Điểm đến đặc sắc - “thị trấn phép thuật” diệu kỳ Bahla, Oman
Điểm đến đặc sắc - “thị trấn phép thuật” diệu kỳ Bahla, Oman
Thứ ba, ngày 16/03/2021 06:31 AM (GMT+7)
Được bao phủ bởi những huyền thoại và truyền thuyết, người dân Oman tin rằng Bahla - được gọi là Madinat al-Sehr (thị trấn phép thuật) là cái nôi pháp thuật chính bí ẩn của khu vực Trung Đông.
"Thị trấn phép thuật" Bahla - nơi sản sinh ra các "jinn" huyền bí
Bahla là một trong những thị trấn kiểu ốc đảo lâu đời nhất và từng là một cố đô của Oman - quốc gia ở phía đông nam bán đảo Arab, có vị trí rất quan trọng kiểm soát eo biển Hormuz.
Du khách tham quan lâu đài Jabreen ở Bahla ngày 11/2/2020. (Ảnh: 123 RF)
Bahla nằm cách Thủ đô Muscat của Oman khoảng 200km về phía tây nam, với điểm nhấn nổi bật nhất là pháo đài lịch sử Bahla có niên đại từ thế kỷ 13, cùng các sản phẩm gốm thủ công "phép thuật" độc đáo.
Theo truyền thuyết, pháo đài Bahla được xây dựng với sự trợ giúp của các lực lượng siêu nhiên, trong khi các đồ gốm "phép thuật" Bahla là sản phẩm của những thợ thủ công có đôi bàn tay "ma thuật". Thị trấn Bahla cũng được người dân cho rằng luôn có một vầng hào quang bí ẩn - dấu hiệu về phép thuật - bao quanh.
Pháo đài Bahla lịch sử sừng sững trên một mỏm đá tại cao nguyên Djebel Akhdar. (Ảnh: colourbox)
Mặc dù người dân Oman thường tránh nhắc tới những câu chuyện truyền miệng về phù thủy vốn được coi là một nét đặc trưng trong quá khứ của thị trấn này, nhưng Bahla vẫn được biết đến với danh tiếng có từ thời tiền Hồi giáo là nơi sản sinh ra "jinn" (những sinh thể siêu nhiên trong thần thoại Arab, sau này là thần thoại và thần học Hồi giáo) .
Tự thân Bahla đã là một địa điểm khá huyền diệu, với pháo đài cổ sừng sững trên một mỏm đá "thống trị" toàn bộ ốc đảo bên dưới, cùng các khu chợ và khu thương mại cũ đầy sắc màu. Toàn bộ thị trấn được bao quanh bởi bức tường dài 12km có niên đại từ thời Arab tiền Hồi giáo (những năm 630).
Bức tường thành cổ đoạn bên ngoài pháo đài Bahla. (Ảnh: 123RF)
Pháo đài Bahla là pháo đài cổ duy nhất ở Oman được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1987, với các tháp vươn cao, nổi bật nhất là tháp gió Burj-al-Reeh.
Bahla cũng là cái nôi của gốm sứ "phép thuật" cùng các đồ chế tác bằng đồng và dao găm bằng bạc, được dùng để trang trí cho nhiều ngôi nhà của người Oman.
Những đồ gốm có niên đại từ nửa sau thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ ở Bahla.
Ngày nay du khách có thể ghé thăm vài xưởng chế tác ở gần khu chợ cũ cách pháo đài không xa, xem những người thợ vẫn sản xuất đồ gốm theo cách thủ công truyền thống "cha truyền, con nối" bằng bánh xe và bàn đạp.
Các đồ gốm "phép thuật" Bahla được cho là sản phẩm của những thợ thủ công có đôi bàn tay "ma thuật". (Ảnh: grete-howard.travellerspoint)
Tuyến đường dẫn tới Bahla cũng rất ấn tượng. Nhất là đoạn băng qua giữa dãy núi Jabal Akhdar hùng vĩ cao 3.000m và dãy núi lửa đá đen (ophiolites - loại đá giàu sắt và ma giê) độc đáo, cùng đoạn băng qua gần một cố đô khác là Nizwa cũng có pháo đài và các khu chợ cũ rất ngoạn mục.
Một tuyến đường ở Bahla ngày nay. (Ảnh: 123RF)
Bahla được coi là một ví dụ nổi bật về quần thể kiến trúc chuyên sâu, giúp các bộ lạc thống trị phát triển thịnh vượng Oman nói riêng, bán đảo Arab nói chung trong giai đoạn cuối thời Trung Cổ. Nay Bahla cũng là một điểm đến du lịch rất hút khách của Oman.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.