Điều chỉnh từ vụ đông xuân 2011-2012

Chủ nhật, ngày 06/11/2011 05:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ thu đông năm nay sẽ là một bài học lớn cho ngành nông nghiệp. Điều đầu tiên là tại một số địa phương xuống giống chậm so với yêu cầu quy định đề ra, cây lúa đã không đủ sức vươn lên để chống đỡ với lũ.
Bình luận 0

Đó cũng là việc cần điều chỉnh, lịch thời vụ phải được chỉ đạo một cách kiên quyết hơn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Bài học về làm lúa vụ 3

Vụ thu đông năm nay sẽ là một bài học lớn cho ngành nông nghiệp. Điều đầu tiên là tại một số địa phương xuống giống chậm so với yêu cầu quy định đề ra, cây lúa đã không đủ sức vươn lên để chống đỡ với lũ. Đó cũng là việc cần điều chỉnh, lịch thời vụ phải được chỉ đạo một cách kiên quyết hơn.

img
Chỉ nên trồng lúa thu đông khi có đê bao chắc chắn.

Thứ hai là đê bao cần phải được củng cố vững chắc để đủ sức chống đỡ với lũ lên cao và lên nhanh như năm nay.

Thứ ba là cũng cần phải tính toán và chuyển vùng như thế nào để chúng ta khai thác được phù sa do lũ của đồng bằng sông Cửu Long mang lại cho đồng đất mà vẫn còn những quỹ đất để sản xuất ở vụ thu đông.

Tất cả những điều này sẽ được Cục rút kinh nghiệm và điều chỉnh sớm, trước hết là ở thời vụ đông xuân năm 2011-2012.

Ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang: Phải đảm bảo đê bao an toàn

Việc sản xuất lúa vụ thu đông có ý nghĩa rất lớn trong tình hình chống lạm phát kinh tế, đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội và góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, muốn sản xuất lúa vụ thu đông phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về đê bao chống lũ an toàn, đạt cao trình lũ năm 2000 cộng thêm 0,3m; đồng thời có sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Vừa qua đã có nhiều địa phương không chấp hành quy định này dẫn tới những thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT): Công tác BVTV sẽ chịu áp lực hơn

Trước hết, tôi khẳng định đây là chủ trương đúng. Bộ cũng đã chỉ đạo các cục phối hợp với các địa phương để quy hoạch ăn chắc. Đặc biệt có thể luân phiên về vấn đề xả lũ để cung cấp lượng phù sa màu mỡ cho cây trồng, đồng thời dãn cách để cách ly sâu bệnh. Sâu bệnh là vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa ở các tỉnh phía Nam nhất là rầy và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Vì vậy, ở đây vấn đề thời vụ đóng vai trò rất quan trọng. Việc tăng diện tích lúa vụ 3 sẽ gây áp lực lớn hơn trong công tác BVTV, và những người làm công tác BVTV cũng sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, ngành bảo vệ thực vật sẽ tham gia để góp phần vào thắng lợi của lúa 3.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia về đất ngập nước (Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế -WWF): Cần giải bài toán chi phí - lợi ích

Theo tôi cần phải giải bài toán chi phí - lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn. Nếu tính một danh sách dài những chi phí tiềm năng trong sản xuất lúa vụ 3 như: Chi phí đầu tư xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; chi phí nạo vét cửa sông Mekong phục vụ giao thông thủy do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông; mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ, gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô...

Nông dân Năm Thiên (ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp): 3 năm xả lũ một lần sẽ tốt hơn

Năm nay, tôi làm 30 công (mỗi công 1000m2) vụ đông xuân và hè thu, lúa trúng mùa ăn chắc, giá lời 90 triệu đồng, nên vụ 3 này nghỉ cho khỏe, để nước tràn đồng có lợi hơn. Tôi tính 7 năm rồi làm 3 vụ lúa trong vùng bao đê, riêng lượng phân bón đã tăng tới 30%, chưa tính những chi phí khác mà đất không được hưởng phù sa. Nếu không bị ngập lụt mà lúa vẫn được giá như năm nay thì lời một công cũng được 2,5 triệu đồng, còn nếu thất giá như năm rồi, một công chỉ kiếm được nửa triệu đồng, có khi hòa vốn. Nên theo tôi, dù đã quy hoạch làm 3 vụ nhưng nếu sau 3 năm cho xả lũ một lần vẫn tốt hơn.

TS Lê Anh Tuấn - chuyên gia về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): Nên làm ở vùng không ngập lũ

Làm đê bao có lợi cho vùng này mà có hại cho vùng khác về kinh tế, môi trường thì coi như có hại cho toàn cục. Theo tôi, chỉ nên làm vụ 3 ở những vùng gò cao, không ngập sâu như ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Hiện sản xuất lương thực ở ĐBSCL đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá, thí dụ như làm thêm vụ 3 thì phải trả giá như hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Tôi đã cảnh báo từ đầu

Khi Bộ NNPTNT chỉ đạo tăng thêm 100.000ha vụ thu đông, tôi và nhiều người đã cảnh báo khả năng xấu có thể xảy ra. Nếu làm ẩu, không chuẩn bị kỹ càng về đê điều, về quy hoạch, về việc giám sát sản xuất ở địa phương, nông dân sẽ là người thiệt hại nhiều nhất. Thực tế thì những việc trên chúng ta làm không tốt nên vừa qua ở nhiều khu vực, nông dân sản xuất lúa vụ 3 đã bị nhấn chìm, mất sạch.

TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam: Nhiều địa phương làm chưa tốt

Việc để xảy ra tình trạng lũ phá lúa vụ 3 như hiện nay là một bài học cần rút kinh nghiệm, nhất là từ phía các địa phương. Những vùng làm vụ thu đông phải luân phiên giữa các tỉnh để thời gian xả lũ, mang phù sa vào ruộng. Đã làm thu đông là phải có kế hoạch, phải chủ động tất cả các vấn đề, không để rủi ro xảy ra, đặc biệt là trong mùa lũ. Việc này, nhiều địa phương làm chưa tốt.

Nông dân Phạm Công Bằng (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang): Thấy kêu gọi mở rộng vụ 3 thì làm

Thấy giá lúa tăng cao nên địa phương kêu gọi mở rộng sản xuất vụ 3. Gia đình có gần 6ha lúa ở khu vực kênh Thầy Phó, tuy nhiên sau khi xuống giống xong mới thấy lo, vì các tuyến đê xung quanh mới làm xong cách đây 5 tháng. Mặt đê thì nhỏ, vừa yếu, nên khi gặp cường suất lũ nhanh và mạnh, đã nhanh chóng bị vỡ, kéo theo các vùng đê bảo vệ lúa chung quanh cũng bị vỡ theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem