Hình ảnh 3 cô con gái mừng sinh nhật bố Sơn.
Đặc biệt ấn tượng với tuyến nhân vật phụ
Phim “Về nhà đi con" đang được coi như một “hiện tượng" khi được khán giả cũng như truyền thông quan tâm hàng ngày. Là nam chính của bộ phim anh cảm nhận thế nào về điều này?
- Khi đọc kịch bản, tôi đã biết đó là một kịch bản hay, dàn diễn viên “chất” nhưng không nghĩ sẽ được đón nhận nhiều tình cảm đến thế. Vì thực tế, có khá nhiều kịch bản hay nhưng khi lên phim lại “hẩm hiu”. Bản thân tôi cũng khá hồi hộp “Về nhà đi con" lên sóng. Đặc biệt đây lại là phim có một số điểm đặc biệt: Mỗi tập phim dài hơn 20 phút và vừa quay vừa phát.
Việc vừa quay vừa phát sóng là con dao hai lưỡi. Vì khi phát sóng diễn viên sẽ rút được kinh nghiệm cho những tập sau, còn ekip cũng có sự điều chỉnh phù hợp hơn theo phản ứng của khán giả. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái là nếu phim không hay, không được khán giả đón nhận, mà cứ kéo lê như thế thì rất dễ làm cho diễn viên nản, mất cảm hứng.
Tôi cũng cảm thấy may mắn vì đây là một phim đầu tiên phát sóng theo khung giờ mới, thời lượng mới, vừa phát vừa quay như thế nhưng đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chắc chắn tất cả các diễn viên đều có hứng làm. Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ quay thêm một vài tập ngoại truyện nữa.
Nhưng những tập gần đây bộ phim đang bị đánh giá là “giảm nhiệt" vì cho rằng tình tiết lê thê. Anh có nhận thấy điều này không?
- Tôi không thường xuyên theo dõi được phim nhưng tôi vẫn cập nhật được thông tin. Thực tế, ngay từ những tập đầu lên sóng phim cũng đã có người khen, người chê, người thích, người không. Giai đoạn sau cũng thế. Thậm chí nhiều nhân vật được yêu thích hâm mộ cũng sẵn sàng bị quay lưng sau 1 tập phim. Dễ dàng nhận thấy, có lúc Ánh Dương là “ngôi sao" của khán giả nhưng rồi chỉ “chớp mắt” đã bị chê vì tính cách thay đổi, yêu bố bạn, hỗn láo với chị gái, ... Nhưng tôi tin chắc đó mới chính là những người đầu tiên ngồi vào màn hình để theo dõi chăm chú từng tình tiết, từng nhân vật và đánh giá. Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý đó: họ vì quá yêu mà ghét.
Một phần lý do khán giả cho rằng tuyến nhân vật mới xuất hiện trong phần sau của phim không đạt được kỳ vọng.. Là diễn viên xuyên suốt phim, anh thấy điều này đúng không?
- Thực sự thì có một số diễn viên mới tôi không đóng cùng nên không đủ thẩm thấu để nhận xét, cũng như không bình luận về vai diễn. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cao dàn diễn viên phụ của “Về nhà đi con".
Chúng ta xưa nay luôn “bỏ quên" tuyến vai phụ mà chăm chăm vào dàn diễn viên chính vì họ thường là nghệ sĩ có tiếng, được coi là trụ cột cho phim. Nhưng thực ra, vai phụ luôn đóng vai trò hoặc tạo sự mềm mại hoặc cao trào. “Về nhà đi con" đã sở hữu tuyến vai phụ cực kỳ thành công - có thể 1, 2 nhân vật chưa khiến khán giả hài lòng nhưng đa số đã rất xuất sắc với vai diễn của mình.
Ông bố “đông con” nhất Việt Nam hiện nay
Hình ảnh ấm áp của gia đình ông Sơn trong Về nhà đi con.
Được biết phim được đổi từ “Nước mắt gà trống" sang “Về nhà đi con", khá nhiều người thắc mắc tên phim có phải mục đích để cuối cùng các con về nhà với bố?
- Ngay từ đầu phim ông Sơn đã nói: “Bố chẳng có gì ngoài sự già nua lẩm cẩm và một ngôi nhà đầy tình thương để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”. Câu ấy nghe thì đơn giản, nhưng ở trong cái hoàn cảnh ấy, không khí ấy, chúng tôi đã phải quay đi quay lại rất nhiều lần vì khóc không nói nổi. Đó mới là ý nghĩa thực sự.
Thú thật tôi không thích tên phim “Nước mắt gà trống” vì nếu thế nhân vật ông Sơn sẽ phải khóc rất nhiều. Đối với tôi khóc không khó nhưng vấn đề là cảm xúc có truyền được đến khán giả? Không khóc mà khán giả cảm nhận được hoàn cảnh, số phận xót xa, khóc thay nhân vật chứ diễn bù lu bù loa mà khán giả trơ ra thì còn gì mà nói. Vì thế tôi đã góp ý phải chọn cảnh nào có điểm nhấn để khóc.
Vai Thư của Bảo Thanh cũng được coi là “thánh khóc” của phim. Cá nhân anh đánh giá thế nào về “cô con gái” này?
- Được diễn cùng Bảo Thanh là một may mắn cho tôi. Đó là một đồng nghiệp trẻ nhưng vô cùng tài năng, rất thông minh, khả năng biểu cảm từ tiếng nói, hình thể đến nét mặt dường như đối với Thanh là vô tận. Tôi gọi Bảo Thanh là "Nữ hoàng nước mắt của bố" vì khi quay cùng, tôi phải chứng kiến biết bao cảnh khóc, có những ngày quay khóc suốt từ sáng tới chiều của Thanh. Biết lấy gì để đong đầy được nước mắt của người diễn viên ấy đã nhỏ xuống phim trường? Không gì cả, ngoài tình cảm của người xem!.
Diễn viên Trung Anh được khán giả chào đón sau thành công của vai diễn.
Vai “bố Sơn “xoăn" của anh đang ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả với từng biểu cảm, cử chỉ dành cho con. Liệu anh đem bao nhiêu phần trăm con người thực vào phim?
- Tôi ngoài đời và nhân vật trong phim có nhiều điểm tương đồng. Tôi giống ông Sơn là có con gái, nóng tính, thỉnh thoảng cũng tát con. Phim xây dựng hình ảnh ông bố cố gắng để đưa nhân vật lên “mẫu số chung” và quan trọng nhất là tình yêu dành cho con để bù đắp cho sự thiếu vắng mẹ. Lúc đọc kịch bản tôi cứ nghĩ chắc lại do mấy bà già viết đấy nhưng không ngờ hôm gặp mới biết hoá ra toàn là người trẻ. Người trẻ mà suy nghĩ sâu sắc như thế.
Như anh chia sẻ con người bên ngoài khá nóng tính, cũng đôi lần tát con, trong phim cũng thế. Vậy khi diễn những cảnh này anh cảm thấy thế nào?
- Tôi có con gái 16 tuổi nên có kinh nghiệm đưa vào dạy dỗ 3 cô con gái trong phim. Tát con vì nóng tính nhưng chỉ đôi lần vì mong muốn con sống tốt hơn. Chính vì thế, trong kịch bản tôi có khá nhiều cảnh xuống tay với con cái nhưng sau đó trao đổi với đạo diễn và biên kịch để hợp lý hơn. Ví dụ theo kịch bản ban đầu, sau khi Thư có hành động hỗn láo với cô Hạnh bán hoa, ông Sơn sẽ tát Thư lần thứ 2. Tôi thấy tát nhiều sẽ nhàm. Hơn nữa Thư đang mang bầu nên càng không thể. Chẳng ai đi tát một cô gái đang mang bầu, huống hồ đó lại là con mình. Nếu đưa lên phim, đó là một điều cực kỳ phản cảm. Khi tôi nói và được đạo diễn đồng ý điều chỉnh ngay.
Mặc dù ông Sơn nóng tính nhưng có vẻ vẫn đang là nhân vật được yêu thích “bền vững" nhất của phim?
- Cách đây không lâu tôi được mời đến nói chuyện với các bạn nhỏ trong một khoá tu 7 ngày, câu đầu tiên tôi nói: “Chú chào các cháu!” nhưng phía dưới đồng loạt phản ứng: “Bố! Bố chứ không phải chú”. Còn ra ngoài đời, rất nhiều người gặp tôi bây giờ cứ xưng con, gọi bố, thậm chí có người khá lớn tuổi cũng xưng con. Tôi ngại nhưng họ thích thì biết làm thế nào? Vậy nên mọi người hay đùa tôi là “ông bố đông con nhất Việt Nam” (cười).
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Ngọc Mai (thực hiện) (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.