Diễn biến nóng vụ đại án liên quan đến ông Trần Bắc Hà

Phạm Hiệp Thứ sáu, ngày 17/07/2020 06:20 AM (GMT+7)
Ngày 17/7, thông tin mà Dân Việt nắm được, Toà án Nhân dân TP.Hà Nội đã có quyết định mới liên quan đến vụ án do ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV chủ mưu.
Bình luận 0

Cụ thể, Toà án Nhân dân TP.Hà Nội là đơn vị dự kiến sẽ xét xử sơ thẩm đại án liên quan đến ông Trần Bắc Hà.

Tuy nhiên, chỉ cách phiên khai mạc vài ngày, toà sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án.

Nếu toà không trả hồ sơ, vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng BIDV, Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 20/7 tới.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Hội đồng xét xử gồm 5 người, có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, trong đó thẩm phán, chủ toạ phiên toà là ông Vũ Quang Huy, cùng với đó là thẩm phán Trương Việt Toàn.

Phiên toà có 3 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội tham gia.

Diễn biến nóng vụ đại án liên quan đến ông Trần Bắc Hà - Ảnh 1.

Toà án Nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với đại án liên quan đến nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà.

Các bị cáo Trần Lục Lang - nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV, Đoàn Ánh Sáng - nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV, Kiều Đình Hòa - nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, Lê Thị Vân Anh - nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - BIDV chi nhánh Hà Tĩnh,

Ngô Duy Chính - nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành, Nguyễn Xuân Giáp - nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành, Phạm Hồng Quang - nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành,

Đặng Thành Nam - nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

4 người còn lại là Đoàn Hồng Dũng - nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng, Trần Anh Quang - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, Đinh Văn Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, Nguyễn Thị Thanh Sơn - nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".

Ngân hàng BIDV trong vụ án này tham gia tố tụng với tư cách bị hại.

Có tổng số 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại và đương sự tại phiên tòa.

Diễn biến nóng vụ đại án liên quan đến ông Trần Bắc Hà - Ảnh 2.

BIDV được xác định là bị hại trong đại án này. Dự án chăn nuôi bò do Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đổ bể khiến BIDV thiệt hại rất lớn.

Trong đại án này, ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV được xác định là chủ mưu, cầm đầu về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Tuy nhiên, giữa năm 2019, ông này đã tử vong trong trại giam nên cơ quan điều tra đã đình chỉ bị can.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà), Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.672 tỷ đồng.

Với Công ty Bình Hà, trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV…

Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là 799 tỷ đồng.

Diễn biến nóng vụ đại án liên quan đến ông Trần Bắc Hà - Ảnh 3.

Con trai nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà được xác định đã thao túng hoạt động của Công ty Bình Hà.

Đối với Công ty Trung Dũng, tháng 8/2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng mặc dù tình hình tài chính của công ty này khó khăn…

Đáng chú ý, theo cáo trạng, quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo Chính, Giáp, Quang, Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ…

Trong vụ án này, bị can Trần Lục Lang – nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng, thành viên Phân ban Quản lý rủi to tín dụng, đầu tư đã có hành vi ký phê duyệt trên các báo cáo của Ban Quản lý rủi ro tín dụng đề xuất cấp tín dụng, thay đổi điều kiện cấp tín dụng.

Trần Lục Lang đã ký phê duyệt các phiếu lấy ý kiến của Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay, sửa đổi điều kiện cấp tín dụng.

Cùng với đó, trên cơ sở quyết định của Hội đồng quản trị, ông Lang đã ký các văn bản chỉ đạo Chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, bị can này còn ký đề xuất Hội đồng quản trị gia hạn hợp đồng hạn mức năm 2016, đề xuất cấp hạn mức ngắn hạn năm 2017 đối với Công ty Bình Hà với các điều kiện ưu đãi trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV.

Theo Trần Lục Lang, ban đầu chỉ biết Công ty Bình Hà là sản phẩm của liên danh giữa Công ty CP tập đoàn An Phú và Công ty CP tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đến giữa năm 2018 mới biết công ty này là của ông Trần Bắc Hà, và ông Hà sử dụng công ty sân sau là Công ty CP tập đoàn An Phú do con trai làm chủ tịch để xin cấp phép đầu tư, thành lập Công ty Bình Hà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem