Điểm lại những cuộc tình đau thương của huyền thoại nhạc Trịnh Khánh Ly

Hà Hải Lăng (Dòng Đời) Thứ hai, ngày 11/08/2014 07:35 AM (GMT+7)
Cuối cùng, sau nhiều lần về nước để hát nhưng bị “ngưng diễn” hoặc hát trong âm thầm “không kèn không trống” vì những lý do nhạy cảm... Thì nay, vào đầu tháng 8.2014, nữ ca sĩ Khánh Ly sẽ lại tái ngộ với khán giả quê nhà bằng những buổi diễn hoành tráng tại Hà Nội (2.8) và Đà Nẵng (8.8). Dòng Đời xin gửi đến quý bạn đọc những thông tin lý thú về cuộc đời ca sĩ tài danh này…
Bình luận 0

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6.3.1945 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 9 tuổi đã theo gia đình di cư vào Nam. Trên bước đường lưu lạc, bố ruột của Lệ Mai mất nên sau này cô đã phải sống trong một môi trường rất đỗi hà khắc của mẹ và bố dượng (ông này là anh ruột của ông Đổng Lân – chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, nên Khánh Ly cũng gọi Thanh Nga bằng thím).

Từ đó hình thành nên trong tâm sinh lý của cô bé Lệ Mai một mầm mống phản kháng (làm ngược lại những điều cô được răn đe, dạy dỗ trong gia đình).

img

Ý thức phản kháng và nghệ danh Khánh Ly

Năm 1956 từ Đà Lạt, cô bé Lệ Mai “quá giang” chiếc xe tải chở bắp su về Sài Gòn tham dự cuộc thi hát dành cho lứa tuổi nhi đồng tổ chức tại rạp Norodom. Cô bé có làn da màu “sô cô la”, áo sơ mi ca rô xanh, quần soọc trắng đã đăng ký bài Từ giã kinh thành (của nhạc sĩ Châu Kỳ) nhưng bị Ban Tổ chức khước từ vì “Con nít không được hát bài đó !”. Lệ Mai bèn thay bằng bài Ngày trở về (Phạm Duy) và đoạt được giải nhì. Tuy nhiên, giải thưởng chẳng thấm vào đâu so với trận đòn cô bé được “hưởng” khi trở về nhà. Đó là những kỷ niệm đầu đời không thể nào quên trong suốt 60 năm ca hát của danh ca Khánh Ly…

Một năm sau đó (1957), gia đình cô chuyển về Sài Gòn: vẫn đam mê ca hát, vẫn ý thức phản kháng và những trận đòn nhớ đời. Sau này nhớ lại, Khánh Ly viết trong hồi ký: “…Tôi thường lẩn vào đâu đó để khóc một mình sau mỗi trận đòn. Càng bị đánh tôi càng lì đòn, không sợ nữa, không cảm thấy đau đớn nữa. Căm phẫn, tủi thân, tôi cứ làm những gì tôi thích trái ngược hẳn với ý muốn của mẹ. Anh Sơn (anh ruột của Khánh Ly-NV) và các bạn anh đi chơi, đi “Bal Famille”, tôi bu theo. Chẳng cần ai dạy, tôi nhảy rất giỏi, nhất là nhảy “Be Bop” nên thời đó bạn bè gọi tôi là “Mai bộp, Mai đen, Mai chân voi”. Tôi bất cần dù sau mỗi lần trốn nhà đi chơi là lại lãnh một trận đòn nhưng anh Sơn tôi thì không bị gì cả…Anh Sơn biết tôi thích hát. Anh không ngăn cản mà hầu như tạo cơ hội cho tôi. Chính vì thế mới có những lần ở vũ trường Đồng Khánh, tôi dám leo lên sân khấu và từ ở đó, tôi nảy ra ý định tìm cho mình một cái tên. Tôi vốn mê đọc truyện từ nhỏ, nhất là Tam Quốc Chí và Đông Chu Liệt Quốc. Từ những chuyện đó, tôi tìm được 2 nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly. Cái tên Khánh Ly có từ lúc đó…(Hồi ký).

18 tuổi đã là “thiếu phụ 2 con”... khi chưa biết yêu !

Chính từ những cuộc “đu” theo ông anh ruột tên Sơn và đám bạn bè ở vũ trường Đồng Khánh mà Khánh Ly gặp Minh – một trung sĩ không quân chuyên ngành ra đa, nhưng có ông anh rể là đại tá không quân nên Minh trở thành một thứ “lính kiểng”: Ăn chơi sành điệu chứ chưa hề nếm mùi trận mạc. Cô gái nhỏ Lệ Mai (16 tuổi) chưa đủ bản lĩnh, để rồi “mới 17 tuổi, tôi đã thành đàn bà, đã mang trong người một mầm sống không mong đợi. Lỗi của tôi...Tôi biết anh ta ở Vũ trường Đồng Khánh. Anh ta là một người đẹp trai dù ăn nói không có duyên. Anh ta tên là Minh, dân Trường Tây gốc Đà Lạt. Gia đình Minh đàng hoàng, công giáo... Tôi thích Minh nhưng không hề cảm thấy rung động, hồi hộp chờ mong. Không có cảm giác...đông cứng hoặc cháy bỏng, ngộp thở lảo đảo, bềnh bồng, tan chảy như bọt nước…” (trích Hồi ký Khánh Ly).

Ông Minh cũng ý thức được trách nhiệm nên đã tổ chức cưới hỏi đàng hoàng, có làm phép hôn phối ở nhà thờ (Khánh Ly cải đạo theo Công giáo, một phần là trước đây từng học trường dòng). Minh đưa vợ con về Đà Lạt sống với bố mẹ của anh ta nhưng… tiền lương thì nuôi chính mình còn chưa đủ sống... Để nuôi mình, nuôi con hằng đêm Khánh Ly phải đi hát ở phòng trà Night Club (Đà Lạt). Khánh Ly viết: “…Lương của Minh bao nhiêu, tôi không biết. Anh làm cho USAID dưới quyền ông Lâm Quang tại Tuy Hòa và rất ít khi về nhà. Có vú Chín, tôi giao con và sống như thời con gái. Ở lại phòng trà ngủ với mấy chị vũ nữ hoặc leo lên đồi Cù nằm nhìn trời đất. Tôi vẫn chưa ý thức một cách nghiêm túc bổn phận của người mẹ. Tôi vẫn chưa đủ tình yêu đúng nghĩa dành cho các con. Tôi còn quá trẻ. Tôi đã biết gì về cuộc sống quanh tôi đâu. Tôi yêu tôi và chưa kịp sống cho tôi. Không có gì cho tôi. Không phải là lỗi của Minh trong cơn say rượu. Chỉ khổ là người tôi yêu không phải là Minh. Chưa rõ ràng là ai, tôi chưa biết yêu... Mãi nhiều năm sau, tôi mới biết thế nào là tình yêu…”.

img

 Khánh Ly và Nguyễn Hoàng Đoàn (người chồng sau cùng).

Và “những người tình thấp thoáng”...

Trong thời gian mang thai đứa con đầu lòng, Khánh Ly với cái bụng bầu 6 tháng vẫn đi hát ở nhà hàng Anh Vũ (để kiếm tiền thăm nuôi Minh đang bị giam ở khám Chí Hoà vì tội đào ngũ), Khánh Ly đã gặp viên trung úy Không quân Lưu Kim Cương (sau này là nhân vật chính trong bài hát “Cho một người nằm xuống” của Trịnh Công Sơn): “…Sau buổi hát, anh chở tôi chạy vòng vòng Sài Gòn... hát tiếp những bài tôi vừa hát, đặc biệt anh hát cho tôi nghe bài “Anh đến thăm em một chiều mưa”... Cuộc gặp gỡ giữa anh em chúng tôi và trung úy Lưu Kim Cương đơn giản như vậy. Tôi biết ơn anh vì anh là người duy nhất có cái nhìn thiện cảm với tôi. Anh là người đầu tiên và duy nhất khuyến khích tôi đi theo nghiệp dĩ này. Khi nào có gì cần, cho anh hay... Ngày tôi sinh Ly Cơ, anh nhờ người gửi cho tôi 1.500 đồng với lời nhắn... mua đồ cho con... Anh không bao giờ biết tôi đã dùng số tiến đó để tiếp tế cho Minh ở Chí Hòa”.

Không thể biết giữa cô ca sĩ và vị sĩ quan hào hoa này đã “có gì” với nhau chưa nhưng chắc chắn Lưu Kim Cương đã để lại một dấu ấn khó phai trong cuộc đời Khánh Ly. Bởi vì: “Minh và tôi sống cuộc sống vợ chồng như mọi người. Chúng tôi ở chung với bố mẹ Minh. Năm sau, tôi có thêm một đứa con trai. Có người trong nhà bảo... thằng nhỏ trông giống ông... Lưu Kim Cương... Sao lại có ông Lưu Kim Cương trong này khi nhắm con mắt lại, người cũng biết Bảo Linh là con ai chứ...”.

img

Di ảnh của Lưu Kim Cương

img

Khoảnh khắc hội ngộ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Năm 1964 tại Pleiku, Khánh Ly tình cờ gặp lại Lê Nguyên Hải – một người bạn từ thời niên thiếu (Hải đã từng tỏ tình với Khánh Ly). Chị kể: “1964 Hải từ Mỹ về và qua Thái Lan học thêm về loại máy bay A-6. Tôi lên Pleiku chơi và tình cờ, gặp lại Hải. Chúng tôi nhìn và chào nhau như 2 người bạn. Hải ngồi với bè bạn. Vũ trường Phượng Hoàng hình như là nơi giải trí duy nhất cho các chàng không quân hào hoa bay bướm nơi thị trấn đìu hiu đó. Chúng tôi nhảy với nhau một bài.

Trước khi bài hát chấm dứt, Hải nói: “Sáng mai anh bay giùm cho một người, chờ anh về anh đưa em đi coi Biển Hồ”... Tôi cho anh biết nơi tôi ở và chúng tôi chia tay. Tôi về trước…Tôi không nhớ là mấy giờ vì đang say ngủ. Tiếng đập cửa rầm rầm làm tôi hốt hoảng. Hải la lớn... Mai, Mai anh đây, Hải đây... Tôi vội vàng chạy ra mở cửa phòng, Hải loạng choạng bước vào, anh ôm hai vai tôi và nói: Mai chờ anh, xong phi vụ anh sẽ đưa em đi Biển Hồ...Tôi chưa kịp hỏi, Hải đã đổ ập người xuống giường, ngủ. Tôi chui vào mền nằm ghé bên anh, tôi cố đẩy anh đắp mền cho anh nhưng đành chịu. Hải nằm úp mặt trên tấm khăn phủ giường. Tôi trở lại giấc ngủ dở dang, 6 giờ sáng thứ dậy, Hải không còn nằm đó nữa.

Khoảng 2 tiếng sau, tôi chợt nghe một tiếng nổ lớn không biết xuất phát từ đâu và sau đó, tôi được tin anh đã chết... Trên chiếc phi cơ đưa xác Hải về Sài Gòn, chỉ có một mình tôi ngồi bên quan tài của anh. Tôi đau đớn nhưng không khóc được. Không một giọt nước mắt nào rơi ra khỏi đôi mắt của tôi. Điều làm tôi xót xa hơn nữa là bạn bè và gia đình Hải quy tất cả trách nhiệm vào tôi. Tôi không nói được gì. Tôi không muốn nói. Tính tôi vốn vậy. Lặng lẽ tôi quay lưng đi trước những cái nhìn căm giận và ai oán của mọi người... Nhiều năm về sau, rất nhiều năm về sau, tôi nhận được một bức hình do chính thân phụ Lê Nguyên Hải gửi cho tôi với hàng chữ cũ viết sau tấm ảnh...Gửi cô Khánh Ly thay mặt cố nhân Lê Nguyên Hải. Lúc đó, tôi khóc...”(trích Hồi ký).

Thời đi “bụi” với nhóm bạn của anh Sơn, cô bé Lệ Mai (14 tuổi) cũng đã từng có những rung động đầu đời và nhận được hàng tá thư tình của Đạt (một người trong nhóm). Sau này, Đạt đi lính không quân và ra tu nghiệp ở nước ngoài, quên luôn người con gái thời mới lớn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem