Đổi mới mỗi ngày
Ông Trần Tình – Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, xã Điện Trung đã về đích và luôn giữ vững được danh hiệu xã NTM. Tuy nhiên, để các tiêu chí NTM thực sự hiệu quả, bền vững, đòi hỏi địa phương phải có hướng đi, cách làm đúng đắn. Trong đó các tiêu chí “cứng” như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn... được xã tiếp tục đầu tư nâng cấp, còn các tiêu chí “mềm” như môi trường, thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự thì địa phương tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia. Nhằm tiến tới xây dựng thành công “xã nông thôn mới kiểu mẫu” vào năm 2020.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang đã tạo nên sức sống mới ở xã Điện Trung.
"Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đã tình nguyện hiến đất, cây cối cho đến ngày công để xây dựng các công trình NTM, nhờ đó, đường sá trong thôn giờ đây đã khang trang, sạch đẹp hơn trước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một được nâng cao...”.
Ông Đỗ Thế Mười -
Trưởng thôn Đông Lãnh
|
Qua hơn 7 năm triển khai xây dựng NTM, từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, nguồn xã hội hóa của địa phương, Điện Trung đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhờ đó, Điện Trung đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nông thôn. Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được bê tông đạt chuẩn theo quy định đạt tỷ lệ 100%.
Hệ thống trục chính giao thông nội đồng tiếp tục được đầu tư, đặc biệt từ 2015 – 2017 xây dựng được 1420m, nâng tổng số chiều dài GTNĐ 14.322km/14.838km, đạt tỷ lệ 96,52%.
Về thủy lợi, tổng số kênh mương trên địa bàn xã đến cuối năm 2017 là 16,622km/19,306km, đạt tỷ lệ 86,10%. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác: như chợ, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… cũng được địa phương đầu tư, nâng cấp trong thời gian qua.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Ông Trần Tình cho biết thêm, ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Cụ thể, đối với các tiêu chí: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người… Xã đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm mới; phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi; hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề giúp các hộ, nhất là hộ nghèo…
Cho hiệu quả kinh tế cao phải kể đến mô hình trang trại nuôi bò sinh sản, bò thịt của anh Phạm Văn Hòa - ở thôn Tân Bình 4. Anh chia sẻ: Khi mới lập trang trại, gia đình tôi còn rất nhiều khó khăn, cả về nguồn vốn lẫn kinh nghiệm, nhưng bằng quyết tâm làm giàu, không quản ngại khó khăn, nhờ vậy mà đến nay trang trại nuôi bò của anh Hòa đã có trên 30 con. Ngoài nuôi bò, anh còn trồng 1,5 mẫu rau ngót, 2 mẫu bắp, cùng với nuôi gà vịt.
“Hàng năm, với việc chăn nuôi bò và trồng trọt như thế này, tôi lãi trên 300 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng trang trại, đồng thời nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như giải quyết việc làm cho bà con”, anh Hòa chia sẻ.
Còn theo ông Tình, ở khắp các thôn của xã có nhiều mô hình cho kinh tế hiệu quả, trong đó phải kể đến mô hình trồng rau ngót của hộ ông Đỗ Thế Hải (thôn Hòa Giang), mô hình chăn nuôi heo - bò của bà Nguyễn Thị Liên (thôn Tân Bình 4), mô hình nuôi heo của hộ bà Lê Thị Lan (thôn Đông Lãnh), mô hình trồng đậu tương của hộ ông Phạm Trường Tĩnh ở thôn Hòa Giang…thu nhập của các hộ tiêu biểu trên từ 120-200 triệu đồng/hộ/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.