Bốn năm trước, bác sỹ trị liệu Clay Cockrell ở quận Manhattan (New York) gặp một bệnh nhân với một rắc rối bất thường. Một cậu sinh viên đại học năm cuối 21 tuổi nói với ông rằng cậu vừa nhận được một tin dữ. “Cậu ấy có vẻ sợ hãi,” Cockrell nhớ lại. “Thực sự rất sợ hãi. Cậu ấy không chắc cậu ấy có thể tin tôi, nên những buổi trị liệu đầu tiên, chúng tôi chỉ nói chung chung về cuộc sống của cậu ấy.”
Cậu thanh niên ấy đã từng học ở trường công, làm công việc canh bể bơi và quản trại xuyên các mùa hè và lái một chiếc xe Toyota cũ kỹ. Một năm trước đó, chàng trai trẻ đã từng vật lộn với suy nghĩ mình sẽ làm công việc gì sau khi tốt nghiệp đại học.
Vậy mà, vào ngày sinh nhật lần thứ 21, cha cậu ấy, một doanh nhân, gọi chàng trai trẻ vào văn phòng của ông và thả một quả bom vào cuộc đời cậu. Cockrell kể, “Người bố nói với cậu con trai, ‘Ta đã giấu con một điều: Gia đình ta thực ra tương đối khá giả'. Gia đình đó hóa ra sở hữu một tập đoàn đa quốc gia.
Ảnh minh họa
Đối với nhiều người, biết rằng mình là người thừa kế của một ngai vàng thường là một tin vui. Nhưng thay vì ăn mừng sự giàu có vừa khám phá ra của mình, bệnh nhân này lại cảm thấy giận giữ và bối rối.
“Cậu ấy không có sự chuẩn bị về mặt tâm lý – mà bình thường cũng không ai chuẩn bị cả,” Cockrell nói. “Cậu ấy không biết tin ai và cũng không muốn bạn bè nghĩ cậu ấy đột nhiên trở thành 1 người khác nên đã không kể cho ai biết.
Sau đó bốn năm, người bệnh nhân vẫn tiếp tục chiến đấu với cuộc khủng hoảng về danh tính trong khi được đào tạo để trở thành nhà quản lý trong công ty của bố cậu sau này. “Trong lúc bốc đồng cậu ấy đã mua 1 chiếc xe rất đắt tiền, nhưng lại không muốn bị ai nhìn thấy,” Cockrell nói.
“Có thực sự là người ta quý tôi vì bản thân tôi hay vì sự giàu có của tôi? Tôi có thể tin ai?”
Thật khó có thể đồng cảm với những phiền não về sự giàu có – đặc biệt khi sự bất bình đẳng về thu nhập tăng mạnh trên toàn thế giới. Ở Mỹ, 1 phần 10 của tốp 1% (người giàu nhất) sở hữu khối tài sản tương đương của nhóm 90% người còn lại, theo Viện Nghiên cứu Chính Sách (Institute for Policy Studies).
Nhưng không phải bạn có thể đốt những tờ 100 USD chỉ để giữ ấm cho căn nhà sẽ đồng nghĩa với việc bạn sẽ cảm thấy bình yên hoặc được miễn nhiễm với sự phỉ báng từ những nhà biểu tình phố Wall hay chính trị gia Bernie Sanders.
Cảm giác lo âu của việc cân bằng khoảng cách giàu nghèo – cộng với những bất an về việc tiền có thể làm thay đổi con người và ảnh hưởng đến các mối quan hệ, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính – giúp ta có thể hình dung được vì sao những người giàu có lại đang bí mật tìm đến các nhà tâm lý để giãi bày về những vấn đề của Thế giới thứ Nhất (First World problems) và tại sao các nhà băng lại đang kết hợp dịch vụ tâm lý trị liệu cho người giàu cho các gia đình có tài sản kếch xù.
Thực tế mà nói, các dịch vụ tâm lý này không hề rẻ. Các nhà tư vấn trị liệu cho những người siêu giàu có thể tính phí đến 500 USD cho một giờ tư vấn về những chủ đề mà bình thường được coi là cấm kỵ.
“Khoảng sau 20 phút đầu của buổi trị liệu đầu tiên, các bệnh nhân – thường là những người thừa kế - sẽ nói, ‘Thật hạnh phúc khi tôi đã tìm thấy ông/bà, tôi không có ai khác để bàn về những vấn đề này”, bà Jamie Traeger-Muney, nhà sáng lập của Wealth Legacy Group, 1 công ty có trụ sở tại San Francisco và Israel chuyên về “giải quyết tác động cảm xúc của sự giàu có đối với các cá nhân, các cặp vợ chồng và gia đình”, nói.
Khoảng hơn 1 tá các nhà tâm lý học và huấn luyện viên cho người giàu đã liên hệ với bà và mong muốn sẽ được đào tạo về trị liệu cho người giàu trong vòng 1 năm qua, cao hơn so với nửa thập kỷ trước khi bà chỉ có 1 đến 2 yêu cầu mỗi năm.
Cockrell, người được bệnh nhân trả đến 450 USD một giờ, thực ra chỉ tình cờ bước chân vào lĩnh vực này. Năm 2005, Cockrell bắt đầu 1 dịch vụ mà ông gọi là Phương pháp trị liệu Vừa đi vừa nói, mà thực chất là những buổi trị liệu ông thực hiện cùng bênh nhân khi họ đi dạo lang thang trong Central Park, công viên cây xanh ở trung tâm thành phố New York.
Bị hấp dẫn bởi dịch vụ mới lạ này, một người giàu có đã đăng ký làm bệnh nhân của ông và truyền tiếng tốt. “Tất cả những người đó đều quen biết nhau,” Cockrell nói. Khoảng 25% khách hàng của ông là người giàu có.
“Tôi bị cuốn hút bởi những người quyền lực, những gì đã làm cho họ trở nên như vậy,” ông nói. “Tất cả họ đều khác nhau, chắc chắn rồi, nhưng họ đều có một thứ quyền lực ngầm nào đó – có lẽ vì họ biết rằng rồi cuối cùng họ cũng sẽ ổn.”
Tiền bạc có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Nhưng đi kèm với đó là trầm cảm, lo âu, các vấn đề về tâm thần, tự hành hạ bản thân và thậm chí là những hành động kỳ cục. Tỷ phú bất động sản New York Leona Helmsley đã để lại khối tài sản 12 triệu USD cho con chó của bà, và không một đồng nào cho 2 người cháu.
Chính vì thế mà đa phần các trị liệu tâm lý cho người giàu đều hướng tới việc cải thiện sự giao tiếp trong gia đình để bảo vệ chính những khối tài sản chung.
Từ năm 2007, Wells Fargo và 4 ngân hàng khác đã bắt đầu nhờ tới các nhà tâm lý trị liệu để giúp các ông bố bà mẹ giàu có giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình xuất phát từ tính cách “thích chỉ huy và kiểm soát kiểu CEO”. Những chiến thuật đó hiệu quả khi kinh doanh những sẽ trở nên tệ hại trong bối cảnh gia đình.
Wells Fargo còn có 1 nhóm bao gồm 5 tiến sỹ sử học, những người sẽ cố gắng làm cho các gia đình trân trọng những gì đã tạo nên khối tài sản của họ. Chăm chỉ và kiên trì là những tính cách sẽ được di truyền, nhưng đến thế hệ thứ 3 – thời điểm quan trọng quyết định sự giàu có sẽ được tiếp tục duy trì hay không – sẽ xuất hiện những người tỏ ra tiêu cực với sự giàu sang. Việc cho thế hệ này hiểu rằng cái gì tạo nên sự giàu sang đó, cái gì làm nên, và đôi khi làm mất đi của cải, là rất quan trọng.
Khi mà lý lẽ và những bài học lịch sử không thể làm thay đổi thái độ, thì sự thẳng thắn lại có thể. Traeger-Muney – chuyên gia đến từ công ty tư vấn tài chính cá nhân Wealth Legacy - đồng tình rằng cần thiết có một cuộc nói chuyện thẳng thắn về sự ảnh hưởng của giàu có đối với mặt cảm xúc.
Theo bà, rất nhiều người thừa kế phải chịu đựng “cơn sốt trưởng giả” khi bất ngờ nhận được 1 khoản tiền lớn. Những người khác thì lại bị hội chứng luôn băn khoăn rằng có thực sự là mọi người thích mình vì mình hay vì sự giàu có của mình? Mình có thể tin tưởng ai?
Vào tháng 12, bà Traeger-Muney giải quyết một phần các vấn đề này ở một hội thảo tại thành phố San Francisco với đồng nghiệp của mình là bà Emily Bouchard. Bảy học viên ngồi trên 1 chiếc ghế đi văng trắng với họa tiết hình hoa ở tay vịn trong 1 căn hộ ở khu nhà giàu Pacific Heights. Từng người trong số họ trả 475 USD để dành 1 ngày học cách làm thế nào để nói về tiền.
“Chúng ta sẽ bắt đầu với 1 bài tập chánh niệm,” bà Bouchard nói với nhóm học viên. “Tất cả mọi người hãy nhắm mắt lại.”
Sau đó, nhóm này làm 1 bài kiểm tra để xem mình là hiện thân gần nhất của 1 trong 8 nhóm hình mẫu tiền bạc nào và điều này ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ của họ. Nhóm Bạo chúa, Bouchard nói, sử dụng tiền bạc để điều khiển mọi người nhưng lại thường coi mình là các liệt sỹ bị đánh giá thấp.
Loại sáng tạo/nghệ sỹ thì lại yêu thích tiền bạc vì sự tự do mà nó mang lại nhưng ghét bị cuốn vào cuộc đua vật chất khốc liệt. Chúng ta đã từng thấy rất nhiều bạo chúa trong các gia đình giàu có”, Bouchard nói. “Nhưng vì ngày càng có nhiều người trong giới công nghệ trở nên giàu có, chúng ta lại ngày một thấy nhiều nghệ sỹ hơn.”
Sau khi xác định được hình mẫu (khái niệm này được phát minh bởi Deborah Price, tác giả của cuốn Ma thuật Tiền bạc (Money Magic) ), mỗi học viên vẽ 1 cây gia đình và dán mác cho họ hàng của mình: Có cả những người vô tội, những người ngớ ngẩn, và cả những chiến binh nữa.
Không ai tỏ ra bị hành hạ bởi sự giàu có trong suốt buổi học. David Fox, một doanh nhân thành đạt nói ông đăng ký khóa học này để thu thập thông tin cho một công cụ trực tuyến mà ông đang xây dựng để giúp các chủ doanh nghiệp quản lý được các khía cạnh cá nhân khi bán công ty. Nhưng buổi học ngày hôm đó cũng đã giúp chính bản thân ông.
Ông Fox, 56 tuổi, rời khỏi nước Úc tới thành phố San Francisco vào những năm 90 sau khi bán công ty đầu tiên của mình với giá hàng trăm triệu USD. Ông đã mất một vài khoản trong số đó qua những thương vụ đầu tư rủi ro.
“Hội thảo đó giúp tôi hiểu rằng những đặc tính ngốc nghếch của mình có thể giúp tôi kiếm tiền nhưng không nhất thiết giúp tôi giữ tiền,” ông nói. “Tiền bạc thường có xu hướng phóng đại sự bất an và những nỗi sợ hãi – tự dưng bản cảm thấy mình có quá nhiều thứ để mất.”
Phương Mai (Trí thức trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.