“Điểm mặt” các dự án “treo” của Ngân hàng CB

Quốc Hải Thứ tư, ngày 29/06/2016 10:58 AM (GMT+7)
Bên cạnh các khoản cho vay, Ngân hàng Xây dựng (CB) còn trực tiếp góp vốn cùng các đối tác kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản với con số lên tới vài nghìn tỉ đồng.
Bình luận 0

Đáng nói, các dự án này có cái thì bị treo, có cái đã bị chính quyền địa phương thu hồi, thậm chí có dự án mới nhận được “chủ trương” của địa phương nhưng phía CB đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để… góp vốn.

Chẳng hạn, dự án khu đô thị Phú Mỹ Garden II tại Mỹ Yên (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), CB góp vốn với nhóm Phú Mỹ hơn 570 tỉ đồng (570.893.475.000 đồng). Tuy nhiên, dự án này đã bị UBND tỉnh Long An thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động vào tháng 2.2014 do chưa hoàn thành hồ sơ thiết kế, lập quy hoạch đền bù, giải tỏa dự án (Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 14.2.2014 và Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 31.3.2014 của UBND tỉnh Long An).

Hoặc, dự án The Star City tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè và dự án The Go-Go City tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TP.HCM) của Công ty Địa ốc Lam Giang, Ngân hàng Xây dựng góp hơn 235 tỉ đồng (235.232.880.000 đồng) nhưng cả 2 dự án này đến nay đều không được triển khai, hiện trạng chỉ là bãi đất trống.

Không những thế, qua trao đổi với cán bộ địa chính 2 xã này thì cả 2 dự án chỉ nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương giao đất thực hiện dự án chứ chưa có quyết định giao đất.

Về vấn đề này, cán bộ thẩm định dự án của một ngân hàng thương mại cho biết, tôi cũng chẳng hiểu tại sao khi thẩm định dự án mà đối tác không đưa ra được quyết định giao đất nhưng ngân hàng vẫn quyết định “giải ngân” hàng trăm tỉ đồng (?!)

Cũng liên quan đến Công ty Địa ốc Lam Giang, theo hợp đồng góp vốn giữa Công đoàn Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của CB) và công ty này thì phía Công đoàn Ngân hàng Đại Tín góp vào dự án đầu tư khu nhà ở Phước Lộc, huyện Nhà bè với số tiền hơn 309,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo hợp đồng chuyển nhượng số 01/2010/HĐCN ngày 22.6.2010, Công đoàn Ngân hàng Đại Tín chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp vào Dự án Phước Lộc cho Công ty TNHH TMDV Quang Thuận. Theo thỏa thuận 3 bên thì Công ty Địa ốc Lam Giang sẽ hoàn trả lại cho Công đoàn Ngân hàng Đại Tín nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Ngoài các dự án “treo” trên, CB cũng đang vướng một loạt các dự án bất động sản ở tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Định… rất khó xử lý nợ do vướng thủ tục pháp lý hoặc đã bị địa phương ra quyết định thu hồi.

Cụ thể, với nhóm Phương Trang, hiện CB đang giữ 2 Quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã bị địa phương thu hồi nhưng nhóm Phương Trang không bổ sung tài sản bất động thay thế, gồm: QSDĐ tại thửa đất số 299, đường Lê Duẩn, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã bị thu hồi theo quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 21.11.2012 của UBND tỉnh Bình Định và QSDĐ tại thửa số 00, thôn 3, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã bị thu hồi theo quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 30.5.2012 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Với nhóm Thiên Thanh, CB nhận thế chấp 9 QSDĐ tại Sân vận động Chi Lăng để đảm bảo khoản vay 3.050 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai dự án chậm tiến độ nên có khả năng bị UBND TP Đà Nẵng thu hồi. Trong trường hợp bị thu hồi thì số tiền thu hồi nếu tính theo số tiền sử dụng đất Thiên Thanh đã nộp rất thấp, chỉ vào khoảng 1.200 tỉ đồng, không đủ thu hồi nợ vay.

img

CB cũng “sa lầy” các dự án bất động sản với số vốn vài nghìn tỉ đồng

Ngoài ra, với bất động sản tại số 209 Trường Chinh (TP Đà Nẵng) thì ngày 3.3.2014 Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Toàn Tâm nhưng do chưa đóng thuế đăng bộ và sang tên nên không đăng ký giao dịch đảm bảo được. Qua đối chiếu công nợ thì Công ty TNHH Toàn Tâm xác nhận chỉ vay hộ cho Tập đoàn Thiên Thanh và yêu cầu Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ vay…

Với nhóm Phú Mỹ, CB thực hiện đảm bảo cho 5 khoản vay trị giá 515 tỉ đồng với tài sản bất định là 6 giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 17.112m2 đất lúa tại Quận 2, TP.HCM với tổng giá trị 700,6 tỉ đồng. Ngày 28.12.2012, sau khi hoàn tất khoản vay thì CB đã giải chấp tài sản và bàn giao 6 giấy chứng nhận QSDĐ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên, nhóm Phú Mỹ chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho nhóm Thiên Thanh và các gấy tờ chứng nhận này đang được C46 (Bộ Công An) thu giữ.

Được biết, liên quan đến những khoản vay của các nhóm với CB, phía Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép CB xử lý tài sản bất động, thu hồi nợ của các nhóm theo nguyên tắc thu nợ gốc trước và nợ lãi sẽ được đàm phán sau giữa bên vay và bên cho vay với chủ trương “thu hồi tối đa” tiền, tài sản cho CB.

Đối với các dự án bị thu hồi, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chuyển tiền bồi thường thu hồi dự án (nếu có) cho các chủ đầu tư là các nhóm Phương Trang, Phú Mỹ về CB quản lý, sử dụng để thu nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem