Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, ngay từ cuối tháng 8 bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra ở khá nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thuộc các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Nam Đàn, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Quế Phong… Tính đến nay, toàn tỉnh có 35 xã có dịch.
Dịch tả lợn Châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát tại một số địa phương
Tại Cao Bằng, dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 24/4/2020. Sau hơn 3 tháng phát hiện, đến nay, dịch bệnh lây lan tại 829 hộ thuộc 210 thôn xóm, 73 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, làm mắc và buộc tiêu hủy 3.284 con lợn với tổng trọng lượng trên 171.000kg. Chỉ tính riêng từ ngày 3/8 đến ngày 9/8/2020, dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại các địa phương với tổng số lợn mắc buộc tiêu hủy trong tuần gần 400 con, chủ yếu là lợn nái, lợn đực giống và lợn thịt. Các huyện bùng phát dịch cao gồm: Thành phố với 431 con lợn bị tiêu hủy; Hạ Lang 566 con; Thạch An 536 con; Nguyên Bình 197 con; Bảo Lạc 166 con; Quảng Hòa 166 con. Đáng lo ngại hơn, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác kiểm soát đang gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, tại Ninh Bình, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở thị trấn Yên Thịnh, các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Hưng, Yên Đồng của huyện Yên Mô và xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn. Chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy trên 330 con lợn với tổng trọng lượng trên 29 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh tái phát, lây lan sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường. Nhiều chuồng trại bỏ không, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người nông dân.
Nhiều hộ gia đình tạm treo chuồng đề phòng thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh
Ông Phạm Bá Thắng, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh lây lan phức tạp tại các địa phương, nhiều hộ chăn nuôi với số lượng lớn tại xã Ngọc Lũ đang tạm nghỉ “treo chuồng” để chờ qua đỉnh điểm của đợt dịch.
“Hiện miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, không chỉ riêng dịch tả lợn Châu Phi mà các bệnh dịch khác cũng nhiều. Hơn nữa, giá lợn thương phẩm trong nước thời điểm này cũng rẻ (giá lợn xuất tại cửa chuồng hiện dao động ở mức 70 - 71.000 đồng/kg) nên để an toàn, nhiều hộ chủ động tạm ngừng chăn nuôi” – ông Thắng cho hay.
Theo bà Đào Thị Hiền, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Ngọc Lũ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung lợn hơi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa phương lân cận không còn nhiều.
“Công tác khử khuẩn không đảm bảo, nguồn lợn giống không được kiểm soát tiêm phòng nghiêm ngặt nên lợn giống trôi nổi trên thị trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều hộ muốn tái đàn nhưng nuôi đến đâu chết đến đó.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng đầu lợn tái đàn tại địa phương giảm đi đáng kể, tại các công ty thức ăn chăn nuôi thống kê cho thấy sản lượng sụt giảm khá nhiều” – bà Hiền nói thêm.
Dịch bệnh lây lan khiến cho nhiều địa phương gặp khó khăn trong ứng phó, kiểm soát địa bàn. Hiện, chính quyền các địa phương đang nỗ lực trong việc xử lý, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, hiện thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, xử lý các trường hợp vi phạm... Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
Ông Ngô Đức Quỳnh, dự báo trong thời gian tới dịch sẽ bùng phát mạnh hơn. Để phòng dịch, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ vaccine, chăn nuôi an toàn sinh học, khi có lợn ốm không được bán, không sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.