Thoát khỏi bạo lực gia đình – không bao giờ là quá muộn

Thứ năm, ngày 15/10/2020 07:55 AM (GMT+7)
“Bạo lực gia đình” câu nói chỉ vỏn vẹn 4 chữ nhưng nó lại gây đau khổ cả đời cho người phụ nữ và những đứa con của họ. Dù ở tuổi nào cũng không bao giờ là quá muộn để tự giải thoát bản thân khỏi bạo lực gia đình.
Bình luận 0

Những ngày gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước việc nữ streamer Lạp Mẫu người Trung Quốc bị chồng cũ tẩm xăng thiêu chết. Trong thời gian chung sống, Lạp Mẫu vẫn luôn bị chồng cũ bạo hành nghiêm trọng dẫn đến ly hôn.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy, có đến 63% phụ nữ bị chồng hoặc bạn tình bạo hành trong cuộc đời. Báo động hơn, có đến 32% phụ nữ đang bị bạo hành trong suốt 1 năm vừa qua. Đọc những con số, làm cho chúng ta không khỏi giật mình thảng thốt khi còn quá nhiều phụ nữ bị người chồng đầu ấp tay gối đánh đập, bạo hành không thương tiếc.

Đồng hành trong suốt chặng đường dài, ENAT không chỉ biết đến là nhãn hàng quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của Phụ nữ mà còn thấu hiểu và luôn ủng hộ cũng như tiếp sức cho những tranh đấu để giành lấy hạnh phúc của người phụ nữ. Với bộ phim “Vòng Lặp”, ENAT và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gửi gắm đến tất cả những phụ nữ đang không may chịu cảnh bạo hành hãy đứng lên giải thoát cho chính mình, tự tay nhận lấy hạnh phúc mà mình đáng được hưởng.

Trong bạo lực gia đình, hành vi không thể chấp nhận và đáng lên án nhất là khi người vợ bị bạo hành về thể xác. Lúc này, người chồng luôn dùng “nắm đấm” để giải quyết mọi chuyện, đánh đập người vợ của mình như cơm bữa. Ngoài ra, đàn ông còn dùng nhiều cách để gây ra những tổn thương tâm lý, đau khổ kéo dài cho phụ nữ. Đó có thể là kiểm soát về kinh tế hay bạo hành về tinh thần, liên tục chửi bới, mắng nhiếc vợ. Hoặc đau đớn hơn và cũng khó chia sẻ cùng ai là khi người vợ bị cưỡng ép quan hệ tình dục…

Vậy, có hay không những người phụ nữ nằm ngoài câu chuyện bạo lực gia đình? Trong xã hội hiện đại, có không ít phụ nữ thành đạt, việc nước việc nhà đều chu tất. Thế nhưng, chính sự chu toàn đó lại đẩy người phụ nữ vào thảm cảnh. Người chồng với quan niệm gia trưởng, muốn làm chủ gia đình nhưng người vợ thành đạt lại khiến chồng tự ti, mặc cảm. Từ đó, dẫn đến nhiều xung đột khó cứu vãn. Như vậy, bạo lực gia đình xảy ra mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc học vấn, không chỉ xảy ra ở những gia đình khó khăn mà cả những gia đình sung túc cũng gặp tình trạng này.

img

Bất bình đẳng giới với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình. Tiếng nói của người vợ luôn bị xem nhẹ, chỉ cần làm trái ý, người vợ lập tức bị chồng hành hạ.

Việc phụ nữ bị bạo hành không phải một sớm một chiều kết thúc, mà sự đau đớn ấy lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Thậm chí, một người phụ nữ ở tỉnh Phú Thọ phải chịu cảnh chồng bạo hành hơn nửa đời người. Trong suốt 35 năm, bà không hề chia sẻ với bất kỳ ai. Chính sự kỳ thị, điều tiếng của xã hội và sự xấu hổ đã khiến phụ nữ phải im lặng, nhiều phụ nữ với ý nghĩ chuyện bạo lực, “hục hặc” giữa vợ chồng là điều bình thường, làm vợ phải nhẫn nhịn để gia đình êm ấm.

Nếu đã có con thì đứa con là lý do duy nhất khiến người vợ chọn cách im lặng. Với ý nghĩ muốn con mình có một gia đình hoàn hảo, đầy đủ cha mẹ, sợ con bị ảnh hưởng tương lai nếu cha mẹ ly hôn và sợ kinh tế không vững vàng nếu phải nuôi con một mình. Cứ như thế, muôn nghìn chữ sợ đã giam cuộc đời người phụ nữ trong cuộc hôn nhân tuyệt vọng! Ngoài ra, phụ nữ sống thiên về tình cảm, rất dễ mềm lòng, sau khi thỏa mãn cơn hành hạ, người chồng quay ra ngọt ngào xin lỗi, thế là phụ nữ cho qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình là một vòng tròn luẩn quẩn, sau những lời yêu thương thì người chồng lại xuống tay hành hạ vợ.

Hậu quả của bạo lực gia đình đã rất rõ. Người vợ không những đớn đau về thể xác mà tâm lý cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, luôn phải sống trong sợ hãi, thậm chí trầm cảm. Chưa kể, khi cơn nóng giận lên đến đỉnh điểm thì tính mạng người vợ bị đe dọa là điều khó tránh khỏi.

img

Tận mắt chứng kiến mẹ bị chính cha ruột bạo hành là một kỷ niệm đen tối mà không đứa trẻ nào muốn nhớ lại. Nỗi đau đó sẽ theo các em, giày vò và làm thay đổi con người các em suốt quãng đường đời.

Tuy nhiên, ít ai ngờ tới đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bạo lực gia đình chính là những đứa con. Những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, đáng ra phải có được niềm vui đúng với lứa tuổi của mình thì ngày ngày phải sống trong nước mắt, phải thấy cảnh cha hành hạ mẹ. Những âm thanh các em nghe được không phải của sự hân hoan mà là tiếng đổ vỡ của bát đĩa, gậy gọc, là những lời mắng nhiếc, chửi rủa. Sống trong môi trường bạo lực, việc các em bị tổn thương về thể xác là điều sớm hay muộn mà thôi. Thế nhưng sự giày vò về tâm hồn mới đáng sợ.

Phụ nữ bị chồng bạo hành cho biết, con cái họ từ 5-15 tuổi thường có các vấn đề về hành vi, dễ bị sang chấn tâm lý. Đó là nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ nổi loạn, dẫn đến phạm tội và sa vào lao lý. Đặc biệt, những người chồng bạo hành rất có thể đã chứng kiến mẹ bị cha đánh đập hoặc chính mình bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu có thể khiến bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình mang đến những hệ lụy to lớn không thể đong đếm. Vì mình, vì con mình, không bao giờ là quá muộn, phụ nữ hãy phá bỏ sự im lặng! Đứng lên nói tiếng nói của mình, mạnh mẽ đấu tranh đưa bản thân và các con thoát khỏi “vòng lặp bạo lực” thông qua hotline 1900 9696 80 của nhãn hàng ENAT kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hãy phá bỏ ngôi nhà đầy sự đớn đau và bằng khát khao được sống hạnh phúc, phụ nữ hãy xây lên căn nhà mới mà nơi đó sẽ chỉ có tiếng cười và ngập tràn tình yêu thương.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem