Dịch Covid-19 tiềm ẩn trong cộng đồng: Cảnh giác nguy cơ F5 thành F0

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 11/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
TP.HCM đã phát hiện F5 nhiễm Covid-19, điều chưa từng xảy ra trong các đợt dịch trước. Nhiều tỉnh đã có ca lây nhiễm cộng đồng, vất vả trong việc truy vết. Nếu người dân mất cảnh giác, không áp dụng các biện pháp phòng dịch thì rất có thể trở thành F0.
Bình luận 0

Dịch lây lan mạnh

TP.HCM đã ghi nhận F5 mắc Covid-19, liên quan đến chuỗi lây nhiễm thuộc ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng. Dù F5 này đã được cách ly từ trước, tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại về "độ mạnh" của virus biến chủng mới. Ngoài ra, từ 1 F0 cũng đã có 29 ca Covid-19 khác có liên quan, đây là mức độ lây lan lớn. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân (BN) 6288, hội viên Hội truyền giáo Phục Hưng, lây cho 5 F1, 5 người này lây cho 19 người khác (F2), 3 F3, 1 F4.

Còn ca F1 (BN6770), hội viên hội truyền giáo, đã lây cho đồng nghiệp (F2), người đồng nghiệp lây cho em gái (F3), em gái lây cho đồng nghiệp là 1 thai phụ (F4), thai phụ này lây cho chồng và con (F5).

Dịch Covid-19 tiềm ẩn trong cộng đồng: Cảnh giác nguy cơ F5  thành F0 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm, truy vết xuyên đêm tại khu dân cư Nam Long (quận Bình Tân, TP.HCM). Ảnh: HCDC

"Người dân luôn thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K để phòng dịch, đồng thời theo dõi sức khỏe, nắm rõ lịch trình của mình. Nếu ai bị mắc bệnh về đường hô hấp thì nên đi đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán Covid-19 để được khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt những người mắc bệnh hô hấp mà ở trong vùng có dịch hoặc đi từ vùng có dịch về thì càng cần khai báo y tế ngay".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Hiện, 40 trong số 55 thành viên nhóm truyền giáo mắc Covid-19. Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ, có chuỗi lây nhiễm ghi nhận vòng lây 4-5 chu kỳ (tức F4, F5 thành F0). Từ ngày 18/5 đến trưa 10/6, TP.HCM ghi nhận ca 542 Covid-19 cộng đồng, đứng thứ 3 (sau Bắc Giang, Bắc Ninh) cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này, phần lớn các ca liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng.

Lý giải về sự việc "chưa từng có" F5 cũng mắc Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đó là vì ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết nên sự truy vết chậm hơn sự lây lan của virus. Biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây cho người khác vì thế F0 ở ngoài càng lâu càng lây cho nhiều F1, F1 lại lây F2, rồi lây đến F3, F4, F5...

Ngoài TP.HCM, dịch Covid-19 tại Hà Nội, Hà Tĩnh cũng đang diễn biến phức tạp. Sáng 10/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội xác nhận, từ đêm ngày 9/6 đến sáng ngày 10/6 đã xuất hiện thêm 4 ca Covid-19 liên quan tới ổ dịch tại chợ Cửa hàng mới, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, nâng tổng số ca bệnh tại ổ dịch này lên 10 trường hợp. Trong đó có 4 ca Covid-19 mới đều là trẻ em (3-15 tuổi), trong đó có 3 F2 và 1 F1 là con của các bệnh nhân được ghi nhận mắc Covid-19 trước đó.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch sáng 10/6, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, một số ca Covid-19 ở ổ dịch này là những tiểu thương bán hàng nên có nhiều người liên quan. Chùm ca bệnh tại Đông Anh có ca chỉ điểm từ 1 người phụ nữ bán rau tại chợ Cửa hàng mới, không xác định được nguồn lây.

Nâng cao biện pháp phòng dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (ảnh) - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích: "Trường hợp Covid-19 lây nhiễm đến vòng 5 mới phát hiện ổ dịch muộn, kéo theo sự truy vết xa hơn so với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh. Vì vậy, F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 là điều có thể xảy ra".

img

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng nhận định, khi nói đến đối tượng F5 của Covid-19 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19 và tìm các mối liên hệ, tiếp xúc bằng cách truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Khi F5 dương tính thì F4, F3, F2, F1 đã dương tính do tiếp xúc với một ca mắc Covid-19 (F0) trước đó.

Nếu F5 thành F0 ở trong khu phong tỏa, cách ly thì không đáng lo. Việc cần làm lúc này là những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, những người đã đến khu phong tỏa nên tự đánh giá thời gian mình đến có nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không, vì lây nhiễm đến F5 thì sự hiện diện của virus đã đủ lâu. Để chặn đứng sự lây nhiễm, người dân nên khai báo y tế trung thực.

Bác sĩ Khanh khuyên người dân cần bình tĩnh thực hiện hướng dẫn phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế, không nên suy diễn, sợ hãi đi lại lung tung vì như vậy sẽ làm cho công tác phòng dịch trở nên phức tạp hơn.

Bạch Dương

Cùng đó, ổ dịch tại TP. Hà Tĩnh đến sáng 10/6 cũng đã có đến 16 ca Covid-19. Chùm ca bệnh tại TP.Hà Tĩnh xảy ra khi 2 người dân (thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung) đã vào Bình Dương chơi, tiếp xúc với 1 người cháu từ Hà Nội vào (người cháu sau này xác định mắc Covid-19). Sau đó, khi về Hà Tĩnh, 2 người này không cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc mà đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Hậu quả là dịch bùng phát khiến TP. Hà Tĩnh phải cách ly y tế từ ngày 8/6.

Người dân cần hợp tác hơn

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được các ổ dịch lớn.

Tuy nhiên, đáng nói hiện nay là mầm bệnh đang lẩn khuất trong cộng đồng chưa diệt ngay được. Nhiều ca bệnh được ghi nhận qua các bệnh viện mà không rõ nguồn lây. Do đó, người dân tuyệt đối phải thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K, ủng hộ tiêm vaccine Covid-19 khi có cơ hội. Ông Phu cũng cho biết, thời gian qua nhiều ca Covid-19 đã được phát hiện tại bệnh viện, khi bệnh nhân đến khám các chứng viêm đường hô hấp. Do đó, các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao cảnh giác khi có người dân đến khám ho sốt, mỏi mệt".

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng nhận định đợt dịch Covid-19 lần này có tính chất lây nhanh, lan rộng và trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm. Theo đó, đợt dịch này nguy hiểm hơn và phức tạp hơn các đợt dịch trước vì khi phát hiện dịch đã âm thầm lây lan trước đó. Bên cạnh đó, biến chủng gây bệnh lại là biến chủng B.1.617.2 với chu kỳ lây nhiễm ngắn 2-3 ngày, có trường hợp sau phơi nhiễm 3 ngày thì đã có thể lây bệnh cho người khác.

Do đó, khi phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng thì các trường hợp lây nhiễm từ chu kỳ thứ 3. Trong quá trình truy đuổi, phát hiện thêm các trường hợp thuộc chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thậm chí là thứ 5 của virus. Bài toán được đặt ra là phải tìm cách bắt kịp tốc độ lây của virus và chặn kịp những vòng lây nhiễm tiếp theo.

Theo đại diện HCDC, trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm, chìa khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, các tiếp xúc gần của F1 là F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng để có bằng chứng truy vết tiếp.

Trên thực tế, điều này gặp một số khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ để sót các F1. Từ đó, không thể truy vết kịp các F2 trong khi do tốc độ lây nhanh các F2 đã có thể lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ 3 và tiếp tục chu kỳ lây nhiễm. Các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thứ 5 chủ yếu là các tiếp xúc tại nơi làm việc, tại nơi cư trú.

"Để nhanh hơn virus, chặt đứt các chu kỳ lây nhiễm tiếp theo bên cạnh nỗ lực của hệ thống phòng chống dịch trong truy vết, chúng ta cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố thì chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh thì mới khai báo vì có thể chúng ta đã kịp chuyển virus qua người khác cho một chu kỳ mới"- đại diện HCDC cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem