Lợi nhuận tăng, nợ xấu cũng... phình to
Sacombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu (Ảnh: IT)
Kết thúc quý 1.2017, hầu hết các nhà băng đều có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngân hàng báo lãi gấp đôi, gấp 3 cùng kỳ như Techcombank, Sacombank, ACB... Thậm chí, Eximbank còn lãi gấp gần 6 lần, đạt 170 tỷ đồng (so với khoảng 30 tỷ đồng cùng kỳ năm trước). Riêng một số “ông lớn” ngành ngân hàng chỉ trong quý 1.2017 đã báo lãi trước thuế lên tới cả ngàn tỷ đồng như: Vietcombank lãi 2.737 tỷ đồng; Vietinbank lãi 2.544 tỷ đồng; BIDV lãi 2.277 tỷ đồng; VPBank báo lãi 1.924 tỷ đồng,...
Dù lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhưng tình hình nợ xấu các ngân hàng cuối quý 1.2017 lại có xu hướng gia tăng so với thời điểm đầu năm. Các ngân hàng thuộc nhóm này bao gồm Vietinbank, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Eximbank.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cơ quan điều hành không nên đánh đổi sự an toàn của hệ thống để chạy theo tăng trưởng tín dụng “nóng”, nhất là trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang là gánh nặng của không ít ngân hàng...
|
Cụ thể, đứng đầu trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Sacombank với con số lên tới 4,89% tổng dư nợ. Nếu so với thời điểm đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã giảm (mức 5,35% hồi đầu năm), nhưng Sacombank vẫn là một trong những nhà băng đứng đầu với 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng ở mức 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.
Kế đến, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm. Riêng BIDV lại là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016.
Một loạt các nhà băng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng như: Eximbank 3%, Vietinbank 1,13% , BIDV 2,14%, Techcombank 1,89%, SHB 1,92% ...
Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý I là Vietcombank, VIB và Kienlongbank.
Chi phí dự phòng tiếp tục là gánh nặng
Báo cáo tài chính quý 1.2017 cũng cho thấy khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tiếp tục là gánh nặng bào mòn lợi nhuận của các nhà băng.
Trong đó, khoản chi phí dự phòng trong hệ thống các ngân hàng cũng tăng. Như BIDV chi phí hoạt động lên tới 3.262 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng tới 2.348 tỷ đồng. Vietinbank có chi phí hoạt động lên tới 3.114 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng tới 2.065 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, chi phí hoạt động cũng tăng mạnh từ 2.367 tỷ lên 3.149 tỷ đồng (tăng tới 33,06%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm 100 tỷ lên 1.400 tỷ đồng (tăng 7,31%).
Tuy nhiên, so với các ông lớn này thì nhiều nhà băng quy mô nhỏ hơn lại có chi phí dự phòng tăng khá cao. Chẳng hạn, ACB phải trích lập dự phòng khoảng 607 tỷ đồng (tăng 160%); MB phải trích lập 579 tỷ đồng (tăng 141,9%).
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank đang tiết giảm dần các khoản chi phí và trích lập dự phòng so với cùng kỳ. Đây có thể là tín hiệu tích cực với các nhà băng này trong triển khai tái cơ cấu thời gian qua.
Cụ thể, chi phí hoạt động của Eximbank trong quý 1.2017 chỉ còn 531 tỷ đồng (giảm 19,81% so với cùng kỳ); chi phí dự phòng cũng giảm chỉ còn 133 tỷ đồng (giảm 60,5%). Tương tự, chi phí hoạt động của Sacombank trong quý 1.2017 cũng giảm 5,92%, chỉ còn 1.378 tỷ đồng; trong khi đó chi phí dự phòng lại giảm tới con số -100,19% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê từ 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I.2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.