Điểm mặt những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes
Điểm mặt những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes
Nam Hải
Chủ nhật, ngày 31/03/2024 07:17 AM (GMT+7)
Trong 12 tỷ phú giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes cập nhật cuối tháng 3/2024, có đến 6 tỷ phú đang kinh doanh hoặc từng kinh doanh trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Phần lớn các tập đoàn này cũng đều ít nhiều đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Người sáng lập Amazon Jeff Bezos mới đây lại vừa một lần nữa vượt qua Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk trở thành người giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản ròng ước tính khoảng 198,3 tỷ USD hôm 28/3. Theo sát Jeff Bezos là Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk với tài sản ròng thống kê khoảng 196,1 tỷ USD. Như vậy, một lần nữa Jeff Bezos trở thành người giàu thứ hai trên thế giới sau thời gian cặp đôi này liên tục rượt đuổi nhau trên bảng xếp hạng.
Jeff Bezos thành lập gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon vào năm 1994 tại nhà để xe ở Seattle, sau đó trở thành chủ tịch điều hành vào năm 2021. Ông sở hữu gần 10% cổ phần công ty. Sau khi ly hôn vợ là MacKenzie vào năm 2019, ông đã chuyển nhượng 1/4 cổ phần Amazon (khi đó là 16%) của mình cho bà. Ngoài Amazon, ông còn sở hữu The Washington Post và Blue Origin, một công ty hàng không vũ trụ đang phát triển tên lửa.
Jeff Bezos thành lập Blue Origin năm 2000. Tỷ phú này muốn mở rộng tầm với của nhân loại trong hệ Mặt trời. Trong nhiều năm, Blue Origin hoạt động gần như hoàn toàn bí mật. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa giao cho Blue Origin hợp đồng chế tạo tàu vũ trụ để đưa phi hành gia từ trái đất lên mặt trăng và ngược lại, trị giá 3,4 tỷ USD. Hợp đồng yêu cầu Blue Origin thực hiện một chuyến bay không người lái lên Mặt trăng, sau đó mới là chuyến bay đưa phi hành gia lên hành tinh này, dự kiến vào năm 2029.
Hiện tại, ông là cổ đông lớn nhất của “đế chế” bán lẻ trực tuyến Amazon cho dù đã bán 50 triệu cổ phiếu Amazon trị giá khoảng 8,5 tỷ USD vào tháng 2 vừa qua. Đối với ông Bezos, việc đứng đầu xếp hạng giàu thế giới có lẽ không mang lại cảm giác mới lạ. Ông lần đầu đạt tới vị trí này vào năm 2017, khi vượt qua nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates.
Sau đó, xu hướng tăng “bất bại” của cổ phiếu Tesla đưa ông Musk nổi lên thành một đối thủ mạnh trong cuộc đua tài sản giữa các tỷ phú ở top giàu nhất hành tinh. Năm 2021 đã chứng kiến những lần đổi ngôi liên tục giữa ông Musk và ông Bezos ở vị trí số 1. Cuối năm đó, ông Bezos bị ông Musk vượt xa và cho tới hiện tại mới giành lại ngôi đầu.
Vừa qua 26/10/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp bà Susan Pointer, Phó Chủ tịch Chính sách công quốc tế của Tập đoàn Amazon đang thăm, làm việc tại Việt Nam. Đánh giá cao môi trường và tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bà Susan Pointer cho biết, Amazon sẽ tham gia sâu hơn trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam; phát triển thương mại điện tử, điện toán đám mây; nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho lao động Việt Nam; hợp tác với một số doanh nghiệp tại Việt Nam để sản xuất các sản phẩm, thiết bị và đưa nhiều hơn nữa sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam ra thế giới; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới... như đề nghị của Thủ tướng.
2. Elon Musk - CEO của Tesla
Theo sát Jeff Bezos trên bảng xếp hạng của Forbes là tỷ phú Elon Musk với tổng tài sản 196,1 tỷ USD. Tỷ phú Elon Musk sinh vào ngày 28/6/1971 tại thành phố Pretoria, Nam Phi.
Năm 1984, chàng trai 12 tuổi đã tự học lập trình bằng cách đọc hết cuốn sách ngôn ngữ lập trình cơ bản chỉ trong vòng 3 ngày và tạo ra trò chơi Blastar, rồi bán với giá 500 USD.
Năm 17 tuổi, ông sang Canada và Mỹ theo đuổi con đường học vấn, nhưng phải tự xin học bổng, làm thêm và nhờ đến các khoản vay sinh viên để trang trải do mẫu thuẫn với bố. Kết thúc đại học, Musk nợ khoảng 100.000 USD.
Năm 1995, Musk thành lập công ty đầu tiên mang tên Zip2 và bị từ chối khi muốn trở thành CEO. Thay vào đó, ông được chọn làm giám đốc thông tin và không có quyền kiểm soát sau cùng với tầm nhìn của công ty.
Năm 2000, Elon Musk trở thành CEO của PayPal. Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, ông đã bị "đá" ra khỏi chính công ty do mình sáng lập khi đang trên đường tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng tại Úc.
Dấu ấn quan trọng nhất trong hành trình trở thành tỉ phú của Musk chính là Tesla. Khi Musk đầu tư, hãng xe điện này đã mất nhiều hơn được trong thời gian Eberhard giữ chức CEO. Chính điều đó đã buộc Musk phải tiến hành một cuộc "thay máu" toàn diện, sa thải Eberhard và sắp xếp lại toàn bộ đội ngũ giám đốc của Tesla.
Ông từng chia sẻ với báo chí quốc tế, năm 2008 là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời ông. Tesla liên tục thua lỗ, SpaceX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phóng tên lửa Falcon 1. Đến năm 2009, Elon Musk phải vay tiền từ bạn bè chỉ để sống qua ngày.
Khoảng cuối năm 2008, mọi thứ dần ổn định trở lại Elon Musk khi SpaceX nhận được bản hợp đồng "béo bở" trị giá 1,5 tỉ USD từ NASA và Tesla cũng nhận được hỗ trợ từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt mới đối với Elon Musk khi Tesla tiến hành phát hành cổ phiếu thành công, thu về 226 triệu USD. Để cải thiện tình hình tài chính cá nhân, Musk sau đó đã bán số cổ phiếu có giá trị tương đương với 15 triệu USD.
Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Musk, từ một chuyên gia thích hợp về xe điện trở thành một gã khổng lồ trên thị trường chứng khoán. Đầu năm ngoái, vốn hóa của Tesla khoảng 1.200 tỷ USD và là hãng ôtô có giá trị nhất thế giới, gần bằng Ford, General Motors, Stellantis và Toyota cộng lại.
Ông sở hữu khoảng 21% cổ phần Tesla giữa cổ phiếu và quyền chọn, nhưng đã thế chấp hơn một nửa số cổ phiếu của mình làm tài sản thế chấp cho khoản vay cá nhân lên tới 3,5 tỷ USD.
Trong các công tu của Elon Musk, SpaceX thành lập năm 2002, trị giá gần 150 tỷ USD sau đợt chào mua công khai trị giá 750 triệu USD vào tháng 6/2023; công ty này gần như tăng gấp năm lần giá trị của nó trong 4 năm. Boring Company, với mục tiêu giảm thiểu lưu lượng truy cập, đã huy động được 675 triệu USD vào tháng 4/2022 với mức định giá 5,7 tỷ USD. Hội đồng quản trị của Twitter đã đồng ý bán công ty cho Musk với giá 44 tỷ USD vào tháng 4/2022, sau khi ông tiết lộ 9,1% cổ phần và đe dọa sẽ tiếp quản thù địch. Thỏa thuận kết thúc vào tháng 10/ 2022 sau khi Musk cố gắng rút lui và Twitter khởi kiện. Musk sở hữu khoảng 74% cổ phiếu công ty, hiện có tên là X.
3. Larry Ellison - CTO và Founder của Oracle
Larry Ellison là chủ tịch, giám đốc, đồng sáng lập của Oracle, một trong những tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới. Tuy không có những bước tăng trưởng vượt bậc nhưng Oracle vẫn có một mức tăng trưởng ổn định. Đáng chú ý, trong quý 3 năm 2021, giữa tình thế dịch bệnh diễn biến phức tạp, cổ phiếu của Oracle tăng trưởng lên đến 100 USD, trực tiếp điền tên Larry Elison vào top 10 người giàu nhất thế giới vào thời điểm đó. Hiện tại ông sở hữu 40% cổ phần Oracle.
Tháng 6/2023, nhà đồng sáng lập Oracle đã giành vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, đồng thời vượt qua các ông trùm kinh doanh khác bao gồm Warren Buffett và Mark Zuckerberg. Giá trị tài sản ròng của Ellison hiện đạt hơn 155 tỷ USD, vượt qua người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates hiện có 131 tỷ USD.
Tài sản của Ellison tăng vọt khi cổ phiếu công ty phần mềm của ông "lên hương" nhờ cơn sốt các cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI), sau màn ra mắt thành công ChatGPT của OpenAI. Cơn sốt AI cũng đã thúc đẩy một "cuộc biểu dương sức mạnh" của các cổ phiếu công nghệ trong năm 2023.
Các nhà lãnh đạo khác trong ngành công nghệ cũng đã giàu có hơn nhờ vào sự "điên cuồng" của AI, trong đó có giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang, người hiện có giá trị tài sản ròng lên tới 35 tỷ USD.
4. Bill Gates - Đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates
Bill Gates hiện là người giàu thứ 6 thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes. Nhà đồng sáng lập Microsoft đang có tổng tài sản khoảng 131 tỷ USD. Có nhiều nguồn tin khác nhau về số tiền chính xác của ông, có nguồn ước tính thu nhập hàng ngày của Gates rơi vào khoảng 10,95 triệu USD mỗi ngày. Một nguồn khác đưa ra con số thấp hơn, khoảng 7,6 triệu USD mỗi ngày.
Kể từ khi Bill Gates và cộng sự Paul Allen thành lập Microsoft vào năm 1975, công ty đã thống trị nhiều thị trường công nghệ khác nhau. Microsoft đã đạt mức vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2019. Sau khi rời công việc điều hành tại Microsoft năm 2008, ông tiếp tục theo đuổi các dự án kinh doanh và từ thiện. Ông là người sáng lập và chủ tịch của một số công ty như BEN, Cascade Investment, TerraPower, bgC3 và Breakthrough Energy.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết chỉ có khoảng 12,5% giá trị tài sản ròng của Gates đến từ Microsoft. Sự giàu có của ông cũng đến từ các khoản đầu tư bất động sản cùng các cổ phần khác trong chuỗi khách sạn sang trọng và những dự án kinh doanh khác. Tỷ phú Bill Gates hiện sở hữu 111.288 ha đất và là chủ đất lớn thứ 42 nước Mỹ. Sở hữu đất ở 17 bang, nhà đồng sáng lập Microsoft cũng là chủ đất nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ, theo Bảng xếp hạng 100 chủ đất lớn nhất của tạp chí chuyên ngành đất đai Land Report.
Phần lớn thu nhập của Gates đều dành cho các hoạt động từ thiện, thông qua quỹ Bill & Melinda Gates. Vào năm 2023, quỹ này cam kết chi 8,3 tỷ USD để chống đói nghèo, bệnh tật và bất bình đẳng, tăng 15% so với năm 2022. Quỹ cũng đặt mục tiêu tăng khoản chi trả lên 9 tỷ USD vào năm 2026.
Trong năm 2023, tỷ phú Bill Gates bắt đầu mở rộng danh mục đầu tư của mình, cho thấy cách tiếp cận chiến lược của ông nhằm giúp quản lý tài sản. Ông đã mua 3,76% cổ phần của Heineken Holding NV, trị giá khoảng 939,87 triệu USD. Khoản đầu tư này cho thấy sự đa dạng hóa lợi ích của Bill Gates ngoài lĩnh vực công nghệ.
Mới đây, Bill Gates đã trở lại Việt Nam sau 18 năm và có chuyến du lịch cá nhân ở Đà Nẵng từ sáng 4/3. Trước chuyến du lịch Việt Nam, tối 1/3, nhà sáng lập Microsoft và bạn gái Paula Kalupa đã tham dự bữa tiệc trị giá 120 triệu USD mừng con trai tỷ phú Mukesh Ambani chuẩn bị kết hôn.
Tập đoàn công nghệ Microsoft cũng là một trong số các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tiết lộ các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tiếp theo của mình tại thị trường Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2023. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Mỹ đang dần biến Việt Nam thành “cứ điểm” quan trọng trong chiến lược mở rộng của mình.
Trong cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE, ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi trong chuyến công du của Thủ tướng tới UAE cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nước này mong muốn hợp tác để triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam
Đầu năm 2024, Microsoft cũng vừa cùng các đối tác công nghệ hàng đầu tổ chức hội nghị "Dẫn đầu Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo" cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khám phá và đón đầu những công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất.
5. Steve Ballmer - Cựu CEO của Microsoft, chủ sở hữu đội bóng Los Angeles Clippers
Bên cạnh Bill Gates, Microsoft còn sản sinh ra một vị tỷ phú khác đó chính là Steve Ballmer. Ông là một trong số ít những người đi làm công mà vẫn sở hữu cho mình khối tài sản lên đến gần 1 tỷ USD chỉ bằng việc nắm giữ cổ phiếu Microsoft. Trong suốt 14 năm ở cương vị CEO của gã khổng lồ Microsoft, Steve Ballmer đã có những nước đi khiến tập đoàn này phát triển cực thịnh nhưng song song với đó cũng là những thương vụ thua lỗ hàng tỷ USD.
Năm 1980, Steve Ballmer chính thức về đầu quân cho Microsoft với mức lương 50.000 USD/năm kèm theo việc sẽ sở hữu 10% cổ phần của công ty. Tại thời điểm đó, Steve Ballmer giữ chức Giám đốc Kinh doanh và trong suốt 20 năm, những dấu ấn mà Steve Ballmer để lại đã từng bước khiến Microsoft từ một công ty nhỏ trở thành tập đoàn đa quốc gia lớn và giàu mạnh.
20 năm sau ngày nhận việc, Steve Ballmer chính thức nhận chức Giám đốc Điều hành từ Bill Gates và trong suốt 14 năm sau đó là thời kỳ hoàng kim của Microsoft. Dưới thời của Steve Ballmer, vấn đề quản lý kinh doanh và minh bạch trong các báo cáo tài chính cũng được chú trọng hơn cả đối với từng chi tiết nhỏ nhất.
Không những thế, điều khiến Steve Ballmer gần như trở thành huyền thoại đó chính là những đóng góp của ông trong chiến lược kinh doanh điện toán đám mây. Nhờ điều này, doanh thu của Microsoft đã tăng trưởng vượt bậc từ 25 tỷ USD lên đến 70 tỷ USD. Trên thực tế, việc tăng trưởng về doanh thu là thứ trực tiếp khiến ông giàu lên, nguyên nhân đến từ số cổ phiếu mà Steve Ballmer đang nắm giữ.
Trong hầu hết các sản phẩm mũi nhọn mà Microsoft trình làng với giới công nghệ đều mang dấu ấn sâu sắc của Steve Ballmer. Tiêu biểu nhất đó chính là hệ điều hành Windows, tại thời điểm nhận được hợp đồng của IBM, Steve Ballmer và đội ngũ đã cùng nhau phát triển MS-DOS, theo thời gian chính phát kiến này đã giúp định hình giao diện người dùng trên Windows cũng như những sản phẩm khác của tập đoàn.
Năm 2014, năm ông nghỉ hưu ở Microsoft, và mua đội bóng Los Angeles Clippers của NBA với giá 2 tỷ USD; Forbes hiện định giá đội ngũ ở mức 4,65 tỷ USD. Ông đã tăng cường hoạt động từ thiện của mình kể từ năm 2014, đầu tư hơn 2 tỷ USD vào quỹ do nhà tài trợ tư vấn, tập trung vào khả năng di chuyển kinh tế; cho đến nay Ballmers đã cho đi gần 3,5 tỷ USD. Vào năm 2022, ông và vợ Connie đã quyên góp khoảng 425 triệu đô la cho Đại học Oregon để thành lập một viện nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu sức khỏe tâm thần và hành vi của trẻ em trong bang.
Hiện tài sản của ông là 124 tỷ USD và đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng các tỷ phú giàu nhất thế giới.
6. Larry Page - Founder Và Thành viên Hội đồng Quản trị của Alphabet (Goolge)
Tỷ phú Larry Page, người giàu thứ 12 thế giới trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes với tổng tài sản 126 tỷ USD là cha đẻ của đế chế Google.
Ông đồng sáng lập Google vào năm 1998 cùng với Tiến sĩ Stanford Serge Brin. Với Brin, Page đã phát minh ra thuật toán PageRank của Google, giúp hỗ trợ công cụ tìm kiếm.
Giữa năm 2000, Google cán mốc 1 tỷ URL web được thiết lập, chính thức trở thành công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất hành tinh. Năm 2004, Larry Page cổ phần hoá công ty và đợt IPO đầu tiên của Google diễn ra không lâu sau trên sàn Nasdaq với trị giá lên đến hàng tỷ USD.
Tuy thương vụ IPO đã thành công và mang về cho Larry Page hàng tỷ USD tài sản nhưng nó cũng làm lộ ra nhược điểm lớn nhất của nhà sáng lập. Trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Larry Page là một người rất nhanh nhạy nhưng đối với việc kinh doanh, ông lại thiếu đi sự quyết đoán và tham vọng cần có. Do vậy, ngay sau đợt IPO, năm 2019, Larry Page đã thôi giữ chức giám đốc điều hành mà đổi sang làm CPO (giám đốc sản phẩm) và làm việc tại vị trí này trước khi chuyển sang làm tại công ty mẹ Alphabet Inc.
Doanh thu ròng của Alphabet trong quý 4/2023 đạt 20,69 tỷ USD, tương đương 1,64 USD trên mỗi cổ phiếu pha loãng. Doanh thu tăng 13% lên 86,3 tỷ USD. Doanh thu quảng cáo của Google trong quý ở mức 65,52 tỷ USD, chỉ thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích là 65,73 tỷ USD. Doanh thu quảng cáo bao gồm 48 tỷ USD doanh thu tìm kiếm của Google và khoảng 9,2 tỷ USD doanh thu quảng cáo YouTube. Doanh thu từ đám mây của công ty ở mức 9,19 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu ròng của Alphabet tăng trong quý 4/2023 được cho là do Google đã ra mắt Gemini, mô hình AI mới của mình vào cuối năm 2023, nâng cao sự lạc quan về khả năng của công ty trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ cho ChatGPT của OpenAI.
Google cùng một số các tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… hiện đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Sự chuyển hướng này cũng phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư chất lượng của Việt Nam. Đó là sự chuyển hướng thu hút đầu tư FDI từ những ngành thâm dụng lao động sang những ngành thâm dụng công nghệ - vốn là thế mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Những lĩnh vực, dự án công nghệ cao, điện tử bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trung tâm tài chính, những lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D)… được Việt Nam mong muốn mời gọi các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.