Dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội được người dân sử dụng gần 1.150 lượt/ngày

Ngọc Huyền Chủ nhật, ngày 16/06/2024 10:10 AM (GMT+7)
Dù chỉ đang ở mức thí điểm nhưng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội đã ghi nhận hơn 315.000 lượt thuê xe đạp từ tháng 8/2023 đến nay, trung bình gần 1.150 chuyến/ngày.
Bình luận 0

Tiếp tục thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng

Dịch vụ xe đạp công cộng khai trương từ tháng 8/2023 đến nay. Trong giai đoạn thí điểm tại Hà Nội, xe đạp công cộng được triển khai tại 79 điểm trạm trên địa bàn 6 quận, gồm: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân với 1.000 phương tiện.

Theo đó, các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Theo tin từ Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), sau gần một năm triển khai dịch vụ, công ty thống kê được lượng khách hàng thường xuyên sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%.

Dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội được người dân sử dụng gần 1.150 lượt/ngày - Ảnh 1.

Xe đạp công cộng được nhiều người dân trải nghiệm, đón nhận.

Khách thuê xe đạp chủ yếu trong khoảng thời gian từ 6 – 9h và 18 – 21h. Lượng khách thuê xe vào cuối tuần cao hơn 1,6 lần so với ngày thường. 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 – 40, trong đó, 18 – 22 tuổi chiếm 31% và 22 – 40 tuổi chiếm 49%. 

Đặc biệt, tổng lượt thuê xe đạp trong thời gian qua là hơn 315.000 lượt, trung bình gần 1.150 chuyến/ngày.

Chủ tịch Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam cho biết, nhiều khách hàng phản hồi về công ty đề nghị mở thêm trạm tại các khu vực lân cận như Cầu Giấy, Hà Đông và các trường đại học trên địa bàn.

Hiện tại, Trí Nam tiếp tục khảo sát trước khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền và đang nghiên cứu mở rộng khoảng 2.000 xe ngay trong năm 2024. Các xe sẽ được bố trí chủ yếu tại khu vực các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, nơi có mật độ dân số cao. Trước đó, đơn vị sẽ cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá về hiệu quả mô hình trước khi xem xét việc nhân rộng tới các khu vực khác.

Dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội được người dân sử dụng gần 1.150 lượt/ngày - Ảnh 3.

Số lượt thuê xe tại các điểm di tích, du lịch nổi tiếng nhiều hơn hẳn so với các trạm khác.

Xe đạp công cộng sau một năm mới ở mức trải nghiệm

Xe đạp công cộng xuất hiện như một giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh – sạch – đẹp. Đây cũng là mục tiêu của đề án triển khai dịch vụ này. Sau một năm thí điểm, người dân đã phần nào làm quen với phương tiện công cộng này.

Xe đạp công cộng được thiết kế đơn giản với khung xe bằng sắt chắc, có kèm kẹp ở giữa tay lái để kẹp điện thoại phòng trường hợp khách cần xem bản đồ hoặc nghe nhạc. Xe có thể điều chỉnh độ cao thấp của yên một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Người dân muốn thuê xe có thể mua vé ngày, vé tháng với mức giá 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện. Nhìn chung, phương tiện công cộng được thiết kế tiện lợi, thân thiện và đáp ứng nhu cầu cơ bản của người sử dụng.

Dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội được người dân sử dụng gần 1.150 lượt/ngày - Ảnh 4.

Nhiều trạm xe đạp chịu cảnh "ế ẩm" sau một năm thí điểm.

Chị Nguyễn Hà Thanh (24 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã biết cách sử dụng thành thạo xe đạp công cộng. Tôi thường thuê xe này khi muốn đi chợ hoặc dạo phố với khoảng cách không quá xa. Trong một năm, tôi thuê xe khoảng dưới 10 lần, chủ yếu là đi dạo".

Ghi nhận tại trạm xe đạp công cộng tại một số điểm trên đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, vào những ngày thời tiết mát mẻ, số lượng xe đạp còn tại trạm không nhiều.

"Tôi nghĩ các trạm xe đạp trên cùng một tuyến đường thẳng sẽ được người dân sử dụng thường xuyên hơn bởi có thể dễ dàng thuê và trả xe. Các trạm xe gần điểm du lịch cũng sẽ đắt khách hơn. Trong một năm qua, tôi ít khi sử dụng phương tiện này do không có trạm dừng, trả xe gần nhà", chị Phùng Khánh Linh (làm việc tại Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.

Dịch vụ xe đạp công cộng Hà Nội được người dân sử dụng gần 1.150 lượt/ngày - Ảnh 5.

Việc sử dụng điện thoại thông minh để tải ứng dụng thuê xe cũng khiến nhiều người dân ngần ngại.

Nhiều người dân cho biết mục đích sử dụng xe đạp công cộng đa phần là trải nghiệm, đi dạo. Nếu muốn rèn luyện sức khỏe hay sử dụng làm phương tiện di chuyển hàng ngày để đi làm, đi học sẽ gặp nhiều bất tiện bởi các trạm dừng, trả xe không phủ kín.

Bên cạnh đó, xe đạp công cộng phải cạnh tranh với các loại phương tiện công cộng khác như xe buýt, tàu Cát Linh – Hà Đông. Trong khi các loại vé ngày, vé tháng của loại hình xe buýt, tàu trên cao cũng không quá đắt.

Anh Cao Văn Thuần (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nghĩ xe đạp công cộng chỉ dừng ở mức trải nghiệm. Nhất là vào mùa hè nóng nực này, nếu chọn một loại phương tiện công cộng, chắc hẳn tôi sẽ chọn xe buýt thay vì xe đạp. Chưa kể đến việc các trạm xe đạp cách xa nhau, thuê xe xong lại phải đi bộ hoặc bắt thêm chuyến xe buýt thì lại quá rườm rà".

Sau một năm trải nghiệm, nhiều người dân cho rằng vấn đề chính của xe đạp công cộng là cự ly xa, gần và các điểm phân bố trạm. Đây là vấn đề có thể khắc phục nếu bổ sung thêm nhiều trạm xe trong tương lai. Tuy nhiên, việc vận hành loại hình dịch vụ này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu nhu cầu người dân không cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem