Diễn viên Thanh Loan: "Đi đâu người ta cũng gọi tôi là Huyền Trang"
Diễn viên Thanh Loan: "Đi đâu người ta cũng gọi tôi là Huyền Trang"
Thứ sáu, ngày 30/04/2021 17:35 PM (GMT+7)
Diễn viên Thanh Loan, người thủ vai ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” chia sẻ về vai diễn để đời, cũng là vai diễn cuối cùng đã đưa bà lên đỉnh cao của nghiệp diễn.
Những ngày này, trong không khí kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), những thước phim, những câu chuyện về thời kỳ chiến đấu hào hùng mà oanh liệt ấy lại được lần giở lại để xem, để nghe.
Có một bộ phim được xem là một tuyệt tác của nền điện ảnh nước ta, khắc họa hình tượng những người chiến sỹ đặc biệt trong cuộc chiến tranh miền Nam năm ấy. Đó là phim "Biệt động Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân. Phim dài 4 tập, phát sóng năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật, những cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Trong dàn diễn viên năm đó, ni cô Huyền Trang – một nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành là một trong những vai diễn ấn tượng nhất. Vai diễn này do diễn viên Thanh Loan thể hiện. Đó là vai diễn cuối cùng, cũng là vai diễn đưa bà lên đến đỉnh cao nghề diễn.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với diễn viên Thanh Loan để nghe bà kể lại những kỷ niệm với vai diễn đặc biệt này:
Thưa nghệ sĩ Thanh Loan, ở thời của bà khi đất nước còn khó khăn thì có lẽ để đến được với nghiệp diễn cần một chữ "duyên". Với bà, trở thành diễn viên là “người chọn nghề” hay “nghề chọn người”?
- Năm tôi mới 15 tuổi thì có theo bạn bè đi tuyển diễn viên bên Quân đội. Tháng 2/1967, tôi nhập ngũ vào Trường Nghệ thuật Quân đội đúng thời kỳ bắt đầu chiến tranh ác liệt ở miền Bắc. Sau khi học xong, tôi về làm diễn viên ở đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.
Thời gian đó, tôi có cơ hội đóng rất nhiều phim. Ví dụ như phim “Người về đồng cói” của cố đạo diễn NSND Bạch Diệp, phim “Bài ca ra trận” của cố đạo diễn NSND Trần Đắc. Đó là 2 dấu ấn phim về đề tài chiến tranh và xây dựng nông thôn đổi mới. Ngoài ra tôi cũng có cơ hội đóng nhiều vai chính trong các vở kịch như vai bé Nga trong vở “Nổi gió”, vai bác sỹ Nga trong vở “Đôi mắt”, vai Nhàn trong vở “Chị Nhàn”...
Sau này, tôi xây dựng gia đình và các cháu còn nhỏ nên cũng ít có cơ hội đóng phim. Thế rồi Truyền hình Quân đội thành lập, chưa có phát thanh viên nên các anh ấy mời tôi về làm phát thanh viên. Được 3 năm thì Truyền hình Quân đội giải thể, tôi chuyển sang làm phát thanh viên của Truyền hình Công an nhân dân cho đến lúc về nghỉ hưu.
Từ khi còn ở bên Quân đội thì tôi cũng rất hay được các đoàn phim mời tham gia nhưng vì nhiều lí do nên không thể nhận lời. Mãi sau này sang bên Công an thì tôi mới có cơ hội đóng nhiều phim hơn.
Vậy cơ duyên nào đã đưa bà đến với vai diễn ni cô Huyền Trang và bộ phim “Biệt động Sài Gòn”?
- Một lần tôi đi làm phát thanh viên ở Tp.HCM thì gặp các anh ở đoàn phim “Biệt động Sài Gòn”. Thời điểm đó bộ phim đã quay được 1 năm rồi, nhưng vẫn chưa tìm được diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang. Sau đó, đạo diễn Long Vân có ngỏ lời mời tôi tham gia vai đó, nhưng tôi bảo phải để tôi đọc kịch bản đã.
Khi đọc xong kịch bản, tôi thấy đó là một kịch bản rất hay, có đất phát triển cho người diễn viên được thể nghiệm trong vai diễn đó. Tôi nhận lời, rồi về xin phép cơ quan đồng ý để mình tham gia đóng phim.
Thời đó, việc được tham gia đóng phim điện ảnh là niềm vinh dự cho cả cơ quan đoàn thể lẫn cá nhân mình. Đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, chứ không có kí hợp đồng hay cát-xê gì đâu!
Tôi cũng không ngờ là việc quay bộ phim đó kéo dài trong 4 năm trời.
Làm phim vào những năm 80 của thế kỷ trước, từ Bắc vào Nam đóng phim trong 4 năm hẳn là nhiều khó khăn, thưa bà?
- Hồi đó phim điện ảnh chủ yếu sử dụng công nghệ quay phim nhựa Oppvo của Đức, cả nước chỉ có một cơ sở in tráng ở ngoài Hà Nội thôi, nên quay mẻ nào xong chúng tôi phải gửi ra Hà Nội để rửa. Mà thời đó máy bay rất hiếm! Chúng tôi phải nhờ các máy bay trực thăng quân sự của quân đội để chuyển các thước phim đó ra Hà Nội.
In tráng xong, kết quả tốt thì trong này mới lại tiếp tục quay, chính vì thế quá trình làm phim kéo dài. Tất nhiên tôi không phải ở trong Tp.HCM suốt thời gian 4 năm quay phim, mà có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn vài tháng thôi.
Nhưng việc bộ phim kéo dài thời gian quay cũng có cái tốt là người diễn viên được thâm nhập thực tế, nghiên cứu kịch bản, nghiên cứu vai diễn kĩ hơn… để hóa thân vào nhân vật có chiều sâu hơn.
Cho đến bây giờ thì nhiều khán giả vẫn hay nhắc đến Biệt động Sài Gòn như một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Theo bà thì điều gì làm nên sức sống lâu bền và giá trị của bộ phim?
- Phim đó thuộc vào hàng kinh điển của điện ảnh Cách mạng, đến các dịp lễ hoặc ngày truyền thống, chẳng hạn như dịp Giải phóng miền Nam 30/4 thì truyền hình hay chiếu, thế nên mình cũng nổi tiếng hơn. Sau 35 năm, tôi đi đâu người ta vẫn nhận ra tôi với vai diễn để đời ni cô Huyền Trang. Nhiều người toàn gọi tôi là Huyền Trang chứ không gọi tên thật Thanh Loan. Với tôi đó thực sự là phần thưởng cao quí nhất của người nghệ sĩ.
Thưa bà, bà có theo dõi thế hệ diễn viên và điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây không? Điện ảnh Việt Nam hiện nay, mặc dù thi thoảng vẫn có một vài phim tốt nhưng để gọi là "phim kinh điển", hay những "vai diễn để đời" như ở thời của bà... thì có lẽ vẫn còn hơi ít?
- Điều này rất khó nói vì mỗi thời mỗi khác, cách nhìn nhận đánh giá cũng khác nhau. Thời của chúng tôi làm diễn viên phải được đào tạo cơ bản, không là không được đóng phim. Thời gian quay một phim cũng kéo dài nên có điều kiện làm kĩ hơn, sâu hơn.
Còn bây giờ không cho phép thời gian quay dài như chúng tôi ngày xưa được, làm thế lạc hậu chẳng ai làm! Mỗi giai đoạn lại khác nhau, nên không thể đem góc nhìn quan điểm của chúng tôi ngày xưa để đánh giá thế hệ ngày nay.
Xin cảm ơn những chia sẻ của diễn viên Thanh Loan!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.