Kết quả khả quan này có sự góp phần của các cấp Hội ND trong việc tuyên truyền pháp luật tới ND; phối hợp với các cấp, ngành giải quyết quyền lợi chính đáng của ND...
|
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (đứng thứ tư từ trái sang) chứng kiến lễ ký kết chương trình phối hợp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 26 giữa Hội ND, ngành Thanh tra và Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam (ngày 5.10.2011). |
Đưa luật đến nông dân
Cách đây hơn 3 năm, xã Nhật Tựu còn là một trong những điểm nóng của huyện Kim Bảng về tình hình khiếu kiện vượt cấp và tranh chấp phức tạp trong nội bộ ND. Có thời điểm, hàng chục hộ dân kéo lên cơ quan huyện để khiếu kiện.
Ông Nguyễn Công Sự-Chủ tịch Hội ND xã Nhật Tựu nhớ lại: “Phần lớn các vụ khiếu kiện của dân là về đất đai, giải phóng mặt bằng các công trình giao thông đê điều, thuỷ lợi. Hội viên đi khiếu kiện tùm lum, Hội ND xã cũng đau đầu lắm, nhưng không nắm rõ chính sách nên không biết dân khiếu kiện đúng hay sai”. Năm 2009, Nhật Tựu được chọn làm điểm về thực hiện Chỉ thị 26.
Ông Sự cho hay: “Hội ND tỉnh, huyện, xã phối hợp với ngành thanh tra, tư pháp xác minh các nội dung khiếu kiện của dân. Chúng tôi xác minh, nội dung nào đúng thì kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết cho bà con. Đúng sai đâu chỉ nói bằng lời mà phải chỉ tường tận từng điều luật quy định dân mới tin”.
Bước đầu “hạ nhiệt” được điểm nóng khiếu kiện, Hội ND xã bắt tay vào xây dựng các CLB ND với pháp luật. Bốn chi hội của xã đều thành lập CLB ND với pháp luật, được trang bị tủ sách với đầy đủ các sách, tài liệu về luật pháp liên quan đến ND, nông thôn. “Có việc gì nảy sinh, bà con cứ tra tài liệu, chỗ nào chưa rõ thì hỏi thêm. Hội ND xã không trả lời thì kiến nghị Hội ND huyện, thanh tra, tư pháp hỗ trợ để trả lời bà con...” - ông Sự cho biết.
Cũng với cách làm như ở xã Nhật Tựu, Hội ND tỉnh Hà Nam và Hội ND các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, thành phố Phủ Lý đã xây dựng và nhân rộng hàng chục mô hình điểm về thực hiện Chỉ thị 26. Việc xây dựng mô hình điểm tiến hành cùng với việc nhân rộng các tủ sách pháp luật, CLB ND với pháp luật; tổ chức trợ giúp pháp lý cho ND...
Không thể để Hội tự “bơi”
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 do Hội ND tỉnh Hà Nam tổ chức mới đây, ông Trần Văn Thành- Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Lục cho rằng: “80-90% các vụ khiếu kiện của dân hiện nay liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng, trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 và trong các cuộc làm việc với dân lại thiếu cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường (TNMT). Tôi đề nghị, việc thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ dứt khoát phải có đại diện ngành TNMT”.
Không ít đại biểu cho rằng, chính quyền nhiều địa phương không tạo điều kiện để Hội ND tham gia ngay từ đầu vụ việc, đến khi khiếu kiện đông người mới yêu cầu Hội vào cuộc. Khi sự việc tồn tại lâu, giải quyết không dứt điểm, đã nảy sinh thêm tình tiết phức tạp thì Hội vào giải quyết rất khó khăn.
Nếu dân chưa thể giám sát được quá trình tổ chức thực hiện Chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai thì tình trạng khiếu kiện còn diễn ra.
Ông Lê Trí Trung - Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Liêm
Ông Lê Trí Trung- Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Liêm cho rằng: “Chính sách, pháp luật của Nhà nước là đúng, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có sự sai lệch. Quá trình này cũng rất dễ rơi vào “vùng mờ” nếu các văn bản tổ chức, chỉ đạo thực hiện của các cấp chính quyền, địa phương không được minh bạch trước dân. Nếu dân chưa thể giám sát được quá trình tổ chức thực hiện thì tình trạng khiếu kiện còn diễn ra”.
Theo ông Trung, việc thực hiện Chỉ thị 26 hiện nay hầu như phó mặc cho Hội ND. Việc trợ giúp pháp lý, tư vấn chính sách luật pháp là của các cơ quan chuyên môn. Trong khi Hội phải tự lo kinh phí để tổ chức...
Một số đại biểu bày tỏ, việc khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 26 10 năm qua cũng do Hội ND tỉnh chủ trì, “chủ chi”, hoàn toàn vắng bóng sự động viên, khích lệ từ phía UBND tỉnh...
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.