Điệp khúc trả lại tiền lạm thu đầu năm học: Vẫn tình trạng giơ cao đánh khẽ

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 29/09/2017 06:40 AM (GMT+7)
Đầu năm học mới, hàng loạt trường bị phát hiện lạm thu. Khi “bị lộ”, trường trả lại tiền. Điệp khúc này năm nào cũng diễn ra khiến không ít phụ huynh mất lòng tin vào môi trường giáo dục.
Bình luận 0

Buồn vì... được trả lại tiền  

Cầm số tiền hơn 800.000 đồng và đặt bút ký vào danh sách nhận lại tiền điều hòa, máy chiếu mà chị Nguyễn Thị M – phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội)  buồn rười rượi.

img

Phụ huynh không vui khi nhận lại tiền lạm thu. (ảnh minh hoạ). Ảnh: TA  

"Hiệu nay, Ban đại diện cha mẹ học học sinh vẫn được phép thu hội phí theo quy định tại điều 10. Đây chính là chỗ để các trường “lách luật” lợi dụng thu sai. Tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu để bỏ quy định này. Phụ huynh đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT
Nguyễn Thị Nghĩa 

Chị M cho biết, trước đó, vì gia đình có việc đột xuất, chị đã không tham dự được buổi họp phụ huynh đầu năm cho con. Chính vì vậy, khi cô giáo báo nộp tiền các khoản, chị cũng nộp luôn và không thắc mắc gì. Đến khi đọc trên báo chí thấy trường con mình bị phát hiện thu không đúng một số khoản và phải trả lại tiền cho phụ huynh chị đã rất bàng hoàng.

“Đi đâu người ta cũng hỏi: “Con em có học trường đó không? Lạm thu thế thì dạy tốt sao được? Có định chuyển trường cho con không?... Thú thật mấy trăm nghìn không phải là nhiều nhưng nó làm mình mất niềm tin với môi trường giáo dục -  nơi mình gửi gắm hy vọng về tương lai cho con quá” – chị M nói.

360.000 đồng là số tiền mà chị Phạm Thị B ở Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) vừa nhận lại từ giáo viên chủ nhiệm của con sau khi Trường Tiểu học Hải Bối bị phát hiện thu sai số tiền hỗ trợ lớp mũi nhọn, lớp chọn. Chị B thở dài: “Nếu không bị phát hiện thì 360.000 nhân lên với hơn nghìn học sinh sẽ ra số tiền không nhỏ đâu. Rồi số tiền đó sẽ đi đâu? Không thể cứ phát hiện thu sai thì trả lại, nếu không bị phát hiện thì ỉm luôn à?”.

Phụ huynh Hoàng Yến V (Hải Phòng) cũng vừa nhận lại số tiền trước đó đóng mua điều hòa cho con khi vào lớp 1 nhưng chị cũng không hề vui. Chị V cho biết, chị không tiếc tiền để con được học trong môi trường mát mẻ, có điều hòa nhưng chỉ buồn vì cách làm không đúng của trường đã khiến học sinh lớp 1 trong đó có con chị bị thiệt thòi.

 “Bố mẹ hàng ngày đi làm ngồi văn phòng mát lạnh trong khi con cái phải học trong một phòng nhỏ với gần 50 bạn. Trời nắng nóng mà chỉ có quạt trần, cả ngày ăn ngủ nghỉ, học hành trong đó rất thương. Nếu như trường làm đúng quy định, thu tiền có sự đồng thuận, điều hòa còn sử dụng được thì sử dụng tiếp, đừng mập mờ thì các con đỡ khổ hơn” – chị V nói.

Không chỉ ở Đông Anh, thời gian gần đây, hàng loạt trường bị phát hiện lạm thu cũng lần lượt ca bài ca… trả lại tiền cho phụ huynh. Trường Mầm non Hợp Tiến (xã Hợp Tiến, Mỹ Đức) cũng vừa phải trả lại số tiền lạm thu hơn nửa tỷ đồng. Trong đó có có gần 149 triệu tiền xã hội hóa và gần 372 triệu tiền phụ huynh tự nguyện đóng góp phục vụ trẻ. Số tiền mỗi phụ huynh nhận lại được là 460.000 đồng.

img

Tại một số nơi, học sinh phải đóng nhiều khoản thu chưa chính đáng (ảnh minh họa).  Ảnh: T.A 

Ngày 24.9, Trường Tiểu học Thạch Quý (phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh) cũng phải trả lại cho phụ huynh số tiền hơn 82 triệu đồng tiền thu sai khoản xã hội hóa trang thiết bị trường học. Ngày 26.9, ban đại điện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh) đã trả lại số tiền 332 triệu đồng từ 48 khoản dự kiến thu dưới danh nghĩa xã hội hóa. Hiệu trưởng trường này cũng thừa nhận, dù trường không trực tiếp đứng ra thu nhưng trường cần có hỗ trợ tài chính từ phụ huynh trong các hoạt động ngoại khóa thiếu kinh phí.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Cứ bị phát hiện thu sai trả lại tiền là xong, người đứng đầu không phải chịu trách nhiệm gì về những khoản thu sai đó là điều rất vô lý. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc xử lý lạm thu như vậy còn chưa triệt để. Theo ông, việc thu sai có trách nhiệm lớn nhất thuộc người đứng đầu các trường chứ không phải “đá bóng” trách nhiệm hết cho ban đại diện cha mẹ học sinh: “Nếu hiệu trưởng không đủ năng lực giải trình các khoản thu đúng quy định thì phải thay thế người khác” – ông Lâm bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Tú Khánh – Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do người đứng đầu ngành giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, không theo dõi giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn.

Ông Tống Duy Hiến– Phó Chánh thanh tra Bộ GDĐT thì cũng cho biết, sau các đợt thanh tra phát hiện sai phạm, Bộ đều yêu các trường phát hiện lạm thu phải chấm dứt ngay việc thu và hoàn trả lại tiền cho phụ huynh. Tuy nhiên, ông Hiến thừa nhận việc xử lý như trên mới chỉ giải quyết phần ngọn.

 “Để giải quyết tận gốc vấn đề lạm thu đầu năm học, tới đây Bộ GDĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55 quy định điều lệ về Ban đại diện cha mẹ học sinh và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị chính quyền địa phương bố trí đủ kinh phí tối thiểu 20% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn chi cho các cơ sở” – ông Hiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem