Địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn cán bộ Hội Nông dân Việt Nam

Thu Hà Thứ tư, ngày 22/11/2017 11:30 AM (GMT+7)
Sau 20 năm thành lập (3.12.1997-3.12.2017), Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã là địa chỉ tin cậy trong việc trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Hội ND, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập quốc tế.
Bình luận 0

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, ngày 3.12.1997, T.Ư Hội NDVN đã ra Quyết định số 147/QĐ-HND thành lập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN. Được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đảng, ngày 1.11.2016, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN (khoá IV) đã ban hành Quyết định số 703 về việc thành lập Trường Cán bộ Hội NDVN (trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ).

Ôn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, trao đổi với Báo NTNN, thạc sĩ Vũ Ngọc Bình (ảnh) - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội NDVN cho biết, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng toàn thể lãnh đạo, giảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và học viên nhà trường đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích và đã có những bước phát triển về nhiều mặt.

img

 Lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp cho lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cấp tỉnh, huyện khu vực phía Bắc.
ảnh: Thu Hà

Ông có thể chia sẻ những thành tựu của Trường Cán bộ Hội NDVN trong 20 năm hoạt động?

- Trong suốt 20 năm hoạt động, trường liên tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt trong đào tạo đội ngũ cán bộ. Năm 2007, đánh dấu bước trưởng thành của trường. Được Thường trực T.Ư Hội đồng ý, trường đã nâng cấp chương trình bồi dưỡng ngắn hạn từ 7-10 ngày lên trình độ sơ cấp. Chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ công tác hội, kỹ năng thực hành cho học viên.

Đặc biệt, ngay sau khi có Nghị quyết số 26 (Hội nghị T.Ư 7, khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trường đã tham mưu giúp Ban Thường vụ T.Ư Hội xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2012-2015” và tháng 7.2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1045 về “Phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2010-2015”.

Đây là giai đoạn nhà trường xây dựng và triển khai các phương án kế hoạch dài hạn, đồng bộ cho hệ bồi dưỡng cán bộ hội các cấp. Đồng thời mở thêm đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội ND cho cán bộ cơ sở Hội.

Theo đó, trường đã phối hợp với các ban T.Ư Hội, các nhà trường, học viện, cơ quan nghiên cứu, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, kinh nghiệm... xây dựng khung chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo.

Qua thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo của cán bộ hệ thống hội trên toàn quốc, đảm bảo tính liên thông lên các cấp học cao hơn, đảm bảo trình độ cán bộ hội các cấp đạt chuẩn theo tiêu chuẩn chức danh theo Luật Công chức…

Như vậy, lần đầu tiên, Trường Cán bộ Hội đã trực tiếp tham gia vào hệ thống giáo dục quốc dân trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Qua 5 năm thực hiện, Trường Cán bộ Hội đã mở 16 lớp bồi dưỡng 1 tháng với 1.120 học viên; 9 lớp bồi dưỡng 10 ngày với 1.351 học viên; 3 lớp bồi dưỡng giảng viên kiêm chức cho 247 cán bộ Hội ND tỉnh, thành phố và T.Ư Hội. Ngoài ra, trường còn mở 27 lớp bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở Hội thời gian 7 ngày với 2.552 học viên, theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm…

Thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của BCH T.Ư Đảng; Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 34 của BCH T.Ư Hội về 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội…”.
Thạc sĩ Vũ Ngọc Bình 

Về đào tạo, ông có thể cho biết thêm những kết quả đạt được của nhà trường trong những năm gần đây?

- Về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, từ năm 2011 - 2015, trường đã phối hợp tổ chức được 22 lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội ND với 1.621 học viên, trung bình mỗi lớp có từ 70 đến 80 học viên (vượt kế hoạch 6 lớp với trên 400 học viên tốt nghiệp).

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1045, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2045 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2016 - 2020” của T.Ư Hội NDVN. Các khóa đào tạo trung cấp ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội ND trong khuôn khổ Quyết định 1045 và 2045 đã giúp học viên sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu vào đối với Hội ND. Ngoài ra, sau khi đào tạo, một số đồng chí được cấp ủy, chính quyền giao nhiệm vụ cao hơn, bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ… ở cơ sở. 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, nhất là những cán bộ trẻ và ở vùng sâu, vùng xa như thế nào?

- Hiện nay, đội ngũ cán bộ Hội ND ở cấp cơ sở ngày càng được trẻ hóa, năng động và nhiệt tình. Những năm gần đây, cùng với đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ, chuyên môn công tác hội, trường đã chú trọng trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội ND. Theo đó, nhà trường mở khóa nghiệp vụ giảng viên kiêm chức, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng trình bày, diễn thuyết… Để đáp ứng nhiệm vụ, bên cạnh đội ngũ giảng viên của trường, trong đó 50% có trình độ thạc sĩ trường còn mời các giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo khác về giảng dạy.

Qua đào tạo, học tập, trình độ cán bộ hội các cấp được nâng cao về kiến thức, kỹ năng phương pháp công tác. Từ đó cán bộ hội đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác hội ở địa phương, cơ sở…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà trường còn gặp những khó khăn, hạn chế gì thưa ông?

- Ngoài những mặt tích cực, tiến bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường còn một số hạn chế nhất định. Đó là sự gắn kết giữa công tác đào tạo với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ còn thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy, lực lượng cán bộ, giảng viên của nhà trường còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; trình độ, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế...

Những bất cập này là thách thức đối với nhà trường trong thời gian qua và cũng là mối quan tâm của lãnh đạo T.Ư Hội và Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường để tiếp tục đưa Trường Cán bộ Hội NDVN đi lên những bước phát triển mới.

Thời gian tới, nhà trường có phương hướng, kế hoạch hoạt động như thế nào?

- Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2016 - 2020”, nhà trường tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của BCH T.Ư Đảng; Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 34 của BCH T.Ư Hội về 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội… Nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp trường lên Học viện Nông dân trong tương lai. Theo đó, nhà trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhà trường, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên lớn mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Về đầu tư xây dựng cơ bản, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng phân hiệu khu vực phía Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2019.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem