Xã Chiềng Mung cách trung tâm huyện lỵ Mai Sơn gần 20km, cư dân chủ yếu là bà con dân tộc Thái. Vùng đất này khan hiếm nước quanh năm, mùa mưa bão lại là "rốn nước" của các xã lân cận. Với trên 2.300 hộ dân, nhưng Chiềng Mung chỉ có hơn 130ha ruộng lúa, trong đó gần 40ha cấy được 2 vụ. Còn đất nương thì cỏ mọc cũng không tốt.
|
Nhiều hộ ở bản Phát đã mua máy kéo Bông Sen. |
Tìm lối ra cho nông dân
"Làm nông mà ruộng ít, nương cằn thì cả bản, cả xã nghèo là điều dễ hiểu" - ông Hà Toàn nhớ lại. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, hàng loạt các cây công nghiệp, con nuôi giống mới đã được đưa về Chiềng Mung. Cũng có những chương trình thất bại, nhưng đằng sau nó là một quá trình nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
Những năm đầu của thế kỷ 21, Chiềng Mung đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ khâu chọn giống đến chăm bón, thu hoạch và tiếp thị nông sản để bán hàng. Cũng thời điểm này, huyện tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân gắn với những mô hình sản xuất phù hợp với từng địa bàn, khí hậu, trình độ lao động. Trồng ngô, sắn giống mới, trồng cà phê, người dân đã ý thức được việc thâm canh tăng vụ. Chỉ sau vài năm, nông nghiệp - nông thôn Chiềng Mung đã có nhiều chuyển biến.
Nội lực được phát huy
Bên căn nhà mới xây vững chãi với nhiều vật dụng đắt tiền, Trưởng bản Nà Hạ 2 - anh Vì Văn Niêm, khoe: “Cách đây gần chục năm, tôi mua máy cày tay; động viên vợ con nuôi lợn thịt, gà đẻ trứng, trồng rau màu tăng vụ… Bây giờ 139 hộ trong bản cũng làm như thế và hơn 100 hộ đã thoát nghèo, trong đó 60 hộ khá, giàu. Chúng tôi hiểu muốn xoá đói nghèo phải đổi mới tư duy. Nhà nào nuôi nhiều lợn, trâu, bò đều có hầm khí biogas, vừa sạch môi trường, vừa có chất đốt khỏi mua củi, phá rừng như xưa nữa”.
Trang trại phát triển, tôi mua máy xay xát, máy gặt đập liên hoàn, ô tô tải... để làm dịch vụ cho bà con. Học theo cách này, nhiều hộ đã mạnh dạn mua máy, hình thành phong trào cơ giới hoá nông nghiệp ở xã.
Ông Hoàng Văn Yên (bản Phát)
Theo thống kê của xã, Chiềng Mung hôm nay đã có gần 200 máy cày, bừa; hơn 100 máy xay xát, chế biến lương thực, hàng chục máy gặt đập liên hoàn và nhiều ô tô tải. "Những hộ chưa có điều kiện sắm riêng máy cày tay thì góp vốn theo nhóm hộ, cụm gia đình để mua máy. Theo tiêu chí mới, Chiềng Mung chỉ còn 30% hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã đạt gần 80 tỷ đồng" - ông Lò Trung Đoàn - Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung cho biết.
Chiều đang toả những tia nắng vàng yếu ớt trên dãy núi Nà Hạ 1, từng tốp máy kéo Bông Sen, ô tô tải kéo nhau về bản.
Anh Đào Quý Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, giải thích: Mùa vụ làm đất đã xong, cây trồng trên nương đã thu hoạch hết, các hộ có máy đi làm dịch vụ ở các xã bên. Đi làm thuê, học được cái gì hay, bà con lại phổ biến cho nhau nên tiến bộ nhanh lắm. Như hàng chục hộ nuôi lợn quy mô lớn bây giờ không mua cám thành phẩm vì quá đắt. Họ sử dụng nông sản của mình để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Nội lực Chiềng Mung bắt đầu từ những điều đơn giản ấy!
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.