TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT)
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội của nông sản Việt khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA?
- Theo số liệu xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang các nước CPTPP, Nhật Bản là nước có kim ngạch cao nhất. Việt Nam đang xuất siêu các sản phẩm nông nghiệp sang Nhật Bản, Canada, Mexico, Malaysia và Brunei.
Tôi cho rằng, các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đều có lợi thế khi tham gia CPTPP, chúng ta đang đứng trước cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế quan từ nhóm các nước như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, vốn là các nước chúng ta đã thực thi các FTA song phương và trong ASEAN.
Ví dụ ở thị trường Nhật Bản, tham gia CPTPP, các mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, tôm, cua ghẹ…
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm. Ảnh: P.V
Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề: “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” diễn ra vào ngày 11/10 tại khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Diễn đàn do Hội NDVN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, Báo NTNN thực hiện. |
Hay với thị trường Canada, các sản phẩm nông sản của Việt Nam được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết, gồm: Gạo và sản phẩm chứa gạo, mì, miến, bột sắn, cà phê, chè xanh, chè đen, tiêu, điều, rau hoa quả…
Dù được đánh giá có nhiều cơ hội nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang xuất hiện những yếu tố rào cản mới, ngay cả ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?
- Đúng là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do những yêu cầu của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, họ kiên quyết nói không với xuất khẩu tiểu ngạch vì vậy nhiều mặt hàng gặp khó ở thị trường này, trong khi những sản phẩm đã được phép xuất khẩu chính ngạch vẫn thông quan một cách thuận lợi.
Phải nói rằng, yêu cầu các mặt hàng nông sản phải được xuất khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc là một đòi hỏi chính đáng nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, đã có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của những sản phẩm này vẫn ổn định.
Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán để có thêm nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc, theo thứ tự ưu tiên những mặt hàng có lợi thế, trước mắt là sữa (sẽ có lô hàng xuất khẩu đầu tiên trong tháng 10), thạch đen, khoai lang, sầu riêng.
"Để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, giúp nông dân tự tin đi “chợ”, cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
TS Nguyễn Quốc Toản
|
Không chỉ Trung Quốc, ở những thị trường tham gia CPTPP, EVFTA thì yêu cầu của họ còn cao hơn rất nhiều, không có cách nào khác là bản thân doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi để đáp ứng.
Vậy theo ông, để nông dân vững vàng tham gia “chợ thế giới” cần những giải pháp gì?
- Theo tôi, để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, giúp nông dân tự tin đi “chợ”, cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục đàm phán kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả ưu đãi từ thị trường các nước CPTPP, EVFTA; tăng cường tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại của các nước; nghiên cứu, dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, nông dân không thể đơn lẻ bước ra chợ thế giới nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, vì vậy việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi (tăng 660 mô hình so với cùng kỳ năm 2018; 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63/63 tỉnh, thành phố; tổng số doanh nghiệp nông nghiệp của cả nước hiện đạt 9.235 doanh nghiệp. Đây chính là nhân tố giúp nông dân tự tin hội nhập, đưa nông sản Việt tiến xa hơn trên thị trường thế giới và nắm thế chủ động ở thị trường nội địa.
Xin cảm ơn ông!
Chăn nuôi là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro
“Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với hàng loạt các FTA được ký kết, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ngay trên chính sân nhà do mức độ cạnh tranh ngày càng cao, với sự xuất hiện của các sản phẩm nhập khẩu. Ngược lại, ở thị trường xuất khẩu, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao, dẫn tới hạn chế khi đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao và phát triển”.
Ông Nguyễn Đức Thuận - Tổng Giám đốc
Công ty CP Thức ăn chăn nuôi HASCO
Điểm yếu công nghệ đóng gói
“Điểm yếu của nông sản chế biến của Việt Nam chính là mẫu mã bao bì chưa thực sự bắt mắt, công nghệ đóng gói còn thô sơ so với các nước đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... Ví dụ, cùng sản phẩm của Việt Nam và Thái Lan với giá tương đương, mẫu mã bao bì của Thái Lan đẹp hơn thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn sản phẩm của họ thay vì của Việt Nam. Còn xét về chất lượng thì rất khó để phân biệt hai sản phẩm khác nhau ở đâu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đa phần là vừa và nhỏ, công nghệ đóng gói còn thô sơ, dùng ghim đóng gói. Các dây chuyền, máy móc kiểm nghiệm của Hàn Quốc đều trang bị nam châm. Nếu phát hiện ghim vô tình rơi vào trong sản phẩm, đơn vị nhập khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với sức khỏe người tiêu dùng”.
Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam
Hoàng Thắng (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.