Điểm danh những ca khúc từng bị cấm hát gây xôn xao dư luận

Thứ hai, ngày 27/03/2017 09:00 AM (GMT+7)
Những ca khúc nổi tiếng như “Màu hoa đỏ”, “Con đường xưa em đi”… bị tạm dừng lưu hành trong thời gian gần đây gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Mới đây, Sở VHTTDL Tiền Giang gây xôn xao dư luận với công văn số 120/SVHTTDL-TTr ban hành ngày 7.2.2017 đề nghị phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành thị thông báo đến các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn trong 30 ngày phải gỡ bỏ các ca khúc chưa được cấp phép phê duyệt nội dung.

Trong công văn số 120/SVHTTDL-TTr đính kèm danh sách 354 ca khúc nằm trong danh mục “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”. Đặc biệt, trong danh sách này số thứ tự từ 152 đến 154 có các ca khúc “Màu hoa đỏ”, sáng tác của cố nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu.

“Màu hoa đỏ” là ca khúc nổi tiếng về thời chiến tranh, bom đạn ác liệt, từng giành giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994. Ca khúc của cố nhạc sĩ Thuận Yến từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Trọng Tấn, Tùng Dương thể hiện trên sóng truyền hình cũng như các dịp lễ kỷ niệm lớn.

Cũng trong danh sách này còn có một số ca khúc như “Rồi mai thức giấc” của nhạc sĩ Tường Văn, một ca khúc nhạc trẻ với nội dung đơn thuần xoay quanh tình yêu đôi lứa được nhiều ca sĩ tên tuổi như Mỹ Tâm, Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng thể hiện.

img

Ca khúc "Con đường xưa em đi" nằm trong danh sách bị tạm dừng lưu hành của Cục Nghệ thuật biểu diễn hồi đầu tháng 3.2017

Trước đó, đầu tháng 3.2017, thông tin  5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành đã gây xôn xao dư luận. Các ca khúc bị tạm dừng lưu hành để thẩm định lại dị bản, tên tác giả, ca từ gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh – Minh Kỳ), “Rừng xưa (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An) và “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Quyết định trên xuất phát từ công văn của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh gửi Cục vào ngày 16.12.2016 về việc xem xét nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến.

Đây không phải là những lần tạm dừng lưu hành, rút giấy phép biểu diễn của các ca khúc đầu tiên. Trước đó, ca khúc “Ly rượu mừng” (Phạm Đình Chương) từng bị cấm lưu hành trong 41 năm. Đến đầu năm 2016, ca khúc này mới được lưu hành trở lại. “Ly rượu mừng” được xem là ca khúc Tết kinh điển trong lòng rất nhiều thế hệ khán giả Sài Gòn thập niên 1960-1970. Đây là ca khúc được nữ danh ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long thể hiện rất thành công.

Những ca khúc: “Ai biểu anh làm thinh” (Trầm Tử Thiêng), “Còn chút gì để nhớ” (Phạm Duy, thơ: Vũ Hữu Định), “Nếu hai đứa mình” (Anh Bằng - Lê Dinh)… cũng từng vắng bóng trên sân khấu một thời gian dài trước khi được cấp phép lưu hành trở lại.

Hà Anh (Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem