Phụ nữ bị bạo lực từ chồng/bạn tình tại Việt Nam vẫn đang nhẫn nhịn chịu đựng.
Theo Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, gần 63% phụ nữ từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra, tuy nhiên, số phụ nữ bị bạo lực tìm kiếm sự trợ giúp còn rất thấp. Nghiên cứu này chỉ ra:
Một nửa (49,6%) số phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không kể cho bất cứ ai về việc họ đã từng bị bạo lực;
Chỉ có một số rất ít là 4,8% phụ nữ từng bị chồng/ bạn tình bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục tìm đến công an để được trợ giúp;
Và, có tới 90,4% người bị bạo lực đã không tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan cung cấp dịch vụ công hoặc chính quyền.
Điều gì khiến người bị bạo lực im lặng, chịu đựng?
Lý giải việc phụ nữ bị bạo lực nhẫn nhịn chịu đựng, bà Hoàng Tú Anh, đồng Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP cho rằng một trong các nguyên nhân là sự thờ ơ của cộng đồng khi chứng kiến bạo lực, thậm chí còn lên án khi phụ nữ đi trình báo.
Bà Tú Anh chia sẻ, ở địa phương, hầu như chòm xóm đều biết rõ gia đình nào lục đục, ông chồng nào hay gây bạo lực với vợ nhưng tất cả đều im lặng, để mặc phụ nữ bị bạo lực hết lần này đến lần khác, năm này sang năm khác.
Có nhiều trường hợp bị bạo lực đi trình báo còn bị phê bình "phụ nữ mà hơi tí là đi tố cáo chồng cũng là người không ra gì", "Chồng mới mắng chửi, mới đánh vài cái chưa đau lắm mà kêu chính phụ nữ đó lại bị lên án".
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết thêm.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội do Covid_19 đầu năm 2020, đường dây tư vấn miễn phí dành cho người bị bạo lực của CSAGA tiếp nhận gấp đôi các ca tư vấn bạo lực bao gồm cả gọi điện tư vấn và chat trực tuyến.
Rất nhiều người chia sẻ rằng trước đây thỉnh thoảng chồng mới tát hoặc đánh, thì trong giai đoạn này tần suất bị bạo lực thể xác nhiều hơn. Nguy cơ bạo lực tình dục cũng gia tăng. Mặc dù số lượng phụ nữ bị bạo lực ở trong chính căn nhà của mình, từ chính chồng/bạn tình cao như thế, nhưng những người tìm đến các dịch vụ như CSAGA còn rất ít.
Phụ nữ im lặng là do truyền thống văn hóa vẫn không có nhiều thay đổi, định kiến giới còn rất nặng nề. Phụ nữ bị đánh nhưng nói ra lại sợ bị chê cười, bị lên án nên họ đành nhẫn nhục chịu đựng. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ không sẵn có khiến chị em tố cáo chồng đánh mình nhưng sau đó không biết đi đâu về đâu, còn nếu tiếp tục về nhà thì sợ rằng chồng sẽ đánh tiếp.
"Giải pháp lâu dài phải có sự hỗ trợ thiết thực đối với người bị bạo lực và cả nam giới gây bạo lực. Bởi vì nếu chúng ta chỉ hỗ trợ phụ nữ mà không hỗ trợ nam giới thì sau đó phụ nữ về nhà chắc chắn sẽ lại bị đánh tiếp", bà Vân Anh nói.
Bà Vân Anh cũng nhấn mạnh đến các giải pháp làm việc với nam giới, nhất là nam giới gây bạo lực. "Nam giới thường gây bạo lực cho vợ/bạn tình vì họ nghĩ rằng đó là cách thể hiện sức mạnh, như thế mới là người đàn ông thực sự theo khuôn mẫu lỗi thời. Đàn ông cho rằng phụ nữ, trẻ em là tài sản của mình, được sử dụng theo cách mình muốn.
Cần thay đổi quan điểm hôn nhân, đó là sự chia sẻ, hướng đến mục tiêu chung chứ không phải sự sở hữu. Nam giới cần biết cách ứng xử văn minh với tức giận, với bất an, không hài lòng với bất động, tôn trọng vợ/bạn tình... để vì bản thân mình trước, để hạnh phúc hơn và cũng sẽ giúp hạn chế bạo lực", bà Vân Anh khuyến cáo.
Khi bạo lực thì phụ nữ tìm đến đâu để được trợ giúp?
Để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ do chồng/bạn tình, bên cạnh các giải pháp mà bà Tú Anh và Vân Anh chia sẻ ở trên, việc người trong cuộc chủ động lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ từcác tổ chức, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực cũng góp phần giải quyết triệt để hơn.
Tại Việt Nam, hiện có 3 tuyến địa chỉ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực từ chồng/bạn tình: Thứ nhất là 2 nhà tạm lánh chuyên nghiệp của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Thứ hai là các Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội tại các địa phương; Thứ ba làhàng trăm "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng.
Khi người bị bạo lực tìm đến địa chỉ này họ có thể sẽ nhận được các hỗ trợ như: tạm lánh, nhu yếu phẩm, y tế, tư vấn tâm lý,… tùy theo nhu cầu, câu chuyện của họ và địa chỉ hỗ trợ mà họ tìm đến.
Địa chỉ hỗ trợ dành cho người bị bạo lực từ chồng/bạn tình:
Nếu bạn Bạn bị bạo lực từ chồng trong chính ngôi nhà của mình, hãy gọi đến những địa chỉ sau để được trợ giúp:
Trên toàn quốc:
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA):
Tư vấn điện thoại 24/7: 024.33335599 hoặc 0941409119
Tư vấn online trên 2 trang:
Facebook: yeuthuongvatudo
Website:csaga.org.vn
- Tại Hà Nội – Trung tâm công tác xã hội: 024.33525662
- Tại Quảng Ninh - Ngôi nhà Ánh Dương: 18001769
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh-Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương: 028.3820.9426- 028.3820.8470 - Nếu ở Đà Nẵng và các vùng lân cận, hãy gọi số điện thoại:
Hotline CSAGA 24/7: 024.33335599 hoặc 0941409119
Trung tâm công tác xã hội: 0236.221.4668
Bạn có thể nhận được những hỗ trợ sau từ CSAGA và một số khách sạn tại Đà Nẵng:
Cung cấp nơi ở tạm thời
Các đồ dùng thiết yếu dành cho phụ nữ;
Hỗ trợ ăn uống và dịch vụ ban đầu cơ bản, thiết yếu cho người bị bạo lực trong thời gian tạm lánh.
Khi bạn bị bạo lực từ chồng/bạn tình, bạn có thể gọi điện thoại hoặc có thể trò chuyện online, họ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ phù hợp với mong đợi và đảm bảo sự riêng tư theo yêu cầu của bạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.