Điểm danh loạt phim “nhạy cảm” gây tranh cãi nhiều nhất thế kỷ 21

Thứ ba, ngày 30/09/2014 10:51 AM (GMT+7)
Mới chỉ trải qua hơn một thập kỷ, nhưng điện ảnh thế giới đã kịp đem tới cho khán giả rất nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết.
Bình luận 0

img

Battle Royale (2000): Lấy bối cảnh nước Nhật trong tương lai gần, khi giới trẻ trở nên bê trễ, hư hỏng, chính phủ quyết định thông qua đạo luật Battle Royale để nâng cao ý thức sống cho học sinh. Cứ mỗi năm, một lớp 9 nào đó được lựa chọn ngẫu nhiên rồi bị đưa tới một hòn đảo hoang. Tại đó, các họ sinh phải giết nhau cho đến khi chỉ còn một người duy nhất được phép sống sót. Chứa đựng nhiều màn máu me bạo lực, học sinh xả súng bắn giết, Battle Royale không thể tránh khỏi bị cấm chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu gạt qua yếu tố bạo lực thì Battle Royale là một ẩn dụ hết sức kín đáo về những vấn đề chính trị, xã hội hiện đại.

img

Visitor Q (2001): Takashi Miike là một đạo diễn chăm chỉ bậc nhất xứ sở mặt trời mọc. Ông có thể làm những bộ phim cho trẻ em như Ninja loạn thị, nhưng đồng thời cũng có thể khiến dư luận dậy sóng với những bộ phim kinh dị máu me, hoặc động chạm tới cả đề tài loạn luân như với Visitor Q. Câu chuyện xoay quanh một gia đình đổ vỡ và cuộc ghé thăm của vị khách lạ khiến toàn bộ ngôi nhà kỳ quái này phải thay đổi. Visitor Q chắc chắn là một trong những tác phẩm điển hình cho lối làm phim điên rồ của Takashi Miike, bên cạnh những Audition hay Ichi the Killer.

img

The Piano Teacher (2001): Đạo diễn nổi tiếng Michael Haneke người Áo nổi tiếng với phong cách làm phim gai góc, dữ dội, thường xuyên lấy bạo lực và tình dục làm trọng tâm trong tác phẩm của ông. The Piano Teacher là ví dụ điển hình về khả năng khai thác, khám phá những ẩn ức bên trong con người với sự cảm thông của người đạo diễn. Chuyện phim khắc họa rõ nét những xúc cảm dục vọng giữa một giáo viên dạy dương cầm ở tuổi trung niên và cậu học trò trẻ tuổi. Phim có nhiều cảnh nóng mạnh bạo, kích thích người xem cao độ giữa hai nhân vật lệch pha. Dù gây ra nhiều tranh cãi nhưng phim vẫn giành được ba giải thưởng lớn tại LHP Cannes 2001.

img

Ken Park (2002): Với Ken Park, đạo diễn Larry Clark muốn động chạm tới chủ đề tình dục ở tuổi vị thành niên và thói quen sử dụng chất kích thích của những đứa trẻ. Xoáy sâu vào những chuyển biến tâm lý và hành hạ về mặt thể chất, Larry Clark muốn lột tả ẩn ức tình dục và sự tha hóa trong lối sống của những con người trẻ tuổi với bộ phim này. Sở hữu những cảnh quay ám ảnh và táo bạo, Ken Park rõ ràng là một bộ phim không hề được lòng các bậc phụ huynh.

img

The Passion of the Christ (2004): Mel Gibson là cái tên quá quen thuộc qua những vụ gây tranh cãi liên quan tới tôn giáo và tư tưởng bài Do Thái trong đời sống cá nhân và cả trên phim ảnh. Bộ phim về những giờ phút cuối cùng của chúa Jesus do ông đạo diễn chính là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, ngoài vấn đề tôn giáo, The Passion of the Christ còn vấp phải chỉ trích do cảnh chúa Jesus bị đày đọa thể xác trên con đường tới nơi bị đóng đinh lên thập giá quá ghê rợn. Phần lớn thời lượng của phim toàn hình ảnh chúa bị hành hạ nên người ta đặt ra câu hỏi về sự chính xác của bộ phim này.

img

Hard Candy (2005): Chuyện phim bắt đầu khi tay nhiếp ảnh gia Jeff Kohlver tìm cách dụ dỗ cô bé Hayley Stark qua mạng Internet. Nhưng khi gặp gỡ, chính Jeff mới là kẻ bị Hayley tra tấn, hành hạ một cách dã man vì bị nghi là đã sát hại một cô gái khác. Chủ đề lạm dụng tình dục trẻ em vốn luôn nhạy cảm, nhưng những màn tra tấn mà một cô bé 14 tuổi dành cho gã đàn ông 32 tuổi trong Hard Candy mới là điều khiến khán giả ái ngại và ghê sợ. Tuy nhiên, phần diễn xuất trong phim đặc biệt được giới phê bình khen ngợi. Hayley Stark cũng chính là vai diễn bản lề đối với sự nghiệp của nữ diễn viên Ellen Page còn rất trẻ khi ấy.

img

Hounddog (2007): Tác phẩm do đạo diễn Debrorah Kampmeier thực hiện, có sự tham gia của tài năng nhí Dakota Fanning. Chuyện phim xoay quanh một cô bé rắc rối có tên Lewellen sống tại Alabama trong thập niên 1950. Hounddog không được đánh giá cao do có nội dung nhàm chán, cách kể chuyện bình thường, nhưng lại thu hút sự chú ý của dư luận bởi cảnh nhân vật Lewellen bị cưỡng hiếp. Khi đó, Dakota Fanning mới chỉ 13 tuổi và việc cô bé đóng một cảnh người lớn như vậy khiến cho không ít người phản đối bộ phim.

img

Antichrist (2009): Mỗi tác phẩm của đạo diễn Lars Von Trier đều là một “cú nổ” trong làng điện ảnh bởi phong cách làm phim dữ dội, quyết liệt, thường động chạm tới tôn giáo, bạo lực, tình dục và những sự ám ảnh. Bộ phim Antichrist là tác phẩm đầu tiên nằm trong bộ ba phim tuyệt vọng của ông và chỉ tên phim thôi cũng đủ khiến cộng đồng Công giáo sôi sục. Khi theo dõi bộ phim, khán giả càng thêm choáng váng bởi các nhân vật trong phim có những hành vi tình dục vượt ngoài khuôn khổ tưởng tượng của con người. Cảnh quay cao trào ở cuối phim thậm chí còn khiến một khán giả trong buổi chiếu ra mắt tại LHP Cannes 2009 bị sốc tới nỗi ngất xỉu.

img

A Serbian Film (2010): Tập trung vào ngành công nghiệp phim khiêu dâm, hành vi cưỡng bức trẻ em, cũng như chứng lệch lạc về tình dục, bộ phim A Serbian Film không dành cho người yếu thần kinh và là tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo đạo diễn Srđan Spasojević thì phim của ông phản ánh chân thực những tệ nạn tại Serbia và là một lát cắt ẩn dụ về xã hội của đất nước này. Trước khi A Serbian Film chính thức ra mắt, cảnh sát thậm chí đã “ghé thăm” Srđan Spasojević bởi những cảnh quay rùng rợn trong phim trông quá đỗi chân thật.

img

Nymph()maniac (2013): Sau AntichristMelancholia, Nymph()maniac - Người đàn bà cuồng dâm là tác phẩm khép lại bộ ba tuyệt vọng của Lars Von Trier. Bao gồm hai phần với thời lượng lên đến hơn 5 tiếng đồng hồ, chuyện phim xoay quanh một người đàn bà nghiện tình dục có tên Joe. Cô bị đánh bất tỉnh trên đường phố và được Seligman cưu mang về nhà. Tại đây, Joe thuật lại đời sống ái tình trong suốt quãng đời 50 năm trước đó cho người đàn ông này nghe. Khỏi phải nói, Nymph()maniac chứa đựng vô số cảnh nóng giữa nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg với nhiều bạn diễn đình đám khác và bị dán nhãn cấm trẻ dưới 17 tuổi khi phát hành.
(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem