Điểm chuẩn khối trường nông - lâm thấp

Thứ tư, ngày 10/08/2011 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 9.8, nhiều trường ĐH - CĐ đã công bố điểm trúng tuyển và chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng (NV). Rất nhiều trường phải "ngậm ngùi" với điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GDĐT.
Bình luận 0

Thê thảm khối nông - lâm

Vẫn được dự báo là khối ngành khó tuyển sinh, nhưng chưa năm nào các trường có đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư lại có điểm trúng tuyển thấp thê thảm như năm nay. Là một trong những trường đầu tiên công bố điểm chuẩn, ĐH Nông - Lâm TP.HCM có 52 ngành đào tạo khối A thì có đến 40 ngành lấy điểm chuẩn bằng sàn (13 điểm), số còn lại nhích hơn sàn 1 điểm.

Tương tự, khối B có 27 ngành thì 16 ngành lấy bằng điểm sàn, số còn lại cũng trên sàn 1 điểm. Trường cũng thông báo xét tuyển NV2 vào 23 ngành, chuyên ngành ở hệ ĐH với điểm xét tuyển bằng điểm sàn

img
Thí sinh đạt điểm trên sàn có nhiều cơ hội trúng tuyển ở khối trường nông - lâm - ngư và ĐH vùng.

Trường ĐH Nông - Lâm Huế cũng chỉ có duy nhất khoa Công nghệ thực phẩm (khối B) có điểm 16, còn lại tất cả các khoa khác đều có điểm bằng sàn (A: 13 điểm; B: 14 điểm). Không khá khẩm hơn, hầu hết các khoa đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư của ĐH Cần Thơ đều có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và điểm xét tuyển NV2 cũng bằng điểm sàn của cả 2 hệ ĐH và CĐ.

ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng thông báo xét tuyển 1.200 chỉ tiêu hệ ĐH và 1.250 chỉ tiêu hệ CĐ với mức nhận hồ sơ bằng điểm sàn.

Khối ngành nông - lâm thuộc ĐH An Giang, Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Tấn Vui - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: "Thiếu chỉ tiêu trầm trọng là vấn đề có thể dự đoán trước của khối ngành này nhiều năm qua, học sinh càng ngày càng không mặn mà với nông - lâm nghiệp, vì vậy có muốn cải tạo chất lượng đầu vào của khối ngành này bằng điểm chuẩn rất khó. Chỉ hy vọng tuyển đủ bằng sàn cũng đã chật vật lắm rồi".

Ảm đạm ĐH vùng

Các trường ĐH vùng năm nay cũng rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Do điểm thi quá thấp nên rất nhiều trường mặc dù đã lấy điểm chuẩn kịch sàn thì số thí sinh đỗ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường ĐH Đà Lạt có tổng chỉ tiêu là 3.000 nhưng chỉ có 885 thí sinh đạt 13 điểm trở lên, trong đó chỉ có 275 thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn. Nhiều ngành của trường phải xét tuyển gần như 100% NV vì chỉ có từ 3 - 7 thí sinh trúng tuyển vào: Ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ sau thu hoạch và ngành Nông học.

Tuy phân tích của Bộ GDĐT về "nguồn tuyển" cho ĐH vùng năm nay rất dồi dào, nhưng chỉ tiêu thừa quá nhiều đã làm cho các trường không dám kỳ vọng quá vào điểm chuẩn xét tuyển có thể cao hơn điểm sàn của Bộ.

Cũng với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn, Trường ĐH An Giang chỉ có 82 thí sinh trúng tuyển khối C; 373 thí sinh khối A; khối B có 295 thí sinh và khối D1 có 438 thí sinh trúng tuyển. Con số này quá ít ỏi so với chỉ tiêu của trường là 2.500 thí sinh và càng ít hơn so với con số thí sinh dự thi vào trường là 11.000 thí sinh. Theo ông Lê Minh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường, hơn 50% chỉ tiêu của trường phải trông chờ vào NV2, NV3. Trường cũng phải nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh bằng điểm sàn của Bộ nhưng với số lượng thí sinh cần tuyển khổng lồ như vậy, cả 2 NV cũng chưa chắc tuyển đủ.

Cũng theo ông Tùng, Trường ĐH An Giang đã phải xin Bộ cho trường được áp dụng Điều 33 trong quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn cho 3 ngành học khó khăn nhất trong tuyển sinh là: Khoa học cây trồng, Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản.

Trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Trà Vinh, ĐH Tây Bắc… cũng phải trông chờ vào việc áp dụng dãn điểm sàn khu vực mong vớt vát được thí sinh trúng tuyển NV1 và xét tuyển NV2,3.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem