Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nữ Giám đốc HTX đại điền mong quy hoạch đất đai rõ ràng, minh bạch

D.Hùng Chủ nhật, ngày 13/10/2024 09:01 AM (GMT+7)
"Trong nông nghiệp, dù trồng trọt hay chăn nuôi quỹ đất đều đóng vai trò quan trọng. Với những HTX đại điền như chúng tôi chính sách đất đai càng rõ ràng, minh bạch nông dân càng dễ sản xuất. Vì vậy gửi tới Diễn đàn lần này, tôi mong vấn đề đất đai một lần nữa được quan tâm, xem xét kỹ" - chị Trần Thị Lanh bày tỏ.
Bình luận 0

Chị Trần Thị Lanh là Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh ở xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, Thái Bình). HTX của chị là 1 trong 63 HTX tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập được vinh danh trong năm 2024.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nữ Giám đốc HTX đại điền mong chờ quy hoạch đất đai rõ ràng, minh bạch - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh

HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh thành lập từ tháng 5/2022, ngành nghề chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp và canh tác 100ha đất lúa. Để đảm bảo HTX hoạt động tốt nhất, mang lại nguồn thu lớn nhất theo đúng mục đích sản xuất quy mô lớn, chị Trần Thị Lanh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất. Hiện, HTX có 3 máy làm đất, 1 máy gặt, 4 máy cấy, 2 máy bón phân, 1 lò sấy với công suất 40 tấn/ngày, 1 máy bay phun thuốc.

HTX Quang Lanh đang khai thác giống lúa TBR225 là chủ đạo, đây là giống lúa đang được thị trường ưa chuộng, ít sâu bệnh, giúp mang lại lợi ích kinh tế cao. Trung bình mỗi vụ, sản lượng thóc cho thu hoạch trung bình từ 6 - 7 tấn/ha. Toàn bộ quy trình được khép kín từ khâu gieo mạ, cấy lúa, bón phân, xử lý sâu bệnh, gặt, sấy, đóng gói và bán ra thị trường... Năm 2023 lúa được giá, sau khi trừ các chi phí, mỗi ha lúa của HTX lãi khoảng 10 triệu đồng/vụ. Với 100ha, HTX lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi vụ.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nữ Giám đốc HTX đại điền mong chờ quy hoạch đất đai rõ ràng, minh bạch - Ảnh 2.

HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung đất đai và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: T. Đạt

Trước thềm Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX với chủ đề "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói", chị Lanh đã gửi tới Diễn đàn một số vấn đề cùng mong muốn được các bộ, ban, ngành lắng nghe và tháo gỡ.

Thứ nhất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ổn định sản xuất lâu dài. Chị Lanh lấy ví dụ: Thái Bình vốn được xem là "vựa lúa" của ĐBSH với diện tích và năng suất thuộc hàng đứng đầu ở miền Bắc. Tuy nhiên, để nói Thái Bình là vùng sản xuất hàng hóa tập trung thì chưa hề có quy hoạch hay kế hoạch xây dựng lâu dài nào cả.

Quy hoạch vùng sản xuất cũng chính là cơ sở để việc thực hiện giao đất cho những hộ làm ăn lớn có cơ hội tích tụ ruộng đất lâu bền hơn, giúp mô hình kinh doanh bền bỉ hơn.

"Mặc dù UBND tỉnh cũng đã dành nhiều ưu đãi để phát triển đại điền, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhưng cấp tỉnh cũng chưa thể nào có quyết sách đầy đủ, bao quát như quy hoạch quốc gia, do đó, chúng tôi vẫn rất mong chờ một quy hoạch đủ xứng tầm để yên tâm, kiên định theo con đường sản xuất quy mô lớn như cách làm hiện nay" - chị Lanh nhấn mạnh.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nữ Giám đốc HTX đại điền mong chờ quy hoạch đất đai rõ ràng, minh bạch - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Lanh mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T. Đạt

Thứ hai, có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: giao thông, thuỷ lợi nội đồng, kênh mương nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

Thứ ba, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá; truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Song song với đó là thực hiện công tác số hoá đồng ruộng, chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VietGap, hướng tới sản xuất hữu cơ, giảm khí phát thải nhà kính.

Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm để chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng các loại công trình phục vụ mục đích trồng lúa (khu làm mạ, khu sấy lúa…). Đây cũng chính là cơ sở là nền tảng hỗ trợ việc quy hoạch những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; dần hình thành chuỗi sản xuất khép kín hiện đại và tiên tiến hơn.

Và cuối cùng, với những HTX thành lập mới chị Lanh rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, bởi với các HTX nếu không có công cụ sản xuất trong tay thì chẳng khác nào "mất mùa ngay tại sân nhà" - chị Lanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem