Điểm lại các dự án thủy điện “cóc” tại huyện Nam Trà My

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 30/10/2020 06:39 AM (GMT+7)
Thủy điện Trà Leng cùng với 3 thủy điện “cóc” khác tại huyện Nam Trà My được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua năm 2017 với tổng diện tích là 144,27 ha.
Bình luận 0

Cụ thể, vào năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam, có tờ trình số 3363 đề xuất HĐND tỉnh bổ sung 4 thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực huyện Nam Trà My.

Theo đó, 4 dự án thủy điện nằm trên khu vực huyện Nam Trà My có tổng công suất 78,8 MW. Tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144,27 ha (bình quân 1,83 ha/1MW). Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 60,1 ha (2,44 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66 ha đất quy hoạch rừng sản xuất.

Sau đó, HĐND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt bổ sung 4 dự án thủy điện gồm: Thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và xã Trà Cang, công suất dự kiến 26,2 MW. Điện lượng dự kiến 80,36 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất 21,41 ha, bình quân 0,82 ha/1MW.

Thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam, công suất dự kiến 11,6 MW, điện lượng dự kiến 34,98 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất 14,86 ha, bình quân 1,28 ha/1MW.

Thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don, công suất dự kiến 11 MW, điện lượng dự kiến 38,62 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất 52,65 ha, bình quân 4,79 ha/1MW.

Thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn, công suất dự kiến 30 MW, điện lượng dự kiến 104,42 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất 55,35 ha, bình quân 1,845 ha/1MW.

Điểm lại các dự án thủy điện “cóc” tại huyện Nam Trà My - Ảnh 1.

4 dự án thủy điện "cóc" tại huyện Nam Trà My được bổ sung vào quy hoạch năm 2017

Nói về hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở Nam Trà My (Quảng Nam) khiến 53 người bị vùi lấp, chuyên gia thủy lợi Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước đây, tình trạng này ở các tỉnh miền Trung rất ít gặp.

"Trong lịch sử hình thành phát triển của miền Trung, trước đây rất ít ghi nhận những vụ sạt lở đất nghiêm trọng như vụ sạt lở núi ở Nam Trà My, nếu có thì cũng chỉ là những vụ sạt lở ven đồi, không gây hậu quả đau lòng như vậy.

Tại sao thời gian gần đây khu vực miền Trung xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng như Rào Trăng 3 hay Nam Trà My, theo tôi, có nguyên nhân rất lớn từ tác động của con người", ông Hồng cho hay.

Cụ thể, theo ông Hồng, việc xây dựng thủy điện nhỏ quả nhiều sẽ làm mất thảm cỏ tự nhiên, khiến đất bị phong hóa và sạt trượt khi gặp mưa lớn.

Ngoài ra, KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển VN, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường VN bổ sung thêm, tình trạng thủy điện khiến tình trạng lũ lụt, sạt lở đất thêm khó lường là do các hồ chứa không vận hành theo đúng nguyên tắc.

"Về lý thuyết, triết lý làm thủy điện một phần là giữ nước để mùa khô điều tiết nước về hạ du. Nhưng thực tế không như vậy. Mấy anh thủy điện không làm đúng quy trình đó. Đáng lẽ trước khi mưa thì anh phải lo xả nước thủy điện đi. Đến khi mưa lớn có thể giữ lại nhiều nước trong hồ, như vậy mới là điều tiết lũ.

Nhưng khi mưa ít thủy điện không dám xả lũ vì sợ không có nước để phát điện. Quy trình điều tiết xả lũ các anh không làm, thủy điện khư khư giữ nước, đến khi thừa mới xả", ông Diệm phân tích.

Dự án "thuỷ điện cóc", phá rừng và lũ lụt: Hậu quả dân gánh, lợi nhuận doanh nghiệp hưởng?
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem