Diễn biến mới vụ kit xét nghiệm Việt Á: Cán bộ Bộ Y tế và Bộ KHCN bị khởi tố, đối mặt hình phạt nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 01/01/2022 12:53 PM (GMT+7)
Các cán bộ tại Bộ Y tế và Bộ KHCN vừa bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm của Công ty Việt Á đối diện khung hình phạt thế nào? Luật sư đã có phân tích.
Bình luận 0

Khung hình phạt cao nhất 15 năm tù

Như Dân Việt đã thông tin, chiều qua (31/12), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và áp dụng biện pháp tư pháp đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế), ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN), để điều tra về tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Vụ kit xét nghiệm Việt Á: Các lãnh đạo “dính chàm” tại Bộ Y tế và Bộ KH-CN đối mặt hình phạt nào? - Ảnh 1.

Các bị can Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên và Trịnh Thanh Hùng (từ trái qua). Ảnh Bộ Công an

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà một số cán bộ Bộ Y tế và Bộ KHCN vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Theo quy định, tội danh này có 3 khung hình phạt, khung 1 là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Khung 2 là bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; Khung 3 là bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đây là hình phạt bổ sung.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà những lãnh đạo nêu trên có thể bị phạt theo các khung như đã phân tích.

Bình luận về tội danh, luật sư Hòe cho biết, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà  nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 hành vi song song là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi gây thiệt hại.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích của mình.

Hành vi thứ hai của tội này là hành vi gây thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là thiệt hại khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thiệt hại khác ở đây không phải thiệt hại về vật chất, nó có thể là thiệt hại phi vật chất như danh dự, uy tín hoặc làm xáo trộn hoạt động bình thường của nhà nước, tổ chức, cá nhân,...

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sẵn sàng chi 20% giá trị hợp đồng cho những người quyết định

Trước đó, ngày 18/12, C03 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tư pháp đối với 7 người có liên quan về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong số này có ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng nhiều người có liên quan.

C03 xác định ông Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính chất cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước cũng như sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, để cấu kết với các bên liên quan nhằm trục lợi.

Cụ thể, một mặt Công ty Việt Á chủ động cung ứng kit xét nghiệm cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, TP sử dụng; mặt khác, thông đồng với một số đơn vị bên mua hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, thông qua 12 pháp nhân của Công ty Việt Á.

Mỗi thương vụ thành công, ông Phan Quốc Việt sẵn sàng chi 20% giá trị hợp đồng cho những người quyết định. Chỉ tính riêng 5 hợp đồng mua bán kit xét nghiệm với CDC Hải Dương trị giá trên 150 tỉ đồng, ông Phan Quốc Việt đã chi cho ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền 27 tỉ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem