"Đi tù mà không hiểu hậu quả nặng tới mức đó thì ức lắm..."

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 21/07/2016 18:23 PM (GMT+7)
"Một tác giả tự ý thay đổi cụm từ “chuyện tình lãng mạn” thay cho từ “ngôn tình” đã được duyệt... Thế là tác giả đó bị tù mà không hiểu rõ hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào... Đi tù mà không hiểu hậu quả việc chậm trễ của mình gây ra nặng tới mức đó thì ức lắm", bà Minh Phương, Phó trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Sở TT&TT TP.HCM nói.
Bình luận 0

Sau lĩnh vực công nghệ thông tin, tới lượt ngành xuất bản phản biện những điều khoản của Bộ Luật hình sự được cho là vô lý, thậm chí gây nguy hiểm nếu được đưa ra áp dụng trong lĩnh vực này.

Trong buổi hội thảo do Văn phòng Hội xuất bản phía Nam tổ chức ngày 21.7 tại TP.HCM, nhiều đơn vị xuất bản, in, phát hành đề nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số điều của Bộ Luật hình sự được những đơn vị này cho là bất hợp lý.

Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ dẫn chứng Điều 225 (quy định các tội xâm phạm quyền tác giả) có khoản: “sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình” là còn chung chung và không thấy rõ dấu hiệu vi phạm.

img

Đại diện của hội xuất bản và các công ty phát hành, in, xuất bản tham dự Hội thảo

"Hiện nay, vi phạm chủ yếu là sử dụng tài liệu của người khác mà không ghi rõ nguồn. Nhưng có những nội dung cần phát hành công khai như phổ biến kiến thức chủ quyền biển đảo, có khi người giữ bản quyền còn muốn lan truyền nhanh hơn” - bà Hạnh chia sẻ.

Về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy Điều 326, vì chưa thấy giải thích cụ thể như thế nào là khiêu dâm, đồi trụy nhưng lại được số hóa rất cụ thể từ 1 gigabyte (GB) tới 5 GB thì bị tù 3 năm..., ông Dương Thanh Hoài, đại diện NXB Nhã Nam cụ thể hóa một cách châm biếm: “Cùng một bộ phim đồi trụy, nếu xem theo chuẩn HD, dung lượng cao hơn thì bị tội nặng hơn sao?”.

img

Hội thảo đặt ra vấn đề sửa đổi bổ sung luật hình sự để phụ hợp hơn với công tác in ấn, phát hành hiện tại, để ngành xuất bản phát triển hơn

Bà Minh Phương, Phó trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, nhiều quy trình nghiệp vụ như biên tập, lưu chiểu... bị hình sự hóa trong luật mới. Cụ thể, Điều 344 quy định rất nhiều về các hành vi mà chưa giải thích rõ hậu quả nghiêm trọng.

Về điều khoản làm trái quy định biên tập, hoặc hành vi làm sai lệch bản thảo, bà Phương nêu ví dụ: Một tác giả tự ý thay đổi cụm từ “chuyện tình lãng mạn” thay cho từ “ngôn tình” đã được duyệt. Thế là tác giả đó bị tù mà không hiểu rõ hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

Hoặc chỉ vì chậm nộp lưu chiểu quá 10 ngày mà bị đi tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong khi thực tế nhiều NXB thường nộp lưu chuyển theo đợt. “Việc quy định như thế làm nhiêu khê thủ tục hành chính, làm chậm trễ việc xuất bản các ẩn phẩm mang tính thời sự một cách không cần thiết. Đi tù mà không hiểu hậu quả việc chậm trễ của mình gây ra nặng tới mức đó thì ức lắm” - bà Phương nhận xét.

Theo bà Phương, việc hình sự hóa cả quy trình xuất bản sẽ đè nặng áp lực, gây căng thẳng quá mức cho người làm nghề, sẽ không ai dám tham gia vào công tác xuất bản nữa.

Còn ông Dương Thanh Hoài cho rằng, hình sự hóa những hành vi vi phạm lĩnh vực xuất bản đã được điều chỉnh bằng xử phạt  hành chính không phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại. “Bộ luật mới nếu áp dụng sẽ giống như lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu”, ông Hoài nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem