bức xúc: "Tháng 4-2010, Sở VH- TT&DL tỉnh có văn bản thông báo vốn và yêu cầu UBND xã Đồng Văn lập hồ sơ giải ngân.
Đến tháng 7-2010, đơn vị thi công đình Hùng Vỹ đem lên cho tôi 1 bộ hồ sơ với bản vẽ thiết kế có nhiều chi tiết được bê tông hóa. Thời điểm họ mang hồ sơ lên thì họ đã dỡ đình được hơn 1 tháng rồi dù chưa có ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH- TT&DL theo đúng thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cấp quốc gia.
Theo nhận định về phía chuyên môn, chúng tôi cho rằng đình Hùng Vỹ chỉ cần sửa chữa những chỗ hư hỏng, xuống cấp chứ chưa đến mức phải giải hạ hoàn toàn. Trong trường hợp di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ thì địa phương vẫn phải báo cáo lên để giải quyết. Thời gian từ khi có văn bản thông báo vốn cho đến khi họ tiến hành dỡ đình là 2 tháng, quá đủ để hoàn tất hồ sơ xin tu bổ theo đúng các quy định của pháp luật".
Cũng theo bà Diện, UBND xã Đồng Văn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa khi tự ý cho hạ giải đình Hùng Vỹ và xây dựng mới khi chưa lập dự án dưới sự hướng dẫn của Ban quản lý di tích để trình các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thi công không có giám sát của nhà chuyên môn và không có nhật ký công trình...
Bà Diện nhấn mạnh: "Chính vì không tuân thủ luật và các quyết định đã được ban hành nên đình Hùng Vỹ đã bị tôn tạo sai lệch. Các nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thế kỷ XIX đã bị xóa bỏ. Những hòn đá kê chân cột không chạm khắc bị bỏ đi không phải là vô giá trị. Nó minh chứng cho niên đại sớm, chưa có các hoạt động chế tác, điêu khắc trên đá. Những hòn đá này góp phần xác định được chính xác hơn niên đại của ngôi đình".
(Còn nữa)
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.