Điện Biên: Loại quả đặc sản lắm mắt đếm không xuể, ruột màu vàng ươm giúp nông dân lên đời

Phương Linh Thứ ba, ngày 25/01/2022 14:06 PM (GMT+7)
Sản xuất đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm dứa của HTX Na Sang (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đã được 3 doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Tham gia vào liên kết chuỗi, nông dân và doanh nghiệp cùng HTX bắt tay phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây dứa và thương hiệu dứa Mường Chà.
Bình luận 0

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, tin vui đã đến với HTX Na Sang. Đầu tháng 1/2021, cùng với 9 sản phẩm khác, dứa quả Na Sang đã được UBND tỉnh đánh giá và xếp hạng 3 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản xuất sạch không lo "giải cứu"

Thực hiện đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc do Bộ NNPTNT phê duyệt, từ tháng 3/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT Điện Biên) đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn.

Dứa Mường Chà vững đầu ra - Ảnh 1.

Nông dân Mường Chà thu hoạch dứa. Ảnh: P.L

Để giữ gìn uy tín thương hiệu dứa Mường Chà, HTX Na Sang đang chú trọng nâng cao chất lượng, hạn chế mở rộng diện tích gây dư cung. Khi cần mở rộng diện tích, HTX, doanh nghiệp và địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm nguồn lợi cho người dân.

Thực hiện mô hình là HTX Na Sang (xã Na Sang) với 54 hộ dân tham gia, quy mô 61ha. Cuối tháng 11/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm dứa Mường Chà đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho HTX Na Sang.

Người trồng dứa khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ kỹ thuật bón lót, làm cỏ từ khi trồng đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó, Chi cục đã hỗ trợ 5.000 tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm cho HTX. Sau khi mô hình hoàn thành, quả dứa Mường Chà đã được đưa vào bày bán tại Siêu thị Tâm Ðỏ (TP.Ðiện Biên Phủ); đưa vào gian hàng trưng bày sản phẩm rau - củ - quả an toàn của Công ty Thực phẩm an toàn Safe Green (TP.Ðiện Biên Phủ) và một số đơn vị bao tiêu sản phẩm an toàn tại thủ đô Hà Nội.

So với ngô, lúa, đậu tương…, dứa là cây trồng đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Dứa Mường Chà là loại quả ngon, được nhiều người chọn mua, nên nhờ trồng dứa, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hiện nay, tại Mường Chà - địa phương có hơn 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, có không ít hộ dân thoát nghèo và giàu lên nhờ cây dứa. Tùy vào diện tích mà thu nhập từ cây dứa là khác nhau nhưng theo tính toán của địa phương, với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha mang về cho người dân 50-60 triệu đồng.

Nhiều người dân Mường Chà chia sẻ, cây dứa cho thu nhập ổn định và có thể trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm, vì thế "không dại gì lại dùng các loại thuốc hóa học không được cho phép bỏ vào chính "nồi cơm" của mình!".

Đáng chú ý, để vượt qua cơn "bão giá" các loại phân bón trong năm nay, HTX hướng dẫn các thành viên, hộ dân liên kết sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc "5 đúng" (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp).

Kết nối chuỗi liên kết

Trên địa bàn huyện Mường Chà, cây dứa được triển khai trồng chủ yếu 3 xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Để đưa trái dứa Mường Chà tới nhiều địa phương trên cả nước và giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Mường Chà đã thành lập 2 HTX là HTX Na Sang và HTX Sa Lông để thu mua dứa cho người dân, đảm bảo giá bán dứa ổn định. Trong đó, mỗi ngày HTX Na Sang mua vào khoảng 40 - 50 tấn dứa.

Hiện nay, 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên cam kết bao tiêu sản phẩm dứa của HTX Na Sang. Tham gia vào liên kết chuỗi, nông dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây dứa và thương hiệu dứa Mường Chà. Thành công nhất của việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi là sản phẩm dứa của HTX Na Sang được cấp chứng nhận nông sản an toàn; bao bì, đóng gói đẹp mắt và dán tem, mã truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Nhờ đó, lợi nhuận của các thành viên cao hơn.

Giám đốc Lê Thanh Tâm cho biết, HTX có trên 160ha dứa, trong đó có 63ha dứa được trồng theo chuẩn VietGAP. Không chỉ bán cho thương lái của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và TP.Hà Nội, sản phẩm dứa của HTX cũng tìm được đầu ra ổn định bằng việc ký được hợp đồng tiêu thụ từ 2.000 - 2.500 tấn dứa/năm với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát tại tỉnh Nam Định đến năm 2024.

Hiện nay, toàn huyện Mường Chà có gần 360ha dứa. Cây dứa là một trong những cây thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện. Vì vậy, có thể nói, việc dứa trở thành sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Mường Chà cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các HTX nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời sẽ phát triển thêm các sản phẩm thế mạnh khác trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem