Dịch vụ thu chi qua bưu điện: Cần có nhiều cách thu hút người dân

Diệu Linh - Trần Phượng Thứ sáu, ngày 03/10/2014 07:33 AM (GMT+7)
Với mong muốn người dân nông thôn tiếp cận tốt hơn với BHYT, BHXH tự nguyện, từ 1.10 ngành bưu điện thực hiện triển khai thu 2 loại phí này ở bưu điện, song song với việc chi trả lương hưu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân chưa mặn mà với dịch vụ này.
Bình luận 0

Người dân chưa biết dịch vụ

Dịch vụ triển khai đại trà từ 1.10 nhưng trước đó Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm thu BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện qua hệ thống bưu điện trong thời gian 6 tháng tại 15 tỉnh. Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 30.6, tổng số người tham gia tăng lên đáng kể. Cụ thể: BHXH tự nguyện tăng 8.341 người, BHYT tự nguyện tăng 110.121 người, trong đó hệ thống bưu điện đã phát triển mới được 5.497 người tham gia BHXH tự nguyện, 94.144 người tham gia BHYT tự nguyện, số còn lại do đại lý thu xã phát triển.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cần Thơ lại cung cấp thông tin ngược lại. Kế hoạch phát triển người tham gia BHYT tự nguyện năm 2014 cho hệ thống đại lý thu bưu điện của TP này là 41.200 người nhưng đến 31.8 mới đạt 7.287 người, so với kế hoạch đạt 17,6%. Nguyên nhân là đời sống người dân còn khó khăn, việc bỏ ra hơn 600.000 đồng/năm để mua BHYT, BHXH vẫn cần phải cân nhắc. Đa số người dân vẫn có thói quen mắc bệnh mới đi mua thẻ BHYT. Trong khi nhân viên bưu điện không có chức năng đi vận động mua BHYT, BHXH tự nguyện mà chỉ thực hiện việc thu phí nên người dân không biết tới dịch vụ.

“Người dân rất muốn mua nhưng chưa có điều kiện mua, không biết tới dịch vụ chứ không hẳn là do phương thức thu tiền nên cho dù hệ thống thu tiền đã ăn chân rết tới tận xã thì người dân vẫn không mua BHYT, BHXH” – bà Phương cho biết. Ngoài ra, việc chi 4% số tiền thu được để hỗ trợ đội ngũ thu phí BHXH, BHYT của bưu điện không nhiều, lại chia năm xẻ bảy nên cũng chưa động viên tích cực được người thu.

“VNPT đang xây dựng chính sách mua thẻ BHYT, BHXH miễn phí cho đội ngũ đi thu tiền, tôi nghĩ đây là biện pháp tích cực nhằm động viên họ nỗ lực hơn trong việc vận động người dân tham gia mua thẻ BHYT, BHXH” – bà Phương cho biết. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT của Cần Thơ mới đạt 56%, giảm so với năm 2013 gần 20.000 người.

Nhiều dịch vụ gây quá tải

Tại Hải Phòng, một trong những tỉnh làm thí điểm dịch vụ này thì hiện bưu điện gần như một phòng chi trả chính sách bởi thực hiện cả thu BHYT, BHXH tự nguyện và chi trả lương hưu

Từ tháng 4. 2014, ngành bưu điện Hải Phòng đã thực hiện chi trả lương cho gần 782.000 lượt người, với tổng số tiền 2.134 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 98,9% về số người và 99% về số tiền so với số phải trả), quản lý gần 49.000 lượt người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân bằng thẻ ATM. Các cá nhân mua BHYT, BHXH cũng đã bắt đầu “lục tục” tới xã mua thẻ, thay vì phải lên các điểm “một cửa” ở huyện như trước.

Theo ông Phạm Thanh Quang- Giám đốc Bưu điện huyện An Lão, thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, nguồn nhân lực của bưu điện huyện được huy động gần như hết vào những ngày chi trả lương để phục vụ một cách nhanh chóng, chính xác nhất tới người thụ hưởng. Đặc biệt, với người già yếu, ốm đau, nằm viện ... bưu điện huyện thực hiện chi trả tại nhà.

Tuy nhiên, việc tổ chức chi trả cũng có nhiều vấn đề nổi cộm. Điển hình, tại một số địa bàn quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, nhân viên bảo vệ thu tiền gửi xe của người tới nhận lương hưu và mua BHYT, BHXH là không đúng quy tắc. Số lượng người nhận lương hưu lớn mà một số điểm chi trả rất chật chội, nóng bức, làm ảnh hưởng đến tiến độ chi trả, người dân phải chờ đợi lâu.

Đáng chú ý, do bưu điện chưa phối hợp với tư pháp các phường (xã) rà soát những người hưởng đã chết sau kỳ chi trả lương hàng tháng dẫn đến chưa kịp thời dừng in danh sách chi trả hàng tháng. Vì thế, tại các quận Ngô Quyền, Lê Chân… một số người hưởng lương hưu đã chết tháng trước nhưng bưu điện vẫn tiếp tục chi trả lương vào những tháng sau đó. Với những người mua BHYT, BHXH tự nguyện thì những ngày chi trả lương hưu của bưu điện là những ngày họ không thể đến để giao dịch, vì thế cũng gây sự ngán ngại đối với người dân.

15 tỉnh, thành phố đã thực hiện thí điểm thu BHYT, BHXH tự nguyện gồm: Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai. Kết quả có hơn 94.000 người tham gia BHYT tự nguyện, phí thu đạt 55 tỷ đồng và gần 5.500 người tham gia BHXH tự nguyện phí thu đạt trên 6 tỷ đồng.
Nông dân dài cổ chờ hỗ trợ bảo hiểm y tế

Thông tin này được đề cập đến tại Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 2.10. Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt hơn 70% dân số nhưng tỷ lệ nông dân mua BHYT còn thấp. Theo chính sách nhóm nông, lâm, ngư, diêm dân sẽ được kinh phí hỗ trợ 30% tiền mua thẻ BHYT từ năm 2012. Bộ Tài chính đã có dự toán bố trí ngân sách. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn “dài cổ” chờ đợi vì Bộ LĐTBXH vẫn chưa ra được tiêu chí “thế nào là nông dân, ngư dân, diêm dân”. 

Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2014 số người tham gia BHXH, BHYT đạt khoảng 64,3 triệu người, số thu tăng nhanh qua các năm. Tuy nhiên tình trạng trốn đóng và nợ BHXH, BHYT vẫn xảy ra. Đến hết tháng 8.2014 số nợ BHXH, BHYT là hơn 11.561 tỷ đồng (chiếm 6,5% tổng số phải thu)...

Tuấn Kiệt

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem