Điểm đến của du lịch Việt Nam còn thiếu dịch vụ mua sắm, giải trí
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-12-10/vo-anh-tai2-1575911938-width864height576.jpg)
Ông Võ Anh Tài – Phó TGĐ Saigontourist
Theo số liệu nghiên cứu, nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (10-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình khoảng 900 USD cho một chuyến 9 ngày. Chính vì vậy, Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 – 2019 đã tập trung những vấn đề, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.
Diễn đàn đã diễn ra 4 Hội nghị chuyên đề, trong đó Hội nghị chuyên đề “Cải thiện trải nghiệm du khách tại điểm đến” được diễn ra vào sáng 9/12 với sự tham gia của ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp.
Hội nghị đã thảo luận, chỉ ra những nguyên nhân là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng... Đặc biệt, Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Cải thiện chất lượng sản phẩm với khách du lịch tới Việt Nam; Cải thiện du lịch xanh, du lịch cộng đồng; Giải pháp thông tư.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Anh Tài – Phó TGĐ Saigontourist đã đưa ra những vấn đề khó khăn của các công ty lữ hành như vấn đề giao thông, ngoại ngữ của các hướng dẫn viên, việc xin visa, tổ chức cho du khách nhập cảnh… đặc biệt là các điểm đến của du lịch Việt Nam còn thiếu dịch vụ mua sắm, giải trí.
“Tôi nghĩ bên cạnh những trải nghiệm về không gian văn hoá, ẩm thực, di sản văn hoá, di tích lịch sử… du khách cũng rất cần mua sắm, giải trí. Thế nhưng các điểm đến của Việt Nam còn thiếu nhiều dịch vụ mua sắm và giải trí. Các điểm đến thiếu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của từng vùng, địa phương. Tôi ví dụ đất nước Cu Ba dù kinh tế chưa phát triển nhưng cũng vẫn có sản phẩm đặc trưng đó là xì gà. Khi nhắc tới Cu Ba người ta sẽ nghĩ đến đặc sản là xì gà.
Hoặc như Thái Lan được gọi là thiên đường gofl Châu Á, hội tụ hơn 300 sân golf đẳng cấp quốc tế ở khắp đất nước. Mỗi điểm đến của golf Thái lại sở hữu một đặc trưng riêng, tạo thành hành trình du lịch lý tưởng cho những tín đồ golf khi đã chọn Thái Lan làm điểm đến trải nghiệm. Điều này dẫn tới dịch vụ mua sắm, giải trí trong đó có liên quan đến golf được tăng lên”, ông Võ Anh Tài cho biết.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-12-10/nguyen-thanh-hong-1575911984-width864height576.jpg)
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam thì cho rằng, du lịch cộng đồng cần gắn với làng nghề truyền thống và các lễ hội, các nét đặc trưng văn hoá của mỗi vùng miền, điểm đến.
“Tỉnh Quảng Nam đã ban hành riêng nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Chúng tôi chọn 21 điểm là nơi có những thiên nhiên ưu đãi và những lễ hội làng nghề có nét văn hoá đặc trưng độc đáo.
Nghị quyết này rất cụ thể, hỗ trợ cho cộng đồng để đầu tư hỗ trợ giao thông, hạ tầng cơ sở, bãi để xe, quảng bá điểm đến, và kỹ năng hướng dẫn của HDV... Tuy nhiên để phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu cơ chế chính sách. Việc đào tạo kỹ năng cho người dân, người trực tiếp làm về du lịch cộng đồng còn chưa có. Các doanh nghiệp chưa sẵn sàng vào làm du lịch cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến chỉ ra các vấn đề khó khăn khác như: Du lịch là kinh tế liên ngành cần sự ủng hộ của nhiều ngành, địa phương mới phát triển, hay du lịch Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, mặc dù Việt Nam có thể mạnh về tài nguyên.
Du lịch xanh, du lịch cộng đồng là điểm nhấn của du lịch Việt Nam, nhưng chưa phát triển được bởi phân chia lợi ích, giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền. Nếu phát triển loại hình này, cần hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa bằng cách thay vì khai thác rừng thì nên bảo vệ rừng. Hạ tầng điểm đến của du lịch như giao thông đường bộ, khách sạn, các dịch vụ mua sắm… còn nhiều hạn chế tại địa phương.
Đường thuỷ cũng là vấn đề được nhắc đến tại các điểm đến, Nhà nước cần khai thác, xây dựng những cảng phục vụ cho du lịch. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng được thảo luận tại chuyên đề 3, bởi môi trường cũng là vấn đề quan trọng tại các điểm đến du lịch. Cần chung tay bảo vệ môi trường, nếu phát muốn phát triển du lịch bền vững thì cần tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa.
Đào tạo nguồn nhân lực còn thiếu và yếu
Một vấn đề nữa dù không phải là vấn đề mới nhưng vẫn khiến các đại biểu tại Hội nghị lắng nghe và trao đổi nhiều là vấn đề đào tạo nhân lực còn yếu, hướng dẫn viên (HDV) du lịch còn thiếu và yếu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-12-10/bui-van-dung-1575912275-width864height568.jpg)
Ông Bùi Văn Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam
Trao đổi về điều này, ông Bùi Văn Dũng – Phó chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cho biết: “Trong 3 năm gần đây, có thể nói đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đã đóng góp một phần rất quan trọng trong tốc độ tăng trưởng phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, đội ngũ HDV du lịch nói chung và công tác quản lý HDV du lịch nói riêng vẫn còn tồn tại một số vấn đề.
Đó là hiện tượng HDV hành nghề không đúng quy định của pháp luật như tự đứng ra nhận hướng dẫn cho các đoàn khách du lịch, tự đặt dịch vụ cho khách du lịch. Một vấn đề khác là trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề của một số HDV du lịch chưa cao, việc đào tạo chưa đi đôi với thực hành, việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn yếu. Vừa qua, Hội HDV du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt xếp hạng HDV cho gần 1.000 HDV du lịch tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… được sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, thế nhưng tỷ lệ HDV du lịch thiếu kiến thức, kỹ năng yếu là khá nhiều.
Tại Hội thảo “Tăng cường quản lý Hướng dẫn viên du lịch” do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 21/8/2019 tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch cho biết mỗi năm các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương phát hiện và thu hồi trên 200 thẻ HDV và du lịch do HDV du lịch sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả, đến nay đã phát hiện và thu hồi gần 1.000 thẻ HDV”.
Theo ông Bùi Văn Dũng, việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả, không qua đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn này đã làm giảm chất lượng của các sản phẩm du lịch, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của các địa phương, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế, làm hỏng môi trường du lịch...
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-12-10/toan-canh-c---3-1575912325-width864height576.jpg)
Kết thúc Hội nghị “Cải thiện trải nghiệm du khách tại điểm đến”, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra mấy kiến nghị của các doanh nghiệp: Nhà nước từng bước chuyển xã hội hoá quản lý điểm đến để sử dụng nguồn lực xã hội phát triển du lịch. Cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí cụ thể các điểm du lịch, như là vấn đề công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư vệ sinh môi trường… để doanh nghiệp đủ điều kiện có thể cam kết và coi đó là điểm đến du lịch.
Thứ 3 là chúng ta cần phải sớm xây dựng thương hiệu các điểm đến. Chúng ta chưa có có thương hiệu quốc gia, chưa có thương hiệu vùng và thương hiệu điểm đến. Các doanh nghiệp cho rằng những nét đặc trưng của từng vùng, địa phương sẽ tạo thương hiệu không thể thay thế. Thứ 4 là yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Thứ 5 là ứng dụng CNTT trong quản lý điểm đến và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.