Trong tháng 3, Hội Nông dân cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp Phòng NNPTNT huyện, Trạm Thú y huyện, các doanh nghiệp tổ chức 135 lớp tập huấn về: Diến biến, tình hình bệnh DTLCP và các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch; Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 6.750 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
Đại biểu dự hội nghị tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu phi do Hội ND tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Ảnh: Nguyễn Hương
Qua các buổi tập huấn, cán bộ, hội viên nông dân đã hiểu được, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ xuất hiện trên loài lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác và không lây sang người. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh và có thể lây lan gián tiếp qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ, quần áo có chứa chất mang virus.
Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị DTLCP, vì vậy giải pháp chính là phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ phạm vi nhỏ và chưa lây lan ra diện rộng. Khi phát hiện lợn có triệu chứng của DTLCP, người dân, cơ sở chăn nuôi cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, kiểm soát không để dịch lây lan trên diện rộng.
Đặc biệt đối với các vùng có dịch đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân trong vùng dịch; tiến hành rắc vôi bột và phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi mỗi ngày 3 lần. Khi phát hiện lợn ốm hoặc chết phải báo ngay cho lực lượng chức năng để xử lý. Đồng thời, các hộ dân trong vùng có dịch tạm ngừng việc giết mổ, buôn bán lợn và các chế phẩm từ lợn...
Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, chủ tịch Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến tất cả các cơ sở chăn nuôi lợn, góp phần cung cấp thông tin để người dân chủ động phối hợp phòng chống dịch bệnh và các chủ cơ sở chăn nuôi, giết mổ lợn thực hiện nghiêm “5 không” theo quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, lợn chết; không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.