Điểm mặt vũ khí siêu “khủng” ở DSEI-2013

Thứ bảy, ngày 21/09/2013 18:58 PM (GMT+7)
Triển lãm DSEI-2013 diễn ra tại Anh vừa qua, quy tụ nhiều loại vũ khí hàng đầu thế giới hiện nay, đặc biệt là các phương tiện chiến đấu bộ binh tối tân.
Bình luận 0
img
Xe chiến đấu bộ binh tương lai FRES

Triển lãm quốc phòng DSEI-2013 tại London gồm hơn 40 gian hàng quốc tế cùng các nhà cung cấp đến từ 56 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại triển lãm lần này các nhà thầu quốc phòng lớn trên thế giới đã giới thiệu nhiều mẫu xe chiến đấu bộ binh tối tân.

Những mẫu xe này đại diện cho quan điểm thiết kế hoàn toàn mới trong việc tăng khả năng đảm bảo an toàn cho binh lính và ê-kíp vận hành bên trong cũng như tăng sức mạnh hỏa lực để đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Nổi bật trong số các xe chiến đấu bộ binh tham dự triển lãm lần này là xe chiến đấu bộ binh tương lai FRES do Tập đoàn General Dynamics sản xuất. Đây là một loại xe chiến đấu bộ binh được thiết kế cho các hoạt động triển khai nhanh, có khả năng hoạt động trên nhiều nhiệm vụ khác nhau và có khả năng chống lại các mối đe dọa hiện tại.

FRES được thiết kế với 5 cấu hình khác nhau bao gồm: Xe chiến đấu bộ binh tiêu chuẩn, xe trinh sát, xe thiết giáp trung bình, xe hỗ trợ quân sự và một biến thể tổng hợp được gọi là xe chiến đấu bộ binh đa tiện ích. Vũ khí và hệ thống khác trên xe sẽ được thiết kế tùy thuộc vào nhiệm vụ của nó.

Tất cả các biến thể đều được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa CTAI 40mm, ngoài ra xe còn được trang bị lớp ngụy trang đa quang phổ giúp xe dễ dàng hòa mình vào những môi trường khác nhau khi hoạt động. Dự kiến 4.000 chiếc loại này sẽ được sản xuất cung cấp cho quân đội Hoàng gia Anh và một số quốc gia khác.

Trong khi đó Hãng Nexter của Pháp lại mang đến triển lãm lần này một chiếc xe bộ binh cực kỳ hầm hố nó được xem là “gã khổng lồ” trong làng xe chiến đấu bộ binh hiện nay. Chiếc Nexter TITUS 6x6 bánh khiến người xem ngỡ ngàng bởi vẽ ngoài hầm hố của nó.
Nexter TITUS 6x6
Nexter TITUS 6x6

Nhà sản xuất Nexter đã mang đến khái niệm tất cả các nhiệm vụ trên cùng một thiết kế. Từ vận chuyển binh lính, hỗ trợ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn hòa bình và chống nổi dậy. TITUS được đánh giá là một chiếc xe chiến đấu bộ binh của thế kỷ 21.

Điểm ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem là TITUS có thiết kế rất lớn và cao, lốp xe sử dụng loại lốp cỡ lớn. Thân xe được bọc thép từ 2-4 lớp với khả năng chống chịu tuyệt vời trước các loại vũ khí cá nhân và súng máy hạng nặng và cả súng phóng lựu chống tăng RPG. Xe có khả năng chịu được vụ nổ của mìn và vật liệu nổ tự chế với khối lượng lên đến 15kg.

Xe sử dụng hệ thống treo đặc biệt cùng ghế ngồi có khả năng hấp thụ năng lượng từ vụ nổ mìn hoặc vật liệu nổ tự chế nên đảm bảo an toàn rất cao cho bộ binh bên trong. Xe được trang bị một tháp pháo điều khiển từ xa 30mm. Nội thất bên trong xe cực kỳ hiện đại, hệ thống cảm biến đa năng cho phép ê-kíp vận hành kiểm soát môi trường xung quanh một cách dễ dàng.

TITUS dễ dàng được triển khai hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau, khi hoạt động nó được ví như một tấm lô-cốt di động bảo vệ cho bộ binh bên trong hoặc đi kèm bên hông xe do có chiều cao lớn nên khả năng che chắn của nó rất tốt.

Tuy nhiên, TITUS có nhược điểm là khối lượng chiến đấu của xe khá lớn tới 27 tấn nên việc vận chuyển đến chiến trường tương đối khó khăn.

Chi nhánh của BAE Systems tại Nam Phi cũng trình làng một mẫu xe chiến đấu bộ binh với độ hầm hố không hề thua kém gã khổng lồ TITUS. Chiếc xe chiến đấu bộ binh RG-35 có thể coi là một gã quái vật trong làng xe chiến đấu bộ binh thế giới.

RG-35 được thiết kế với 2 biến thể 4x4 và 6x6 bánh. Nói về khả năng bảo vệ bộ binh bên trong thì RG-35 không hề thua kém TITUS là mấy. Chiếc xe này được bọc giáp theo tiêu chuẩn STANAG 4569 cấp 4 của NATO. Cấp độ bọc giáp này có khả năng chống lại đạn súng máy hạng nặng 14,5mm bắn từ khoảng cách 200 mét với sơ tốc đầu nòng khoàng 911m/s.
RG-35 4x4
RG-35 4x4

Chống lại mảnh đạn pháo 155mm chất nổ mạnh từ khoảng cách 30m, lựu đạn, mìn hoặc vật liệu nổ tự chế có khối lượng 10kg. Biến thể RG-35 6x6 bánh có khả năng chở theo 16 binh lính kể cả lái xe, xe có chiều dài 7,4 mét, rộng 2,5 mét, cao 2,7 mét, khối lượng chiến đấu của nó lên đến 33 tấn.

Mặc dù có khối lượng lớn như vậy nhưng xe chiến đấu bộ binh này vẫn có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 115km/h nhờ vào động cơ diesel công suất 550 mã lực, cự ly hoạt động tới 1.000km. RG-35 có một tháp pháo đa năng có thể gắn các loại vũ khí tùy theo nhiệm vụ với cỡ nòng từ 12,7 - 20mm.

Điểm mạnh của RG-35 là ngoài khả năng mang lại sự an toàn rất cao cho bộ binh bên trong nó còn được vận chuyển đến chiến trường một cách dễ dàng bằng máy bay vận tải quân sự hạng nặng A400M hoặc một loại máy bay khác lớn hơn.

Một nhà sản xuất khác của Pháp cũng mang đến triển lãm lần này một mẫu thiết kế xe chiến đấu bộ binh được ví von là “nhỏ mà có võ”. Chiếc Panhard CRAB được ví là kẻ tí hon so với những gã khổng lồ như TITUS hay GR-35.

Mặc dù khá “mi nhon” nhưng tính năng của CRAB (cua đồng) cũng không hề kém cạnh các ông lớn. Chiếc xe được bọc giáp khá tốt có khả năng chống lại đạn xuyên giáp cỡ nòng lên đến 14,5mm, ngoài ra áo giáp bổ sung có thể chống lại vụ nổ của súng phóng lựu.
Panhard CRAB
Panhard CRAB

CRAB còn có khả năng chống được vụ nổ từ mìn chống tăng có khối lượng từ 6-8kg nổ dưới đáy xe, một tính năng độc đáo khác của xe là có khả năng bảo vệ ê-kíp lái trước tác nhân sinh, hóa học NBC. CRAB được trang bị một tháp pháo 25mm cùng với một súng máy đồng trục 7,62mm.

Chiếc xe chiến đấu bộ binh này có thể chở theo 3 người, nhiệm vụ chính của nó là trinh sát chiến trường nên nhà thiết kế đã nhấn mạnh đến tính năng cơ động của nó để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xe được trang bị một động cơ diesel tăng áp công suất 320 mã lực. Động cơ này giúp xe đạt tốc độ tới 110km/h với phạm vi hoạt động tới 800km.

SuperAV 8×8 của Iveco là một cái tên không thể không nhắc đến trong các loại xe chiến đấu bộ binh khủng được giới thiệu trong triển lãm lần này. Đây là một chiếc xe bọc thép chở quân (APC) với khả năng cơ động xuất sắc.
Super AV 8×8
Super AV 8×8

Loại xe APC này được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động đổ bộ, xe có khả năng lội nước tốt cũng như tốc độ cao trên đường. Chiếc xe này được thiết kế với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, chở quân, chiến đấu, chống xe tăng, cứu thương, hỗ trợ khác.

Xe có khả năng chở theo 13 người kể cả lái xe, hệ thống lọc không khí tiên tiến có khả năng bảo vệ bộ binh bên trong trước tác nhân sinh, hóa học NBC. Xe có hệ thống treo đặc biệt có khả năng thay đổi chiều cao gầm xe để phù hợp với địa hình hoạt động.

SuperAV 8×8 có khả năng lội nước rất tốt với 2 chân vịt ở phía đuôi xe, mũi xe có trang bị tấm chắn sóng để hoạt động trong điều kiện biển động. Nóc xe có một trạm vũ khí đa năng có thể gắn vũ khí cỡ nòng tối đa 40mm. SuperAV 8×8 đang được giới thiệu cho thủy quân lục chiến Mỹ.

Ngoài những chiếc xe chiến đấu bộ binh hầm hố, triển lãm lần này còn giới thiệu các phương tiện hỗ trợ chiến đấu dưới nước rất đặc biệt. Tiêu biểu trong số này là thiết bị di chuyển dưới nước DPD do hãng STIDD của Mỹ phát triển, đây là một loại thiết bị được thiết kế để vận chuyển các thợ lặn dưới nước di chuyển trên một quãng đường khá xa.

Đây là một thiết bị hỗ trợ cực kỳ hữu ích cho lực lượng chiến đấu đặc biệt dưới nước. Mỗi chiếc DPD có thể hỗ trợ 2 thợ lặn với đầy đủ trang bị. DPD được làm bằng vật liệu nhôm cứng cao cấp có khả năng hoạt động ở độ sâu tới 80m cùng hệ thống định vị dưới nước tiên tiến cho phép di chuyển đến mục tiêu một cách an toàn và nhanh chóng.
DPD
DPD

Do có kích thước nhỏ gọn nên DPD có thể dễ dàng mang theo để triển khai bằng dù hoặc từ xuồng đổ bộ cao tốc, việc thu hồi nó cũng khá dễ dàng như việc triển khai. DPD hiện đang được trang bị rộng rãi cho các đơn vị đặc biệt của Mỹ nhất là các đơn vị đặc nhiệm hải quân.

Một loại vũ khí khác được đặc biệt chú ý trong triển lãm lần này là súng bắn tỉa điều khiển từ xa. Đối với các loại súng bắn tỉa thông thường, xạ thủ phải ngụy trang thật kỷ để che giấu vị trí của mình. Tuy vậy, vị trí bắn có thể bị lộ khi khai hỏa và xạ thủ phải di chuyển qua vị trí khác điều này làm mất tính thời cơ của nhiệm vụ bắn tỉa.

Với loại súng bắn tỉa mới, hạn chế này hầu như bị loại bỏ hoàn toàn. Súng bắn tỉa điều khiển từ xa sử dụng một súng bắn tỉa thông thường kết hợp với một bộ điều khiển từ xa bằng dây cáp sử dụng pin năng lượng mặt trời cho phép thực hiện nhiệm vụ không giới hạn.

Xạ thủ sẽ thực hiện việc ngắm bắn, điều chỉnh vũ khí, khai hỏa thông qua một màn hình cầm tay kết nối với súng từ một khoảng cách nhất định.

Thế giới & Hội nhập (Theo Thế giới & Hội nhập)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem