Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn

Thứ năm, ngày 27/08/2020 12:33 PM (GMT+7)
Có nhiều dấu hỏi và giả thuyết về điệp viên 3 mang Penkovsky - Đại tá tình báo Liên Xô, đồng thời là đặc vụ của CIA và MI16.
Bình luận 0

Oleg Vladimirovich Penkovsky sinh ngày 23/4/1919 tại Vladikavkaz, trong một gia đình kỹ sư khai thác mỏ. Đặc vụ tam trùng tương lai này từng tốt nghiệp trường Pháo binh ở Kiev, năm 1939, tham gia vào chiến tranh chống lại người Ba Lan, và năm 1940, chiến đấu với người Phần Lan. Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Penkovsky phục vụ tại Bộ chỉ huy Quân khu Moscow, rồi tình nguyện ra mặt trận, đã chiến đấu dũng cảm, được tặng thưởng nhiều huân huy chương. Penkovsky là trợ lý của Varentsov (về sau là Nguyên soái) - người đã ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai của đặc vụ này.

Sau chiến tranh, Penkovsky kết hôn với con gái của một vị tướng, người đã giúp đôi vợ chồng son có được một căn hộ ở một khu danh giá gần Điện Kremlin. Không lâu sau đó, Penkovsky vào Học viện Quân sự Frunze và Học viện Quân sự-Ngoại giao - nơi được coi là lò rèn của các cán bộ tình báo quân đội Liên Xô. Ở tuổi 31, Penkovsky đã là đại tá. Năm 1955, Penkovsky được cử ra nước ngoài với tư cách Trợ lý Tùy viên Quân sự và Phó chỉ huy GRU tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, mối quan hệ với cả đồng nghiệp và cấp trên của Penkovsky không êm thấm. Mơ ước được đảm nhận thay chân Trưởng phòng, Penkovsky đã viết đơn tố cáo xếp lên Ủy ban Trung ương của ĐCS Liên Xô. Nhưng bức thư đã gây tác dụng ngược lại - Penkovsky bị triệu hồi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí xuýt bị sa thải, phải nhờ những người quyền lực ra tay cứu vớt (theo một số nguồn tin, đó là người đứng đầu GRU - Tướng Serov).

Bị loại khỏi nghiệp tình báo nhưng thậm chí người ta còn định cử Penkovsky làm Tùy viên Quân sự tại Ấn Độ, một chức vụ có hàm tướng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bị thất bại, Penkovsky được chuyển sang làm việc trong Ủy ban Điều phối Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước - là vỏ bọc nhiều sĩ quan tình báo. Những người làm việc ở Ủy ban này có thể tự do giao tiếp với người nước ngoài, đi ra nước ngoài để thiết lập quan hệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời hoạt động tình báo khoa học kỹ thuật.

Chào đón

Tự cho mình là người bị thiệt thòi, Penkovsky nhận ra mình sẽ không bao giờ được đeo lon tướng. Có lẽ, sự phẫn uất là một trong những nguyên nhân khiến viên Đại tá phản bội. Penkovsky đã cố gắng thiết lập liên lạc với CIA. Lúc đầu, tình báo Mỹ e ngại ông này là "kẻ cài cắm" của các cơ quan tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, sự kiên trì của viên Đại tá đã thành công. Một lần, gặp hai du khách Mỹ ở Moscow, Penkovsky đã nhờ họ chuyển cho Đại sứ quán Mỹ một bức thư, hứa cung cấp thông tin về hoàn cảnh chiếc máy bay trinh sát tầm cao Lockheed U-2 của Mỹ bị bắn rơi.

Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn - Ảnh 1.

Điệp viên tam trùng Penkovsky; Nguồn: wikipedia

Trong khi CIA đang cố gắng thiết lập liên lạc với Penkovsky, Penkovsky đã giao cho một người quen là Greville Wynn - một doanh nhân người Anh - một số tài liệu bí mật để chuyển cho cho Đại sứ quán Anh ở Moscow. Các cơ quan tình báo CIA của Mỹ và MI6 của Anh quyết định hợp tác với Penkovsky. Tháng 4/1961, Penkovsky dẫn đầu một phái đoàn các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô đến London. Buổi tối, sau khi hoàn thành công việc chính, Penkovsky đến điểm hẹn, nơi các sĩ quan MI6 và CIA đang đợi sẵn. Tại đây, Penkovsky đã chuyển các tài liệu tuyệt mật về tên lửa và các vũ khí chiến lược khác, thông tin về thực trạng giới lãnh đạo quân đội Liên Xô, về các hoạt động của GRU và tên của các sĩ quan tình báo mà y đã học cùng hoặc tiếp xúc trong quân ngũ.

Những ông chủ mới đã thảo luận về các điều khoản hợp tác và cách thức duy trì liên lạc với Penkovsky. Y được hứa nhập quốc tịch Mỹ hoặc Anh và phong quân hàm Đại tá trong quân đội Anh hoặc Mỹ, sẽ nhận được 2.000 USD mỗi tháng (1.000 USD từ mỗi cơ quan tình báo) và một khoản thanh toán bổ sung cho mỗi tài liệu mật. Ở London, y thích đi mua sắm, nhà hàng và hộp đêm mà phải đắn đo nhiều. Penkovsky tự đánh giá rất cao về bản thân, thậm chí còn muốn được Nữ hoàng Anh tiếp. Không được gặp Nữ hoàng, nhưng y đã gặp được giám đốc tình báo Anh Dick White.

Các cơ quan tình báo phương Tây nhận được thông tin từ Penkovsky trong các chuyến công tác với các phái đoàn Liên Xô tới London và Paris. Nhờ Nguyên soái Varentsov, điệp viên tam trùng được tiếp cận các tài liệu đặc biệt quan trọng tại kho lưu trữ tối mật của Bộ Tổng Tham mưu. Đặc biệt quý giá là thông tin về lực lượng tên lửa, tình trạng và việc triển khai của chúng. Khi Wynn đến Moscow, Penkovsky đã trao đổi thông tin với anh ta. Một liên lạc viên khác của Penkovsky là Janet Chisholm - vợ của một nhân viên MI6 làm việc dưới "mái nhà" đại sứ quán Anh. Vỏ bọc của cô này ở Moscow là ba đứa trẻ, cùng cô đi dạo trong công viên - nơi cô định kỳ gặp Penkovsky.

Bại lộ

Vào đầu năm 1962, các sĩ quan KGB đang thực hiện giám sát người nước ngoài nhận thấy hành vi sau: Janet Chisholm bước vào một lối vào nhà, vài giây sau một người đàn ông đi ra khỏi đó và cố gắng xác định xem ông ta có bị theo dõi hay không. Hóa ra, ông này không sống và cũng không có người quen ở đó - đó chính là Penkovsky. Mối nghi ngờ càng gia tăng khi Penkovsky đến Đại sứ quán Anh mà không thông báo về mục đích chuyến đi với cơ quan an ninh nhà nước.

Căn hộ của Penkovsky được giám sát suốt ngày đêm. Công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ, bao gồm cả thiết bị nghe trộm và nhìn đêm, đã được sử dụng. Một chiếc máy ảnh được gắn trong một cụm hoa trên ban công phía trên căn hộ của Penkovsky có thể giúp đọc được các tài liệu mà điệp viên chụp được trên bệ cửa sổ. Hệ thống phức tạp được điều khiển từ ngôi nhà đối diện và cáp được đặt dọc theo đáy sông Moscow. Điệp viên 3 mang liên tục bị bí mật theo dõi, điều mà ngay cả một đặc vụ chuyên nghiệp cũng khó phát hiện ra.

Mọi hành vi, giao tiếp của Penkovsky đều được ghi bằng camera giấu trong cặp. Các sĩ quan KGB cũng đã bí mật đột nhập vào căn hộ của y, tìm thấy một chỗ bí mật trong bàn làm việc, trong đó có các sổ ghi chép mã hóa, một máy ảnh Minox, một xấp tiền, phim ảnh chụp tài liệu bí mật và một hộ chiếu giả - không loại trừ khả năng điệp viên chuẩn bị trốn ra nước ngoài.

Ngày 22/10/1962, Penkovsky bị bắt giữ (điều mà các cơ quan tình báo phương Tây không biết) và y ngay lập tức, thừa nhận tội lỗi của mình, đồng ý hợp tác điều tra - khai mật mã và mã liên lạc với các sĩ quan tình báo nước ngoài và tham gia Chiến dịch Kho mật («Тайник»). Rất lâu trước khi bị bắt, Penkovsky đã bố trí một hộp thư mật để chuyển các thông điệp quan trọng ở lối vào một ngôi nhà ở Moscow. Khi bị bắt, y đã gửi đến Đại sứ quán Mỹ một tín hiệu quy ước trước, ám chỉ trong hộp thư mật có thông tin khẩn. Một nhà ngoại giao Mỹ đến nhận tin đó đã bị bắt, sau đó ở Budapest, Wynn cũng bị bắt và bị di lý đến Moscow.

Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn - Ảnh 2.

Penkovsky tại phiên tòa xét xử tội phản quốc; Nguồn: theintercept.com

Ở trong tù, Penkovsky đã viết một bức thư cho lãnh đạo KGB, yêu cầu được giữ mạng sống và đảm bảo rằng y vẫn có thể hữu ích, sẽ không làm tổn hại thêm; nếu y thay đổi lời hứa của mình và cung cấp tài liệu chất lượng thấp hoặc "thông tin rởm" - sát hại gia đình y và y, nhưng sẽ không ai sử dụng y làm đặc tình. Phiên tòa xét xử được mở công khai, Penkovsky bị kết án tử hình, và bị xử bắn ngày 16/5/1963. Có thông tin rằng, Penkovsky không bị bắn, mà bị thiêu sống trong lò hỏa táng. Toàn bộ thủ tục đã được ghi hình và trong tương lai, sẽ được chiếu cho các tình báo tương lai, để răn đe.

Greville Wynn - đồng phạm của Penkovsky - lãnh 8 năm tù chế độ nghiêm khắc. Nhưng Wynn ngồi tù không lâu, tháng 4/1964, được đổi lấy sĩ quan tình báo Liên Xô Konon Molodoy (Gordon Lonsdale) - người được tái hiện một cách xuất sắc trong bộ phim Mùa chết (“Dead Season”) của Donatas Banionis. 12 nhà ngoại giao từ các đại sứ quán Anh và Mỹ đã được tuyên bố là các cá nhân “không được hoan nghênh”. Những người bảo trợ của Penkovsky - Ivan Serov và Sergei Varentsov - bị giáng cấp và nghỉ hưu sớm. Gia đình, mẹ, vợ và con gái của Penkovsky không biết về công việc của y, được cấp một căn hộ khác và được đổi họ tên.

Sau khi Penkovsky bị xử bắn, một số cuốn sách và bộ phim về y đã được xuất bản ở phương Tây. Gerald Scheckter - một trong những tác giả của cuốn Đặc vụ cứu thế giới (“The Spy Who Saved the World”) tin chắc rằng, Penkovsky đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Chính điệp viên này đã thông báo cho người Mỹ rằng việc triển khai tên lửa của Liên Xô ở Cuba là một trò lừa bịp; Liên Xô không có tên lửa xuyên lục địa có khả năng tiêu diệt Mỹ. Điều này có nghĩa là Liên Xô sẽ không chiến đấu với Mỹ. Tổng thống Kennedy đã giữ vững lập trường cứng rắn, và kết quả là các bệ phóng tên lửa của Liên Xô từ hòn Đảo Tự do đã bị tháo dỡ. Còn người Mỹ đã loại bỏ tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ và đảm bảo không tấn công Cuba.

Tuy nhiên, các chuyên gia Liên Xô lại giữ quan điểm ngược lại. Vài ngày trước khi bị bắt, Penkovsky nói với người Mỹ rằng Liên Xô đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ, mặc dù y không có chứng cớ để minh chứng điều đó. May mắn thay, CIA đã không xem trọng thông tin này và không báo cáo với Kennedy. Nếu không, rất khó để nói cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba sẽ kết thúc như thế nào. Penkovsky đề xuất cho nổ các đầu đạn hạt nhân mini gần các tòa nhà của Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô, KGB, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, bằng cách đó, tiêu diệt ban lãnh đạo Liên Xô, hàng chục nghìn người được cho là sẽ chết, nhưng khía cạnh đạo đức của vấn đề này hầu như không khiến y lo lắng.

Kẻ phản trắc, phản bội Tổ quốc đã nhận được những gì xứng đáng với hành động của mình. Có vẻ như người ta có thể đặt dấu chấm hết cho vụ này, tuy nhiên ...

Sự thực?

Năm 2010, cuốn sách "Bí mật chính của GRU" được xuất bản ở Nga. Tác giả của nó - Anatoly Maksimov, một cựu tình báo Liên Xô - cho rằng, Penkovsky không phải là kẻ phản bội, mà thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tình báo Xô viết để thông tin sai cho phương Tây về sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Penkovsky đã truyền thông tin sai lệch về sự không hoàn hảo của công nghệ tên lửa của Liên Xô, vốn không gây ra mối đe dọa cho Mỹ, điều cho phép Liên Xô có thêm thời gian để tạo ra lá chắn hạt nhân đáng tin cậy của mình.

Maksimov tin chắc rằng Đại tá Penkovsky không bị bắn; vì nghĩa lớn mà ông đã đồng ý đóng vai một kẻ phản bội, sống ở đất nước của mình với thân phận bất hợp pháp và chết ở tuổi 80. Nhưng phán quyết của tòa thì sao? Theo Maksimov, bản án chỉ là để thuyết phục người Mỹ rằng thông tin mà Penkovsky chuyển đi là có giá trị. Giả thuyết này hoàn toàn có quyền tồn tại. Rốt cuộc, những nguyên nhân khiến một người từng là người lính trận và một sĩ quan thành đạt, liều mạng trở thành kẻ phản bội cũng như nhiều dấu hỏi và bí mật trong vụ án “điệp viên thế kỷ” Penkovsky vẫn chưa được tiết lộ.

Lê Ngọc (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem