Đặc thù công việc của tài xế công nghệ khá thoải mái về thời gian: Mở app, chờ có khách sẽ nhận chuyến chạy kiếm thu nhập; còn muốn nghỉ ngơi chỉ việc tắt app. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều nơi phải giãn cách, nhiều tài xế giảm thu nhập hoặc không thể lao động kiếm tiền.
Trước thực tế này, đại diện Grab, Gojek và Be đều cho biết, công ty đang có những chính sách hỗ trợ tài xế bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19.
Một số ứng dụng đặt xe công nghệ tại Việt Nam.
Với Grab, họ đang hỗ trợ tài chính 1 triệu đồng/trường hợp nhiễm COVID-19 nhằm giúp đối tác của họ an tâm điều trị, ngoài chi phí hỗ trợ của Bộ Y tế. Grab cũng đảm bảo hạng mức và quyền lợi GrabBenefits (nơi tổng hợp các ưu đãi dành riêng cho đối tác của Grab) không bị ảnh hưởng trong thời gian đối tác tài xế của mình điều trị và phục hồi. Trường hợp phải cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng, các tài xế sẽ được Grab hỗ trợ 100.000 đồng/ngày (tối đa 14 ngày).
Còn với Gojek, từ ngày 2/6, họ đã áp dụng chương trình hỗ trợ tiền cho các tài xế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19 và hỗ trợ thu nhập cho đối tác tài xế thực hiện đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood.
Cụ thể, các đối tác siêu chiến binh Gojek (đối tác tài xế có hiệu suất trung bình 95%, số sao đánh giá trung bình đạt 4,96 trên 5 sao) sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính 200.000/ngày, tối đa 21 ngày. Áp dụng khi tài xế nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc nhận được yêu cầu cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các đối tác tài xế còn lại nhận được mức hỗ trợ 100.000 đồng/ngày nếu gặp tình huống tương tự. Ngoài ra, trong thời gian căng thẳng này của dịch bệnh, tất cả các đối tác khi thực hiện các đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood đạt hiệu suất trung bình 7 ngày từ 85% trở lên đều sẽ được hỗ trợ thêm mỗi ngày 100.000 đồng tại Hà Nội, và 150.000 đồng tại TP.HCM.
Các tài xế công nghệ đang được hỗ trợ trong dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
"Các chính sách này nhằm tạo điều kiện cho các đối tác tài xế yên tâm hơn khi duy trì hoạt động, để cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng, đồng thời đảm bảo một lượng cung tài xế hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu giao hàng và đặt đồ ăn trực tuyến ngày càng tăng của người dùng", đại diện Gojek chia sẻ.
Hiện, Gojek cũng đang miễn phí giao hàng cho người dùng khi đặt đồ ăn tại các cửa hàng là đối tác của Gojek ở TP.HCM và Hà Nội trong khuôn khổ chiến dịch "Vùng Freeship: Quán còn mở, mình còn freeship". Theo đó, Gojek sẽ miễn phí giao hàng (tối đa 15.000 đồng) cho tất cả các đơn hàng có giá trị tối thiểu 40.000 đồng tại các quán ăn, nhà hàng đang là đối tác của GoFood ở các quận Bình Thạnh, Tân Bình, quận 1, 3, 10 tại TP.HCM và các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng tại Hà Nội.
Đại diện Be thì cho biết, trong đợt lây lan dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam từ ngày 27/4, công ty đang hỗ trợ cho các tài xế trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (là F0, F1 và F2) và không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, với hạn mức lên đến 3 triệu đồng/người. Nguồn hỗ trợ này được công ty chủ động xây dựng với mục đích động viên, hỗ trợ tài xế khi phải ngưng lao động dẫn đến giảm thu nhập hàng ngày.
Be nêu rõ điều kiện để tài xế được hỗ trợ là F0 đang điều trị COVID-19 theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; F1 có quyết định cách ly y tế tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; F1 hoặc F2 có quyết định cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, tài khoản tài xế Be đang hoạt động, không bị khóa tài khoản vĩnh viễn và họ phải không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế và cơ quan chức năng tại địa phương.
Trước đó, theo thông tin trên Báo Người lao động, anh L.V.P đã chia sẻ câu chuyện "dở khóc dở cười" lên trang cá nhân Facebook của mình về việc anh cứu một nam thanh niên nhảy cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo anh P. chia sẻ, khoảng 11h ngày 29/5, khi chạy xe trên cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), anh thấy P.Đ.H (SN 1992) mặc áo của một ứng dụng gọi xe công nghệ leo lên lan can cầu Bình Triệu. Thoạt nhìn, anh nghĩ người này leo lên để lấy tổ chim nên không quan tâm. Nhưng chỉ 3 giây sau, thanh niên đó đã nhảy xuống sông Sài Gòn.
"Nhớ ra gần đó có chú Ba Chúc, người chuyên vớt xác. Mình bỏ lại xe máy, chạy xuống chân cầu, gọi điện thoại cho chú Ba kéo máy ghe ra cứu. Khi anh này vừa chìm nghỉm là lúc chú Ba kịp túm tóc lôi vào bờ. Sơ cứu xong, hai chú cháu đang lu bu gọi công an phường ra thì anh này tiếp tục ý định nhảy xuống sông lần thứ 2. May kịp níu chân lại. Chú Ba dặn dò mình phải ôm chờ công an ra", anh P. kể lại.
Khi bình tâm trở lại, anh H. mới kể nhà anh ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Do dịch COVID-19, anh đã thất nghiệp hai năm nay. Trong lúc tâm lý bất ổn, anh đã nghĩ quẩn nhưng rất may được mọi người cứu. Sau đó, anh H. đã được Công an phường 26, quận Bình Thạnh đưa về làm việc.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.