Trời Côn Đảo những ngày cuối năm chốc chốc lại có những đợt gió rít liên hồi, báo hiệu mùa biển động đã về. Dẫu vậy, công việc của kiểm lâm - những người gác rừng, giữ biển vẫn cứ diễn ra bình thường.
Tuần biển cùng kiểm lâm
Một ngày đầu tháng 1, sau chặng bay ngắn từ TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đặt chân được đến Côn Đảo. Mùa này, như những cư dân ở đây cho biết, chỉ có duy nhất máy bay mới có thể “đổ” người ra được; còn các loại tàu chở khách từ đất liền ra đảo đều “đóng băng” bởi biển động.
Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo. Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Khắc Pho- Giám đốc Ban Quản lý, VQG Côn Đảo được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31.3.1993, trước đó là khu rừng cấm. Dẫu vậy, những người kiểm lâm đầu tiên đã đặt chân đến đây từ ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975).
Lực lượng kiểm lâm lên ca nô chuẩn bị đi tuần biển ở các hòn ngoài khơi. ảnh Lê Hân
Một trong những “nhân chứng sống” từ ngay thời kỳ đầu tiên đó là ông Nguyễn Văn Anh- Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động của VQG Côn Đảo. “Ngay từ khi đặt chân lên hòn đảo này, tôi đã yêu rừng vô cùng và gia nhập lực lượng kiểm lâm từ năm 1987. Hơn 40 năm ở đảo, bước chân của tôi đã đi đến từng hàng cây, góc rừng và tôi khẳng định, chưa có một cây rừng nào bị chặt phá ở Côn Đảo trong suốt mấy thập kỷ qua”- ông Văn Anh tự hào.
Tuy vậy, khác với công việc của các đồng nghiệp ở trong đất liền, công việc của ông Văn Anh và hơn 60 kiểm lâm viên ở đây không chỉ bảo vệ rừng, mà còn phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới biển. Sau quãng thời gian ngắn “chào hỏi” như vậy, chúng tôi bắt đầu đi “tuần biển” cùng Đội Kiểm lâm cơ động.
Gió vẫn rít liên hồi, những cơn sóng biển cao khoảng 1,5m vẫn xô vào đẩy ra liên tục, nhưng cũng không ngăn nổi chúng tôi thực hiện chuyến tuần biển cùng kiểm lâm và bộ đội biên phòng ở đây.
Trước khi xuống biển, ông Nguyễn Văn Trà - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Côn Đảo giới thiệu, ngoài hòn đảo chính, ở Côn Đảo còn có 16 đảo nhỏ phân bổ rải rác xung quanh, hòn gần nhất cách 4 hải lý, còn xa cách cả vài chục hải lý. Để bảo vệ rừng và biển, VQG đã xây dựng các trạm kiểm lâm và nơi đó, cũng chỉ có những người kiểm lâm ở.
Theo hành trình, đoàn di chuyển ra cầu tàu để xuống tàu của kiểm lâm đã đợi sẵn để chạy ra Hòn Tài- một trạm kiểm lâm quan trọng có nhiệm vụ thực hiện việc bảo vệ rùa biển và hải sâm cùng 34ha rừng. Mất gần 45 phút, chiếc tàu vượt những con sóng ngang đã đưa được chúng tôi đến sát với Hòn Tài. Biển động, cả đoàn phải xuống chiếc ca nô nhỏ để “đổ bộ” vào mỏm đá gần nhất của hòn, rồi phải tiếp tục leo lên cắt ngang đỉnh núi để đến được với trạm.
Những người thầm lặng bảo vệ rừng, biển
Đón chúng tôi lên trạm kiểm lâm Hòn Tài là ông Trần Văn Bình- Trạm trưởng, người đã gắn bó cả chục năm ở các trạm kiểm lâm ngoài khơi. Ông Bình tâm sự: “Kể từ khi vào mùa biển động, anh em ở trạm phải mất gần 1 tháng mới được gặp các anh đấy”. Trạm được biên chế chỉ có 3 người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản ở Hòn Tài và hai hòn nhỏ xung quanh.
Công việc tuần tra rừng của kiểm lâm ở Côn Đảo. ảnh Lê Hân
Với kiểm lâm viên Trần Văn Ninh, đây đã là năm thứ 3 anh gắn bó với Hòn Tài. Ninh kể: “Tôi đã từng ở 4-5 trạm kiểm lâm trên các hòn ở đây rồi. Hồi mới bắt đầu đi trạm cũng buồn lắm, bởi suốt ngày chỉ quanh ra quẩn vào có 3-4 anh em. Cộng thêm với nỗi nhớ vợ, con ở nhà nữa, có những lúc tưởng như muốn bỏ về, nhưng rồi người đi trước động viên người đi sau, cứ thế mà anh em gắn bó được với công việc ở hòn”.
Công việc của những người trên trạm kiểm lâm ở đây khá vất vả và nặng nề và thường phải hoạt động về đêm. “Ở
VQG Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên gần 20.000ha, trong đó có 5.990ha bảo tồn rừng, 14.000 bảo tồn biển. Lực lượng kiểm lâm ở đây được bố trí gồm 60 người, có nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn biển và cả bảo vệ chủ quyền. Năm 2018 không có vụ vi phạm nào xảy ra trên rừng và chỉ có 9 vụ vi phạm xảy ra dưới biển. |
đây, chúng tôi phải bảo vệ hai loài động vật đặc biệt quý hiếm là loài rùa biển và hải sâm, đây cũng là những loài bị săn bắt trộm nhiều nhất. Vào mùa rùa lên bãi đẻ, từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, chúng tôi hầu như không ngủ đêm, vì phải cứu hộ rùa mẹ và trứng lên khu ấp, tránh bị bắt trộm”- trạm trưởng Bình kể lại.
Dân số ở huyện Côn Đảo chỉ vào khoảng 8.000 người, nhưng hàng năm lượng khách đến Côn Đảo vào khoảng 25.000-26.000 khách (trong đó có khoảng 5.000-6.000 khách quốc tế).
Với lượng khách du lịch đông đảo như vậy, cộng với những lời giới thiệu thổi phồng về công hiệu nên dù biết là phạm luật nhưng không ít trường hợp vẫn lén lút mua bán, sử dụng trứng rùa biển với giá cắt cổ - khoảng 200.000 đồng/quả. Do mức lợi nhuận cao hơn cả buôn bán ma túy và có cung ắt có cầu nên các đối tượng ngày đêm canh chừng, thậm chí còn theo dõi để tìm cơ hội bắt rùa, lấy trứng.
Với sự khôn khéo, quả cảm và thậm chí là quyết chiến với “rùa tặc”, lực lượng kiểm lâm đã bắt tại trận, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, bảo vệ nghiêm ngặt đàn rùa biển với 350-400 cá thể vào các hòn để trứng, sinh sôi nảy nở hàng năm.
Cũng theo lời ông Bình, ngoài ra hiện nay có rất nhiều đối tượng dùng ghe, cào đi bắt trộm các loài thủy hải sản quý ven bờ. Đêm đêm, khi anh em vừa ngả lưng chợp mắt, vừa thấy ánh đèn xa xa của các đối tượng là tất cả, không ai bảo ai, bật cả dậy để đi tìm, xác định vị trí rồi lập biên bản và gọi điện báo về cho đội kiểm lâm cơ động trong bờ để ra xử lý.
Khi chúng tôi hỏi về thời gian “cứng” ở trạm, ông Bình nói: “Anh em ở đây, bình thường phải duy trì 100% quân số, còn những dịp lễ, tết cũng phải trên 50%. Mỗi người ra đây, thường 1-2 tháng sẽ được về nghỉ 5-6 ngày, rồi lại trở lại trạm, nhưng cũng có những thời điểm hơn 2 tháng mới được về, vì biển động”.
Nói về việc tuần tra trên biển, ông Vũ Đình Nam - Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động VQG Côn Đảo cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi đi tuần trên biển là các đối tượng vi phạm thường rất mạnh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và bỏ trốn, trong khi chúng tôi lại chỉ được tuyên truyền, vận động và dùng các nghiệp vụ để cảnh cáo các đối tượng vi phạm đó”.
Theo ông Nam: Có lần anh em đi ca nô tuần tra, phát hiện đối tượng vi phạm đang khai thác trái phép thủy sản, chúng tôi yêu cầu dừng, chúng chống trả bằng cách chửi bới, rồi lấy cả gạch, đá ném sang ca nô tuần tra. Có lúc anh em đành phải chạy lánh đi chỗ khác, rồi gọi thêm lực lượng biên phòng đến hỗ trợ, xử lý. “Với chúng tôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới biển, cũng như bảo vệ rừng, không được để mất một con rùa, một con hải sâm trong phạm vi quản lý của mình. Đồng thời, kiên quyết xử lý tất cả các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật”- ông Nam khẳng định.
Chia tay những người kiểm lâm đang thầm lặng bảo vệ rừng, biển ở Hòn Tài, ở Côn Đảo, hình ảnh đọng mãi trong chúng tôi đó là sự gian truân, vất vả, nhưng cũng lộ lên sự khỏe khoắn của họ ở đây. Họ không những bảo vệ rừng, bảo vệ biển, mà còn góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.